Lao động đặc thù
Thẳng thắn nêu quan điểm khi góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, việc chúng ta cần làm hiện nay là, làm sao để lương và thu nhập nhà giáo phải tương xứng với công sức, trí tuệ và đặc thù nghề nghiệp. Ngay ở phần đầu của dự thảo Luật đã khẳng định: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nghĩa là, đặt trên nền tảng, tuân theo Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau Cách mạng tháng 10 Nga, Lênin có nói một câu với đại ý là: Chỗ dựa vững chắc của chính quyền Xô Viết là Hồng quân và đội ngũ giáo viên. Ông chỉ cần nói như vậy là lương của giáo viên tương đương với lương của lực lượng vũ trang.
Vì vậy, theo PGS Đặng Quốc Bảo, nếu như còn giữ Khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật là: “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng” thì cần nghiên cứu để làm sao lương của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bằng với lương của lực lượng vũ trang hiện nay chứ không cần thang bậc lương cao nhất trong thang lương sự nghiệp hành chính.
PGS Đặng Quốc Bảo trao đổi thêm: Ở Thái Lan, đối với giáo viên, ngoài lương của Bộ Giáo dục cấp, họ còn được cộng thêm lương mà người ta gọi là lương để giữ an ninh cộng đồng. Tức là Bộ Nội vụ Thái Lan cấp cho mỗi giáo viên dạy ở các cộng đồng thêm một khoản lương nữa. Các bạn Thái Lan từng đề xuất chúng ta cung cấp cho họ chương trình đào tạo học sinh chuyên và họ sẽ cung cấp lại cho chúng ta những chế độ đối với giáo viên. Tiếc rằng, về sau liên kết này giữa Việt Nam - Thái Lan không được tiếp tục.
“Tôi tường thuật lại sự kiện đó để mong rằng, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của một số nước lân cận về chính sách nhà giáo. Mong rằng, Bộ GD&ĐT có thêm những buổi tọa đàm, hội thảo để các tầng lớp nhân dân trong xã hội đóng góp thêm nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) để Quốc hội sớm thông qua” - PGS Đặng Quốc Bảo nêu ý kiến.
Hiện thực hóa Nghị quyết 29
Nhiều ý kiến đề xuất, cần hiện thực hóa lương của giáo viên theo Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT |
Phản biện với một số ý kiến cho rằng, lương của nhà giáo hiện nay khá cao, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dẫn giải: Nếu nhìn vào một số giáo viên ở các thành phố lớn hoặc thị xã thì điều đó có thể đúng. Nhưng nếu chúng ta đi về cơ sở, đặc biệt là các tỉnh thuộc vùng sâu vùng xa sẽ thấy, đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên bộ môn và sinh viên sư phạm mới ra trường họ cực kỳ khó khăn và không đủ sống bằng đồng lương của mình. Vì thế, nếu nói lương của nhà giáo cao thì không đúng.
Từ thực tế trên, GS Nguyễn Văn Minh đề xuất, cần hiện thực hóa Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đó là: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Chúng ta cần chỉ rõ lao động của nhà giáo là lao động đặc thù.
Về vấn đề lương nhà giáo, các tập thể gồm: Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Nhóm làm việc về quyền trẻ em; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người ở Việt Nam; Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Công đoàn Giáo dục các cấp đề xuất: Nếu lương nhà giáo không “được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương” như Nghị quyết 29 thì đề nghị đưa vào Luật: Lương giáo viên tương đương lương của lực lượng vũ trang. Đồng thời, đề nghị cần có thang bảng lương riêng cho giáo viên bởi đây là ngành đặc thù và cần có chính sách tiền lương thỏa đáng, cao hơn các ngành nghề khác.
Báo cáo Kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) của Chính phủ cho thấy, rất nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề lương của nhà giáo cần thực hiện theo Nghị quyết số 29/NQ-TW, nhưng cũng cần đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị thang bảng lương của nhà giáo phải theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương II (khóa VIII) và Nghị quyết số 29/NQ-TW. Theo đó lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Về vấn đề này, Chính phủ báo cáo như sau: ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Vì vậy, về chính sách tiền lương của nhà giáo Chính phủ xin giữ nguyên theo dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, cụ thể: Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.