Bước tiến của giáo dục đại học Việt Nam

GD&TĐ - Năm 2022, dù còn ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19 nhưng hệ thống giáo dục đại học đã cố gắng và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội

Những điểm sáng

Chia sẻ về bức tranh tổng quan của giáo dục đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) – cho hay, một trong những điểm sáng là tự chủ đại học có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ 90,6%.

Trong đó, có 36/36 cơ sở GDĐH công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng trường. Việc thành lập Hội đồng trường tại các trường trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ 91,18%. Trong đó, 15 cơ sở GDĐH công lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận Hội đồng trường.

Các cơ sở GDĐH tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Vai trò của Hội đồng trường được cụ thể hóa và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động của hầu hết các cơ sở GDĐH. Các cơ sở GDĐH đã chủ động tăng số lượng giảng viên và giảm số lượng lao động khối hành chính.

Đồng thời, thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho giảng viên.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT).

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT).

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, kết quả thực hiện tự chủ về chuyên môn học thuật ở các cơ sở GDĐH cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ.

Bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học.

Cùng với đó, đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế. Mặt khác, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, các trường tập trung tăng cường giải pháp quản lý để bảo đảm và gia tăng các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo như: Chủ động rà soát các điều kiện bảo đảm chất lượng của ngành và chương trình đào tạo. Trong đó, chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý.

Qua đó, nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đủ về số lượng, cơ cấu, đúng tiêu chuẩn, phù hợp với chuẩn chương trình và quy mô đào tạo. Quan tâm xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo, trong đó tập trung phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.

Dù còn ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 nhưng hệ thống giáo dục đại học đã cố gắng và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Dù còn ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 nhưng hệ thống giáo dục đại học đã cố gắng và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Bước tiến trong công tác tuyển sinh

Về kiểm định chất lượng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho hay: tính đến ngày 31/10/2022, có 238 cơ sở GDĐH đã kiểm định chu kỳ 1. Trong đó có 44 cơ sở GDĐH đã kiểm định chu kỳ 2 và 28 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. 569 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn Bộ GD&ĐT ban hành.

Theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 7 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và GDĐH Pháp (HCERES) và AUN-QA. 368 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.

“Việt Nam cũng ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học được ghi nhận trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới và khu vực như: các bảng xếp hạng của THE, QS World University Rankings” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy thông tin.

Nhấn mạnh, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học được các cơ sở GDĐH quan tâm chú trọng, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy viện dẫn: Các trường đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế. Đồng thời, phát triển các chương trình, dự án hợp tác có chất lượng với đối tác nước ngoài. Rà soát các chương trình liên kết đào tạo đảm bảo thực hiện đúng quy định, chú trọng lựa chọn các đối tác có uy tín tốt.

Mặt khác, tích cực hợp tác, tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Khuyến khích kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được công nhận hoạt động ở Việt Nam.

Các cơ sở GDĐH ngày càng chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Từ đó, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, số công bố khoa học quốc tế, công bố trong nước, sáng chế và tài sản trí tuệ khác tăng nhanh qua các năm. Nhiều đề tài, nhiệm vụ đã đóng góp quan trọng, thiết thực cho các ngành công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Hoạt động nghiên cứu khoa học trên toàn quốc dần đi vào thực chất.

Cùng với các kết quả nổi bật nêu trên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhìn nhận, đổi mới và hoàn thiện công tác tuyển sinh là một trong những điểm sáng của năm 2022. Công tác này cũng là điểm sáng nổi bật được Chính phủ ghi nhận và báo cáo trước Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vừa qua.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích, lần đầu tiên toàn bộ quy trình đăng ký tuyển sinh, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung và xử lý lọc ảo chung trên hệ thống.

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và biết ngưỡng điểm xét tuyển do các CSĐT công bố.

Điều này đã mang lại những kết quả tích cực:

Thứ nhất, thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến. Đồng thời, thí sinh được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.

Thứ hai, các cơ sở đào tạo được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các CSĐT tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố. Bộ GDĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả cơ sở đào tạo (CSĐT) phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Đồng thời hỗ trợ các CSĐT điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.

Sinh viên Trường ĐH Ngoại thương tham gia cuộc thi “Tìm kiếm Tài năng Khoa học dữ liệu”.
Sinh viên Trường ĐH Ngoại thương tham gia cuộc thi “Tìm kiếm Tài năng Khoa học dữ liệu”.

Chuyển đổi số mạnh mẽ

Chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, dạy và học được Bộ GD&ĐT cũng như các trường tăng cường mạnh mẽ. Đã triển khai xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học phục vụ công tác báo cáo, thống kê, dự báo và các hoạt động quản lý giáo dục đại học.

Đồng thời, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Triển khai các giải pháp thu học phí không dùng tiền mặt.

Các trường đã chủ động tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Cùng với đó, triển khai hệ thống quản trị cơ sở đào tạo, hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, dần kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về GDĐH. Chủ động tích hợp các dịch vụ trực tuyến và kết nối cơ sở dữ liệu HEMIS của Bộ.

Bên cạnh một số kết quả đã đạt được, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế. Cụ thể, việc thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này còn chưa đồng bộ. Điều này dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng, nhất là vấn đề thành lập hội đồng trường, quan hệ giữa hội đồng trường với đảng ủy và ban giám hiệu.

Việc triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GD&ĐT mới ban hành còn có lúng túng nhất định, đặc biệt là việc triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, trong đó nhiều địa phương chưa nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của mình trong việc triển khai nhiệm vụ này.

Ngoài ra, việc kiểm định chất lượng, thực hiện theo chuẩn chương trình triển khai còn chậm; công tác tuyển sinh có những điểm mới truyền thông chưa thực sự kịp thời…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ