Đây là công cụ hữu ích, góp phần vào sự phát triển, nâng cao chất lượng GDĐH Việt Nam trong tương lai. Bà Trần Nhật Tân - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nâng cao Chất lượng GDĐH (SAHEP), Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) có những trao đổi trên Báo Giáo dục & Thời đại xung quanh vấn đề này.
Sẽ có một cơ CSDL thống nhất
- Thưa bà, HEMIS có ý nghĩa như thế nào đối với GDĐH?
"Các số liệu tổng hợp sẽ cho các cơ sở biết mình đang ở vị trí nào trong hệ thống. Từ đó, có chiến lược, kế hoạch phát triển trong tương lai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng, địa phương và đất nước" - bà Trần Nhật Tân.
- Việc xây dựng thành công phần mềm hệ thống HEMIS đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn đối với GDĐH. Qua đó, tạo ra đột phá lớn trên nhiều phương diện. Cụ thể:
Đối với công tác quản lý GDĐH. Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH; trong đó quy định trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về GDĐH. Việc các dữ liệu được đưa vào HEMIS cũng là trách nhiệm công khai, giải trình của các cơ sở GDĐH. Có CSDL này, khi kết nối với các CSDL hiện có của GDMN, GDPT, Bộ GD&ĐT sẽ có một CSDL thống nhất.
HEMIS góp phần giảm thiểu thời gian, công sức, nguồn nhân lực vào công tác báo cáo của các cơ sở đào tạo cũng như tại Bộ GD&ĐT. Đồng thời nâng cao hiệu quả cải cách hành chính của Bộ.
Thông qua HEMIS, các dữ liệu được cập nhật kịp thời, đầy đủ, thống nhất. Từ đó, giúp các cơ quan quản lý có thể phân tích số liệu chính xác, dự báo và hoạch định các chính sách về giáo dục, đào tạo.
Hệ thống hướng tới cho phép cung cấp, khai thác như một dịch vụ công quốc gia; trong đó thông tin lưu trữ trên CSDL là thông tin chính quy, có thể tham chiếu cho các nghiệp vụ về giáo dục, tạo nên sự tiện lợi và minh bạch thông tin trong xã hội. Qua đó, tăng cường niềm tin của cộng đồng xã hội với nền giáo dục nước nhà.
Bà Trần Nhật Tân - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nâng cao Chất lượng GDĐH. |
Hệ thống HEMIS sẽ cung cấp các số liệu báo cáo kịp thời làm cơ sở xây dựng các chính sách quản lý, đào tạo đối với GDĐH. Việc có được các báo cáo, số liệu chính xác, kịp thời sẽ giúp Bộ GD&ĐT, các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục đưa ra các chính sách, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực phục vụ đất nước.
Các cơ sở GDĐH vừa là đầu mối cung cấp các số liệu phục vụ thống kê, báo cáo; vừa là đối tượng thụ hưởng hệ thống HEMIS thông qua khai thác các dữ liệu.
Ý nghĩa về mặt xã hội, kinh tế
- Nếu xét trên phương diện xã hội, kinh tế, HEMIS có ý nghĩa như thế nào?
HEMIS có ý nghĩa về mặt xã hội. Cụ thể, cùng với các CSDL hiện có của ngành Giáo dục, HEMIS là một bộ phận hữu cơ của cơ CSDL dân cư quốc gia. Hệ thống này có vai trò là CSDL chuyên ngành, cung cấp cho toàn xã hội những dữ liệu chính thống về GDĐH. Mọi cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi mà CSDL cung cấp có thể khai thác, phục vụ các mục đích tra cứu, phân tích, nghiên cứu thông tin cho công việc của mình.
Thông qua khai thác hệ thống sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác định hướng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hướng nghiệp, mang lại những giá trị không nhỏ cho toàn xã hội.
Sinh viên, học viên cũng là đối tượng thụ hưởng. Các số liệu tổng kết từ Hệ thống CSDL về GDĐH được công khai, giúp cho sinh viên biết được cung cầu nhân lực trong ngành, chuyên ngành mình đang theo học, xu hướng phát triển trong thời gian tới, khả năng đáp ứng của nhà trường, nội dung nào còn thiếu so với yêu cầu của thị trường lao động.
Hàng triệu học sinh phổ thông là đối tượng hưởng thụ gián tiếp kết quả của dự án. Thông qua các số liệu chính xác về từng ngành, chuyên ngành đào tạo như số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm, số lượng sinh viên ra trường có việc làm, xu thế những năm trở lại đây…, học sinh và gia đình sẽ quyết định hướng nghề nghiệp tương lai của mình, con em mình một cách đúng đắn.
Về mặt Kinh tế; trước mắt, HEMIS là hệ thống tập trung, tránh được tình trạng đầu tư chắp vá, manh mún từ nhiều phần mềm khác nhau của các đơn vị thuộc Bộ. Về lâu dài, các phần mềm chuyên biệt ở các cơ sở sẽ được chuẩn hóa theo chuẩn hệ thống này, tạo nên sự đồng bộ và sẽ góp phần giảm thiểu lãng phí về đầu tư trang thiết bị. Từ đó góp phần tiết kiệm nguồn vốn của Ngân sách nhà nước.
Mô hình hoạt động của HEMIS |
Tháo gỡ khó khăn
- Việc đưa vào sử dụng và khai thác hệ thống HEMIS có gặp khó khăn, trở ngại gì không? Theo bà, làm thế nào để khắc phục những khó khăn, trở ngại đó?
- Hiện nay, trở ngại lớn nhất đó là, việc các cơ sở GDĐH khác nhau lại sử dụng các phần mềm quản lý khác nhau. Trong các cơ sở giáo dục đó lại có rất nhiều phần mềm quản lý như: phần mềm kế toán, phần mềm quản lý đào tạo… Mặt khác, cơ sở vật chất ở cơ sở giáo dục cũng có sự khác nhau nên sự đầu tư công nghệ thông tin vào công tác quản lý cũng khác nhau. Do đó chưa có sự thống nhất cũng như việc cập nhật thông tin lên hệ thống HEMIS gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, Ban quản lý dự án SAHEP đã phối hợp với các Cục, Vụ của Bộ GD&ĐT, rà soát và kiến nghị hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật về CSDL và danh mục dùng chung mới thay thế nội dung tương ứng trong Quyết định số 4998/QĐ- BGDĐT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về ban hành quy định kỹ thuật về dữ liệu của CSDL giáo dục và đào tạo.
Ngoài ra, để đáp ứng việc nhập dữ liệu của các cơ sở giáo dục được dễ dàng hơn, đơn vị xây dựng phần mềm đã đưa ra 3 phương thức nhập liệu: Nhập trực tiếp trên hệ thống; Nhập từ File Excell; Sử dụng API.
- Hiện, nhiều cá nhân, đơn vị vẫn còn lúng túng khi truy cập vào hệ thống HEMIS. Có cách nào tháo gỡ khó cho họ?
"Chúng tôi yêu cầu phía nhà thầu lập một nhóm hỗ trợ kỹ thuật 24/24h, với số hotline công khai, nhằm hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả các thắc mắc của người sử dụng" - bà Trần Nhật Tân.
- Khi thiết kế phần mềm HEMIS chúng tôi đã lường trước những khó khăn từ việc truy cập phần mềm, sử dụng phần mềm… Để tháo gỡ những khó khăn này, chúng tôi đã yêu cầu phía nhà thầu tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn sử dụng phần mềm dành cho các đối tượng là cơ sở GDĐH, nhà quản lý của Bộ GD&ĐT với các lớp như: Đào tạo Quản trị hệ thống; Đào tạo khai thác tổng hợp báo cáo phục vụ công tác quản lý của Bộ, ngành; Đào tạo nhập liệu, tra cứu báo cáo; Đào tạo khai thác tổng hợp báo cáo phục vụ công tác quản lý của Bộ GD&ĐT.
Thực tế, các lớp này đã được tổ chức bằng các hình thức online và trực tiếp trong thời gian từ ngày 1/12- 13/12/2022, với sự tham gia đông đảo của gần 900 cán bộ, đại diện cho hơn 300 cơ sở GDĐH trên toàn quốc và các nhà quản lý Bộ GD&ĐT.
Ban Giám đốc và cán bộ, chuyên viên Ban Quản lý Dự án Nâng cao Chất lượng GDĐH. |
- Bà có kỳ vọng gì vào phần mềm này?
- Phần mềm này được triển khai sẽ tạo ra bước đột phá, tạo ra những biến đổi về chất trong hoạt động thống kê, phân tích, quản lý GDĐH như:
Thứ nhất, góp phần giảm thiểu thời gian công sức nguồn nhân lực vào công tác báo cáo thống kê của các cơ sở đào tạo cũng như tại Bộ.
Thứ hai, tăng cường năng lực thu thập, xử lý, quản lý các thông tin, dữ liệu GDĐH.
Thứ ba, tự động hóa công tác báo cáo, tổng hợp, khai thác dữ liệu;
Thứ tư, tăng cường khả năng giám sát việc thực thi công tác báo cáo, đảm bảo chất lượng dữ liệu của báo cáo.
Xin cảm ơn bà!
"Theo con số cập nhật của chúng tôi, qua đợt tập huấn vừa qua cho thấy, có hơn 200 cơ sở GDĐH đã sử dụng, cập nhật hệ thống này. Như vậy, có thể thấy, hệ thống HEMIS sẽ là công cụ hữu ích, góp phần vào sự phát triển, nâng cao chất lượng GDĐH Việt Nam trong tương lai" - bà Trần Nhật Tân.