Hội nghị Nhà đầu tư và Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học tư thục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 17/12, tại TPHCM, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị Nhà đầu tư và Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học tư thục trong cả nước.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị

Hiệu quả từ chính sách xã hội hóa giáo dục

Báo cáo về tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học tư thục, ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) cho biết, Việt Nam có 60 cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư trong nước. Trong đó, 2 cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận.

Chính sách xã hội hóa giáo dục đại học của Nhà nước đã mang lại hiệu quả, huy động được nhiều nhà đầu tư tham gia đóng góp nguồn lực cho sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học tư thục. Việc này đã góp phần tạo ra môi trường giáo dục ngày càng phát triển về quy mô tuyển sinh, chất lượng đào tạo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Viết Lộc và Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy chủ trì thảo luận.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Viết Lộc và Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy chủ trì thảo luận.

Các cơ sở giáo dục đại học tư thục có 22.246 giảng viên, trong đó giáo sư chiếm khoảng 0,89%, phó giáo sư chiếm 4,5%, tiến sĩ chiếm 22,68%. Có 18/60 cơ sở giáo dục đại học tư thục được nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để quản lý; 42 cơ sở giáo dục đại học tư thục được nhà đầu tư quản lý trực tiếp.

“Hội đồng trường chính là cầu nối giữa nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu với các cơ sở giáo dục đại học tư thục, là nơi xây dựng các quy định nội bộ của cơ sở giáo dục đại học tư thục, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của các bộ phận thực thi. Hiện có 58/60 cơ sở giáo dục đại học tư thục trong cả nước thành lập được hội đồng trường. 55/60 cơ sở giáo dục đại học có tổ chức Đảng, trong đó 34 trường đại học tư thục thành lập được Đảng bộ”, ông Lộc chia sẻ.

Các nhà đầu tư và hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học tư thục đã đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nhằm đáp ứng điều kiện giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ hoạt động đào tạo.

Tuy nhiên, vẫn còn có một số cơ sở giáo dục đại học tư thục chưa có định hướng rõ về mục tiêu phát triển; chưa thực hiện việc rà soát và kiện toàn thành viên hội đồng trường; chưa chú trọng việc bồi dưỡng và nâng cao trình độ giảng viên, chưa thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo quy định.

Nhận diện khó khăn để đưa ra giải pháp

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận cũng như đưa ra ý kiến thảo luận về mô hình tổ chức hoạt động của hội đồng trường công lập và hội đồng trường tư thục; mô hình quản trị của hội đồng trường trường đại học tư thục chuyển thành hội đồng trường đại học tư thục; quản trị trường đại học tư thục trong bối cảnh chuyển đổi số; mô hình quản trị tại các trường đại học tư thục-Tính hợp lệ của hệ thống các quy chế,…

Đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị.

Đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, sự phát triển của các trường đại học tư thục trong thời gian vừa qua có chuyển biến lớn.

Việc triển khai Luật Giáo dục đại học tạo ra những quy chế mới để các trường đại học công lập và tư thục cùng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên việc thực hiện luật này vẫn còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân có thể từ cơ chế chính sách của Nhà nước hoặc do khó khăn riêng của các trường.

“Việc tổ chức hội nghị là cần thiết, để cùng trao đổi, nêu ra những cái được, tiến bộ, cái tốt của cơ chế chính sách đã ban hành để phát huy. Mặt khác nêu rõ khó khăn vướng mắc cụ thể đối với khối đại học và từng trường, qua đó có những thống nhất về nhận thức, trao đổi về kinh nghiệm, đề xuất để tháo gỡ khó khăn. Nếu trong thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, hợp lý, Bộ sẽ có kế hoạch xây dựng sửa đổi văn bản, tiếp thu, nghiên cứu để chỉnh sửa, còn vượt thẩm quyền của các bộ ngành khác, Chính phủ cũng sẽ có những tổng hợp và đề xuất”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng, hiện nay hai khối tư thục và công lập đều bình đẳng như nhau về chương trình, đội ngũ, cơ sở vật chất. Đặc biệt về mặt chuyên môn, trong lĩnh vực được Bộ giao không có sự phân biệt, trường tư hay công đều giống nhau việc mở ngành, duy trì chương trình đào tạo, tuyển sinh…

Đối với chất lượng phát triển, trường tư thục có đặc thù riêng so với trường công. Nhà nước khuyến khích đầu tư trường tư thục vì có tính năng động, tự chủ cao, sẽ làm tốt hơn Nhà nước ở một số lĩnh vực... nhưng không bắt ép đầu tư. Các nhà đầu tư cần xem định hướng phát triển như thế nào, phân khúc, lựa chọn địa điểm... Nhưng điểm mấu chốt là phải lấy chất lượng làm kim chỉ nam.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn mong muốn các trường nêu rõ khó khăn giữa vai trò, thẩm quyền nhà đầu tư với hội đồng trường. “Hiện nay nhiều trường làm tốt nhưng cũng có đơn vị lúng túng. Luật đã có, nhưng chưa chắc đã đầy đủ để các trường hiểu, nhất quán. Đề nghị các trường nêu rõ hơn nữa; những trường đã và đang làm tốt, cần thảo luận để cùng làm tốt hơn”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.