Bước tạo đà cho nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Bước tạo đà cho nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Lời toà soạn: Chương trình tiên tiến sau 4 năm triển khai thực hiện ở một số trường đại học đã tạo được những chuyển biến tích cực từ nhận thức của nhà quản lý đến phương pháp học tập của sinh viên, và trở thành một kinh nghiệm hay trong tiến trình đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam. Diễn đàn “Chương trình tiên tiến – hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo” do Báo GD&TĐ tổ chức, sau hơn 1 tháng triển khai, đã nhận được hơn 20 bài viết của các nhà quản lý GDĐH, những người trực tiếp tham gia CTTT. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới những tác giả đã có những bài viết tham gia Diễn đàn, đó là những bài học kinh nghiệm từ thực tế, những đánh giá khách quan từ các giảng viên trong và ngoài nước và có cả những ý kiến mong muốn thành công của chương trình cần được sẻ chia và nhân rộng.

Để kết thúc Diễn đàn, Báo GD&TĐ xin được gửi tới bạn đọc đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga về CTTT cũng như quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong việc thực hiện các CTTT.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết việc triển khai thực hiện CTTT trong GDĐH có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: GDĐH đang đứng trước thách thức rất lớn trong quá trình cạnh tranh hội nhập quốc tế. Để có thể phát triển bền vững, các trường cần đổi mới mạnh mẽ từ phương pháp quản lý đến chương trình và phương pháp dạy, học. Thực hiện Nghị quyết 14 của Chính phủ về "Đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020" trong những năm qua, các trường đại học nước ta đã có những bước đổi mới mạnh mẽ. Mức độ đổi mới phụ thuộc vào năng lực và cách tiếp cận giao lưu quốc tế của từng trường nhưng nói chung tiến độ còn chậm so với nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ và chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Để tạo nguồn động lực giúp các nhà trường nhanh chóng hoàn thiện chương trình đào tạo của mình, từng bước hướng tới những chuẩn mực tiên tiến của quốc tế trong GDĐH, ngày 15/10/2008 Chính phủ đã phê duyệt đề án "Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học của Việt Nam giai đoạn 2008-2015 ". Đây là đề án có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao chất lượng GDĐH trong giai đoạn hiện nay.

PV: Vậy việc triển khai CTTT đang được thực hiện thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm 2006, Bộ GD&ĐT đã cho triển khai thí điểm 10 CTTT tại 9 trường đại học trọng điểm của Việt Nam. Đến nay các CTTT này đã tuyển sinh khoá thứ 5. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức đánh giá và lựa chọn tiếp 13 CTTT vào năm 2008, 12 CTTT năm 2009. Và đến nay, trên cả nước đã có 23 trường đại học của Việt Nam hợp tác với 22 trường đại học trên thế giới, để triển khai thực hiện 35 CTTT trong đó có 20 chương trình thuộc khối ngành kỹ thuật, công nghệ, 5 chương trình thuộc khối ngành kinh tế, 1 chương trình thuộc khối ngành khoa học sức khỏe, 6 chương trình thuộc khối khoa học tự nhiên và môi trường, 3 chương trình thuộc khối nông nghiệp. Hầu hết các trường đối tác nước ngoài được xếp hạng trong tốp 200 theo bảng xếp hạng của US News.

Các trường được giao nhiệm vụ đã ký kết thoả thuận hợp tác với các trường đối tác về xây dựng chương trình đào tạo, cho phép sử dụng giáo trình gốc, tư vấn xây dựng phòng thí nghiệm, cử giảng viên tham gia giảng dạy CTTT và hỗ trợ NCKH, trao đổi sinh viên, giảng viên, kiểm định chất lượng, giám sát đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp... Các trường đã xây dựng các văn bản qui định riêng cho CTTT như: Qui chế học vụ, định mức thu học phí và chi giờ giảng... Chương trình đào tạo được xây dựng với nguyên tắc: bám sát nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá của chương trình gốc cũng như quy trình tổ chức và quản lý đào tạo đang áp dụng tại trường đối tác nước ngoài; phần giáo dục đại cương bao gồm các môn khoa học Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chi Minh, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng được điều chỉnh theo quy định bắt buộc của Việt Nam. Toàn bộ chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh. Riêng Trường Đại học kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học kiến trúc Tp.HCM (pha 3), được sự thống nhất của trường đối tác, chương trình đào tạo có điều chỉnh một số môn học cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Bước tạo đà cho nâng cao chất lượng giáo dục đại học ảnh 1
 

PV: Thứ trưởng đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động qua chặng đường 4 năm của Chương trình?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đến nay, về cơ bản các trường đào tạo CTTT pha 1, pha 2 đã thỏa thuận được với các trường đối tác về sử dụng giáo trình gốc. Về tuyển sinh, pha 1 (tuyển sinh 2006) có 10 chương trình thực hiện tại 9 trường và đã tuyển sinh được 5 khóa; pha 2 (tuyển sinh 2008) có 13 chương trình thực hiện ở 13 trường đã tuyển sinh được 3 khóa; pha 3 có 12 chương trình thực hiện ở 12 trường bắt đầu tuyển sinh năm 2010. Hầu hết các trường đều tổ chức quảng bá CTTT trên Website của trường, đưa thông tin vào cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng hoặc in các tờ rơi quảng cáo. Đối tượng tuyển sinh là sinh viên đã trúng tuyển vào trường đang triển khai CTTT hoặc các trường đại học khác có cùng khối thi, có đủ năng lực tiếng Anh và tự nguyện học CTTT. Đa số các trường kiểm tra năng lực tiếng Anh theo thang điểm của TOEFL 450, IELTS 5.0 hoặc TOEIC. Số lượng tuyển sinh vào các ngành của các trường rất khác nhau. Đối với các ngành thuộc khối Kinh tế, số lượng sinh viên trúng tuyển khá cao, bình quân từ 60 – 80 SV/khóa. Các ngành thuộc khối Kỹ thuật có số lượng sinh viên ở mức trung bình 30 - 45 SV/khóa, cá biệt có một số ngành chỉ tuyển được từ 20 đến 30 SV/khóa. Nguyên nhân chủ yếu là do một số SV nhận được học bổng đi học nước ngoài, một số do không đủ điều kiện để tiếp tục theo học CTTT, nên chuyển sang chương trình đại trà của trường.

Về tổ chức đào tạo, thời gian đầu triển khai CTTT, do chưa nghiên cứu kỹ mô hình tổ chức, cách thức quản lý của trường đối tác nên một số trường còn lúng túng ảnh hưởng đến tiến độ. Đến nay, hầu hết các trường đều phối hợp rất nhịp nhàng với trường đối tác nước ngoài nên việc thực hiện chương trình diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh ở năm thứ nhất cho SV được các trường đặc biệt quan tâm. Nhiều trường đã mời giảng viên tiếng Anh từ các nước hoặc kí hợp đồng với các tổ chức dạy tiếng Anh ở Việt Nam như Hội đồng Anh, Langueslink, Viện Anh ngữ Đại học Đà Nẵng, Đại học Queensland hoặc một số tổ chức khác đào tạo và bồi dưỡng tiếng Anh cho SV. Song song với kế hoạch đào tạo trên lớp, các trường đều có kế hoạch bồi dưỡng tiếng Anh riêng tăng cường cho số SV còn yếu. Việc tổ chức dạy tiếng Anh chuyên ngành cho SV cũng được các trường quan tâm đúng mức. Đến nay việc sử dựng hoàn toàn tiếng Anh trên giảng đường đã được thực hiện tốt. Sau 2 năm theo học CTTT, hầu hết các SV pha 1, pha 2 đều đạt trình độ tiếng Anh tối thiếu 550 điểm TOEFL. Số SV đạt học lực khá giỏi của các khóa CTTT đều chiếm trên 75%. Nhiều SV đã được các doanh nghiệp hỗ trợ học bổng ngay trong quá trình học tập. Tất cả các trường đào tạo CTTT pha 1 , pha 2 đều đã tổ chức cho SV đánh giá giảng viên theo mẫu đánh giá của trường đối tác, có xử lí, tổng hợp ý kiến đánh giá, phản hồi cho giảng viên để giảng viên tự điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.

Còn về NCKH, các trường đã quy định, giảng viên tham gia CTTT phải dành tối thiểu 40% quỹ thời gian cho NCKH, phải có công trình đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín đều đặn hàng năm; SV theo học CTTT được tham gia NCKH theo nhóm nghiên cứu do các giảng viên hướng dẫn. Một số trường đã tổ chức cho SV năm thứ 3 NCKH hoặc tham gia thực hiện đề tài với giảng viên trong và ngoài nước. Hầu hết các trường đều ưu tiên về CSVC, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, phòng thực hành và thư viện hiện đại cho giảng viên và SV để thực hiện nhiệm vụ NCKH.

Về đội ngũ giảng viên, phần lớn giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy CTTT là giảng viên có uy tín của trường đối tác từ Mỹ, Anh, Úc.... có phương pháp giảng dạy hiện đại, có bài giảng biên soạn theo hướng yêu cầu SV phải tự học, tự nghiên cứu, có phương pháp kiểm tra, đánh giá tốt, phát huy tính tích cực chủ động và sáng tạo của SV. Họ đã giúp giảng viên Việt Nam có cơ hội làm quen với công nghệ giảng dạy tiên tiến, đặc biệt năng lực chuyên môn và tiếng Anh của giảng viên Việt Nam được nâng lên đáng kể. Một số trường đã thu hút được SV nước ngoài đến học, đây cũng là một tiêu chí đánh giá sự thành công của chương trình.

PV: Từ thực tế hoạt động của chương trình, quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thời gian tới như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Để tiếp tục triển khai có hiệu quả và bền vững CTTT, các trường cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: Tổ chức quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng Internet về các thông tin của CTTT như mục tiêu của CTTT, yêu cầu về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, trách nhiệm và quyền lợi của người dạy, người học, chuẩn đầu ra, cơ hội học tập và việc làm của sinh viên CTTT, ... để thu hút sự quan tâm, đầu tư không chỉ của người học, gia đình người học mà cả sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp, các nhà sử dụng lao động; Xây dựng chiến lược thu hút SV nước ngoài, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế của trường; Nâng cao trình độ tiếng Anh cho SV thông qua việc tạo môi trường học tập tiếng Anh trong và ngoài giờ lên lớp, tăng cường các chương trình trao đổi SV quốc tế; Tăng cường tổ chức giao tiếp, trao đổi học thuật, sinh hoạt ngoại khóa của SV CTTT với các giảng viên nước ngoài và với các trường thực hiện CTTT khác; Tổ chức dạy tiếng Anh đan xen với các môn học cơ sở chuyên môn; nâng cao năng lực tiếng Anh và chuyên môn cho cán bộ quản lý, giảng viên Việt Nam thông qua việc tổ chức các buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, PPGD, quảng bá CTTT giữa các trường phát huy triệt để năng lực và sự tham gia CTTT của đội ngũ giảng viên trẻ được đào tạo ở nước ngoài, các nghiên cứu sinh và học viên cao học của trường (làm trợ giảng); Có chính sách thu hút giảng viên nước ngoài, giảng viên người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy CTTT; Duy trì và tạo độ lan tỏa sâu rộng của CTTT trong hoạt động của trường để đạt mục tiêu của CTTT là xây dựng ngành mạnh để xây dựng Khoa mạnh, Trường mạnh; Tăng cường sự phối hợp, trao đổi giữa các trường thực hiện CTTT để có thể hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ nguồn tài nguyên về giảng viên trong và ngoài nước, giáo trình tài liệu học tập, trang thiết bị thí nghiệm; Triển khai công tác kiểm định chương trình theo chuẩn quốc tế; Các trường tự đánh giá năng lực, lựa chọn hệ thống kiểm định chất lượng, điều chỉnh dần hoạt động của chương trình cho phù hợp để sớm đạt được các tiêu chí đề ra của cơ quan kiểm định quốc tế.

Bộ GD&ĐT sẽ dành một phần kinh phí của đề án 322 cấp cho khoảng 5% số SV tham gia học CTTT sau khi tốt nghiệp đi học tiếp trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đối tác. Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với Bộ Tài chính để miễn thuế thu nhập đối với giảng viên nước ngoài sang giảng dạy CTTT ở Việt Nam, vì thực tế tiền thuế đó phải trích từ nguồn dành cho CTTT của các trường, làm thâm hụt thêm nguồn lực cho các CTTT còn hạn chế, nhất là khi các trường phải tự chủ toàn bộ kinh phí để thực hiện chương trình này. Đồng thời tiếp tục xem xét, điều chỉnh Thông tư liên tịch số 220/2009/TTLT-BTC-BGDĐT về nội dung chi, khoản chi, cho phép điều chỉnh giữa các mục chi. Xem xét bổ sung nội dung chi cho SV đi thực tập, trao đổi ở nước ngoài.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ trong việc điều chỉnh một số nội dung Đề án CTTT như phương thức hỗ trợ (có thể giảm dần sau 3 khóa đến chấm dứt từ khóa thứ 6); việc tiếp tục hỗ trợ sau khóa thứ 3 được xem xét trên cơ sở kết quả và hiệu quả thực hiện từng CTTT. Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai CTTT, nghiên cứu phát triển các chương trình chất lượng cao thu học phí cao trong đó toàn bộ nội dung giảng dạy, đánh giá thực hiện như CTTT chỉ khác là có thể giảng dạy bằng tiếng Việt cho các đối tượng chưa đủ điều kiện về tiếng Anh.

* Xin cám ơn Thứ trưởng!

Bạch Ngọc Dư (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.