Tạo sân chơi cho người già
Trần Hồng Thắng là cựu sinh viên Đại học Xây dựng, sau khi ra trường, anh sang Pháp du học. Trong gia đình có bố mẹ làm ngành Y nên từ nhỏ, anh đã có ý thức làm những việc tốt giúp đỡ cho cộng đồng xã hội. Mạnh dạn khởi nghiệp với nguồn vốn 7 tỉ đồng, anh đã thành lập Viện Dưỡng lão Diên Hồng.
Trần Hồng Thắng chia sẻ: Hiện, các cụ già ở nhà luôn cần người chăm sóc và trông nom, thậm chí có những cụ bị lẫn, không ý thức được việc mình làm nên đã trở thành gánh nặng cho những thành viên khác trong gia đình. Hơn nữa, khi ở nhà, các cụ không có người tâm sự, không có bạn bè khiến cuộc sống buồn chán hay đổ bệnh. Chính vì vậy, tôi đã nghĩ ngay đến việc thành lập một “sân chơi” riêng để các cụ có thể chuyện trò, trao đổi và có người chăm sóc mọi lúc, mọi nơi”.
Năm 2014 bắt đầu khai trương, Viện Dưỡng lão Diên Hồng chính thức đi vào hoạt động. Khó có thể nói hết những khó khăn mà người trẻ này gặp phải bởi anh vướng phải những rào cản như tâm lý của người Việt bởi cho bố mẹ vào Viện Dưỡng lão là sự vô tâm, vô trách nhiệm của con cái. Hay những khó khăn về việc tuyển nhân sự có trình độ. Thời gian đầu thành lập, để thu hút người lao động vào làm công việc đặc thù như thế này cần có nhiều chính sách hấp dẫn hay những chế độ ưu tiên nhất định để giúp họ có thể gắn bó lâu dài với nghề.
Ông chủ trẻ chia sẻ: Đối với cán bộ công nhân viên tại Viện Dưỡng lão, tôi luôn có chế độ lương, đóng bảo hiểm đầy đủ cho họ. Đồng thời, vì công việc có phần vất vả nên chúng tôi đã tạo môi trường làm việc văn minh, dễ chịu, thoải mái trong các tư duy, hoạt động. Hiện nay, ở Viện đội ngũ nhân viên đồng đều ở cả nam và nữ, phần lớn đều là sinh viên hệ Điều dưỡng của Trường Trung cấp Y”.
Cho đến nay, anh Thắng không còn trở ngại việc tuyển nhân sự nữa mà ngược lại anh có nhiều lựa chọn hơn và tuyển được nhiều cán bộ có chất lượng cao hơn. Hiện tại Viện Dưỡng lão có khoảng 60 cụ sinh hoạt và tạo công ăn việc làm cho 25 người gồm 1 bác sĩ, 15 điều dưỡng, 3 đầu bếp, 2 tạp vụ. Lương bình quân khoảng 6 triệu/người.
Niềm tin nhân rộng mô hình
Anh Thắng nhớ lại những ngày đầu khi nhen nhóm ý tưởng thành lập Viện, phần lớn mọi người nghĩ là sẽ thất bại. Bởi họ cho rằng ở nhà cả gia đình chăm sóc một cụ còn khó, nói gì đến việc đến Viện có rất nhiều cụ mỗi người một tính. Hơn nữa, lại là một người trẻ như anh Thắng chưa có kinh nghiệm và tâm lý với những người già.
Như lường trước được những vấn đề này, anh Thắng chỉ cười và khẳng định: Nhìn vào số khách hàng tăng đều hằng năm, tôi đã biết mình đang đi đúng hướng.
Nếu ở nhà, công việc chăm các cụ triền miên sẽ làm cho mọi người cảm thấy mệt mỏi khi sống chung với “tính khí thất thường” của người già nhưng nếu đến Viện, những cán bộ sẽ làm việc theo ca, họ sẽ không thấy áp lực và chính những người bạn già ở nơi đây sẽ làm cho các cụ cảm thấy cuộc sống của mình thật vui và ý nghĩa.
Tuy nhiên, Trần Hồng Thắng trăn trở nhất có lẽ là quan niệm xã hội. Bởi nhiều gia đình e ngại nếu để các cụ trong Viện Dưỡng lão sẽ bị đánh giá không hay, sợ mang tiếng. Đồng thời, các gia đình cũng gặp khó khăn trong vấn đề bảo hiểm của các cụ già.Vì bảo hiểm của các cụ thường ở địa phương, nếu chuyển ra Hà Nội thì các cụ chỉ được hưởng 50% bảo hiểm chứ không phải là 100% như ở quê của mình…
Nói đến khó khăn, kể không biết bao nhiêu cho hết, nhưng anh Thắng vẫn từng đêm suy ngẫm để giải quyết từng vấn đề với mong muốn duy trì Viện Dưỡng lão.
Nhìn 60 cụ sinh hoạt trong Viện bầu bạn với nhau hằng ngày, nhìn các cán bộ tuy còn trẻ tuổi mà chăm nom các cụ như người nhà, anh lại quyết tâm hơn nữa để có thể nhân rộng mô hình này.
Khi suy nghĩ về chuyện chăm nom các cụ già, anh Thắng cho rằng: Nếu các cụ ở nhà thì luôn cần một người có thể “để mắt” đến các cụ cả ngày, chăm nom ăn uống thậm chí đi vệ sinh không tự chủ,…Nếu đến dưỡng lão nhân viên chỉ làm trong giờ hành chính hoặc một tuần các bạn luân phiên nhau trực buổi nhưng ở nhà thì cứ triền miên mà bản thân các cụ ở nhà cũng hay hờn dỗi, khó chịu với con cháu nhưng khi đến đây thấy mọi người đều ổn thì các cụ cũng ổn, tinh thần phấn chấn hơn. Chính vì sự thay nhau làm việc, môi trường trong Viện Dưỡng lão Diên Hồng cũng vui vẻ, mới mẻ và thực sự là sân chơi của người già, của người mong muốn có bạn để cười nói, sẻ chia.
Anh Thắng mừng nhất khi mô hình của mình mới thành lập đã đón nhận các cụ ở những nơi khác nhau đến sinh hoạt, có cụ ở Quy Nhơn, có người ở Ninh Bình,…Đó chính là động lực để anh tin rằng mô hình này còn được nhân rộng hơn nữa và sẽ phát huy tối đa hiệu quả của nó.