Tăng chất lượng giáo dục, chú trọng đạo đức, lối sống
Trong báo cáo một số vấn đề về GD&ĐT theo yêu cầu của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, kết quả giáo dục phổ thông được Bộ GD&ĐT khẳng định. Trong đó, hoạt động giáo dục trong các nhà trường phổ thông có chuyển biến tích cực. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giảm để đổi mới phương pháp dạy học, tăng thời gian thực hành, vận dụng kiến thức của học sinh đã được triển khai rộng rãi.
Nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá được nâng cao, sẵn sàng tiếp nhận chương trình giáo dục phổ thông mới. Năng lực thực hành sư phạm, tổ chức hoạt động dạy học tích cực của giáo viên đã chuyển biến tích cực.
Chất lượng giáo dục phổ thông đại trà tiến bộ rõ rệt. Theo đó, chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học được giữ vững và nâng cao: 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Chất lượng phổ cập giáo dục THCS được duy trì bền vững (63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, trong đó có một số tỉnh đạt chuẩn THCS mức độ 2 và mức độ 3). Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục.
Chất lượng giáo dục về kiến thức văn hóa từng bước được cải thiện, nâng cao. Học sinh Việt Nam được nhiều trường ĐH ở các quốc gia chấp nhận vào học và học tập đạt kết quả tốt. Giáo dục đạo đức, lối sống được chú trọng trong các môn Đạo đức, Giáo dục công dân và lồng ghép trong các môn học/hoạt động giáo dục đầy đủ, phù hợp và hiệu quả ngày càng cao.
Đến hết năm học 2016 - 2017, chương trình tiếng Anh 10 năm đã được tiếp tục triển khai dạy và học ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỷ lệ học sinh phổ thông theo học chương trình tiếng Anh 10 năm đủ 4 tiết/tuần trở lên (đối với tiểu học) và 3 tiết/tuần trở lên (đối với THCS, THPT) đạt 76% tổng số học sinh phổ thông. Tỷ lệ học sinh lớp 3 được học chương trình tiếng Anh 10 năm với thời lượng đủ 4 tiết/tuần đạt 63,6% số học sinh lớp 3 được học tiếng Anh.
Kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Việt Nam đứng thứ hạng cao. Kết quả PISA chu kỳ 2015: Lĩnh vực Khoa học xếp thứ 8/70 so với các quốc gia/vùng lãnh thổ; lĩnh vực Toán học xếp thứ 22/70; lĩnh vực Đọc hiểu xếp thứ 32/70. Kết quả đánh giá từ Chương trình phân tích các hệ thống giáo dục của Hội nghị các Bộ trưởng giáo dục các nước sử dụng tiếng Pháp (PASEC) dành cho học sinh lớp 2 và lớp 5, học sinh Việt Nam làm chủ được năng lực ở cấp độ thấp và cao, được đo lường qua các bài kiểm tra môn Tiếng Việt và Toán.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Riêng năm 2018, đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Vật lý Châu Á có 8/8 học sinh đoạt giảt (4 Huy chương Vàng; 2 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng); Olympic Tin học Châu Á có 7 học sinh được tham gia xét và 7/7 học sinh được đều đoạt giải (1 Huy chương vàng; 4 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng). Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học, đoàn Việt Nam 1 dự án đoạt giải Ba và là một trong 43/79 quốc gia có dự án đoạt giải.
Bên cạnh các kết quả đạt được, hiện nay, chất lượng giáo dục phổ thông còn đang được đánh đồng với kết quả tiếp thu kiến thức, kỹ năng làm bài của học sinh mà chưa chú trọng đến việc phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; việc giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn chưa được quan tâm đúng mức thông qua tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh còn hạn chế; việc xây dựng môi trường giáo dục dân chủ trong một số cơ sở giáo dục chưa được chú trọng; cá biệt có một số giáo viên, học sinh có hành vi ứng xử thiếu văn hóa gây mất niềm tin của cha mẹ học sinh, bức xúc trong xã hội.
Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông thực hiện chưa được hiệu quả, nhiều nơi còn làm hình thức, gây băn khoăn trong dư luận xã hội.
Nâng chất đội ngũ nhà giáo, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giải pháp được Bộ GD&ĐT đưa ra là phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Khu vực thành phố, quy hoạch trường, lớp cần theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại ô để khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông do thiếu quỹ đất. Tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao; phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư. Đối với các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cần có lộ trình sắp xếp điểm trường, lớp hợp lý, trong đó chú ý đối với cấp học mầm non và tiểu học.
Xác định thực trạng và nhu cầu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho từng địa phương, từng vùng miền; các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Đồng thời, ban hành các chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý làm cơ sở để các địa phương thực hiện rà soát, quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn; có biện pháp xử lý đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới; triển khai biên soạn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới; tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản, tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Triển khai thực hiện các giải pháp giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học; thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Bộ GD&ĐT đồng thời nghiên cứu đề xuất, xây dựng trình Chính phủ Nghị định đổi mới quản lý các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Tăng cường tự chủ của các nhà trường trong việc xây dựng, phát triển kế hoạch giáo dục nhà trường; đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.