Giáo dục Việt Nam tỏa sáng qua kết quả PISA

GD&TĐ - Hai lần tham gia PISA (2012, 2015) cho thấy kết quả một chặng đường nỗ lực đổi mới của giáo dục Việt Nam. Nằm trong danh sách các nước có thu nhập thấp nhất trên thế giới tham gia chương trình, học sinh Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn trong điều kiện sống để học tốt và đạt kết quả tốt. Truyền thống hiếu học của người Việt Nam vẫn được phát huy ở thế hệ học sinh tuổi 15 này.

Học sinh Việt Nam tham gia đánh giá PISA
Học sinh Việt Nam tham gia đánh giá PISA

Năng lực khoa học nổi bật

Theo TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam, kết quả PISA chu kỳ 2012, 2015 cho thấy một số điểm nổi bật về năng lực khoa học của học sinh Việt Nam. Chu kỳ 2015, khoa học là lĩnh vực trọng tâm nên có thêm nhiều bài mới với tình huống khoa học hiện đại hơn chu kỳ PISA 2012, học sinh Việt Nam vẫn vượt qua và giữ nguyên thứ hạng 8, đưa kết quả PISA 2015 của Việt Nam lọt vào top 10.

Điều này mang đến cho Việt Nam một ý nghĩa quan trọng rằng, học sinh Việt Nam đã được trang bị kiến thức khoa học chắc chắn, có năng lực cao trong xác định, giải thích và áp dụng kiến thức khoa học, kiến thức về các ngành khoa học trong nhiều tình huống phức tạp của cuộc sống.

Ở hai lĩnh vực Toán học, Đọc hiểu, học sinh Việt Nam vẫn giữ kết quả ngang bằng với học sinh các nước OECD. Điều này cho thấy, học sinh Việt Nam cơ bản đã biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống trong bài thi PISA, đã đạt được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và năng lực giải quyết vấn đề và đủ tự tin để bước vào cuộc sống theo chuẩn năng lực của OECD được đánh giá trong bài thi PISA.

TS Lê Thị Mỹ Hà khẳng định: Năng lực của học sinh Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu khung năng lực của OECD thời kỳ hội nhập quốc tế. Học sinh Việt Nam đã nắm chắc kiến thức cơ bản chung so với học sinh quốc tế, đã biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống trong bài thi PISA, dù có một số tình huống còn khác xa lạ, chưa được làm quen trong nhà trường.

Kết quả PISA 2015 cùng với kết quả trong các kì thi Olympic môn Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học và Sinh học cho thấy giáo dục Việt Nam không chỉ đạt thành tựu về phát triển quy mô, số lượng mà còn đạt chất lượng giáo dục phổ thông cơ bản không thua kém các nước trên thế giới.

“Kết quả cho thấy, không có sự chênh lệch quá nhiều về kết quả học tập của học sinh theo giới tính ở lĩnh vực Toán và Khoa học. Như vậy, có thể thấy, giáo dục Việt Nam đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội học tập và chú trọng tới phát triển sự bình đẳng về giới trong học tập giữa học sinh nam và học sinh nữ. Kết quả khảo sát PISA 2015 của học sinh nữ không thua kém học sinh nam ở các lĩnh vực Khoa học và Toán học. Tuy nhiên, khoảng cách về kết quả ở cả ba lĩnh vực Toán, Khoa học, Đọc hiểu của học sinh theo loại hình trường, vị trí trường đóng còn khá lớn” - TS Lê Thị Mỹ Hà cho biết thêm.

Việt Nam chuẩn bị cho đánh giá PISA 2018

Khảo sát PISA được tổ chức 3 năm một lần ở ba lĩnh vực chính là Đọc hiểu, Toán học và Khoa học. Mặc dù mỗi kì đều kiểm tra kiến thức thuộc ba lĩnh vực chính, nhưng lĩnh vực trọng tâm sẽ được lựa chọn quay vòng, để từ đó các dữ liệu chi tiết được cập nhật liên tục theo chu kỳ đối với mỗi lĩnh vực, và được so sánh đánh giá chuyên sâu sau 9 năm một lần. Chu kỳ 2006, PISA đánh giá thêm kỹ năng giải quyết vấn đề; chu kỳ PISA 2009 đánh giá thêm năng lực tài chính; chu kỳ PISA 2012 đánh giá thêm năng lực sử dụng máy tính. Đến chu kỳ 2018, PISA sẽ đánh giá thêm năng lực công dân toàn cầu

PISA không kiểm tra kiến thức học sinh được dạy tại trường học mà đưa ra cái nhìn tổng quan về khả năng thực tế phổ thông của học sinh. Bài thi chú trọng khả năng học sinh vận dụng kiến thức và kĩ năng của mình khi đối mặt với nhiều tình huống và những thử thách liên quan đến các kiến thức kĩ năng đó.

Nói cách khác, PISA đánh giá khả năng học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng đọc để hiểu nhiều tài liệu khác nhau mà họ có khả năng sẽ gặp trong cuộc sống hàng ngày; khả năng vận dụng kiến thức Toán học vào tình huống liên quan đến toán học; khả năng vận dụng kiến thức khoa học để hiểu và giải quyết các tình huống khoa học. Cấu trúc bài thi PISA được thiết kế theo khung đánh giá của OECD, xác định rõ phạm vi kiến thức, kĩ năng liên quan đến từng lĩnh vực và đưa ra những câu hỏi mẫu để hướng dẫn các nước xây dựng câu hỏi đóng góp cho OECD.

Tham gia đánh giá PISA năm 2018, TS Lê Thị Mỹ Hà cho biết, tháng 4/2017, Việt Nam đã khảo sát thử nghiệm. Năm 2018 thực hiện khảo sát chính thức, gồm: Xây dựng các bộ đề thi và các bộ phiếu hỏi khảo sát chính thức theo yêu cầu kỹ thuật của OECD; chọn mẫu khảo sát chính thức; tổ chức tập huấn khảo sát chính thức cho tất cả các đối tượng liên quan; tổ chức sao in và niêm phong toàn bộ các bộ công cụ khảo sát chính thức; tiến hành khảo sát chính thức tại các cơ sở giáo dục do OECD chọn mẫu; thu nhận các tài liệu khảo sát chính thức tại trường; tổ chức làm sạch dữ liệu trên bài; tổ chức tập huấn chấm bài và chấm bài khảo sát chính thức; tổ chức tập huấn nhập số liệu và tiến hành nhập số liệu, làm sạch dữ liệu; nộp dữ liệu sang OECD; trả lời các bảng hỏi của OECD đánh giá đợt khảo sát chính thức; trả lời chất vấn của OECD về dữ liệu khảo sát chính thức; Xây dựng báo cáo quốc gia.

“Ở Việt Nam, khảo sát chính thức được thực hiện vào tháng 4/2018. Chu kỳ 2018, chúng ta tiếp tục đăng ký tham gia thi trên giấy, số lượng quyển đề thi và quyển phiếu hỏi được làm trong khảo sát chính thức OECD chưa công bố. Các bộ công cụ đánh giá Việt Nam đăng ý tham gia là: Bài thi trên giấy, phiếu hỏi học sinh và phiếu hỏi dành cho nhà trường (Hiệu trưởng trả lời)” - TS Lê Thị Mỹ Hà cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.