Bùng cháy thăng hoa với từng con chữ

GD&TĐ - Có một hiện tượng dễ thấy trong các giờ viết văn, làm văn là học sinh thường rất nghèo nàn về vốn từ, các em hoàn toàn bí từ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngoài ra, không biết đặt câu đúng ngữ pháp, không biết viết đoạn văn, người học còn rơi vào một tình trạng không có cảm xúc, hoàn toàn trơ lì, chai sạn trước vẻ đẹp của công trình nghệ thuật ngôn từ của nhà văn... Giải pháp cho tình thế bí bách đó được các em dùng văn mẫu.

Đánh thức rung động thẩm mỹ từ người học

Để học sinh có hứng thú với môn Văn, chấm dứt được tình trạng văn mẫu bài mẫu, người học phải đóng vai trò là chủ thể thưởng thức và chủ thể sáng tạo. Người học là chủ thể thì giáo viên không thể “làm thay” và tước đi quyền trở thành một độc giả sáng tạo của người học.

Giáo viên cũng không thể gò, ép học sinh phải ghi nhớ, thậm chí thuộc lòng từng dấu chấm, dấu phẩy ở những cảm nhận giáo điều từ mình. Cần có một cách đánh giá mở, tôn trọng sự khác biệt, mọi sự áp đặt và rập khuôn, khiên cưỡng đều không thể giúp người học phát hiện, khám phá được vẻ đẹp của tác phẩm văn chương.

Ở môn Ngữ văn, năng lực thẩm mĩ gồm hai năng lực nối tiếp nhau: Năng lực khám phá cái đẹp và năng lực thưởng thức cái đẹp. Khám phá chính là phát hiện chúng với những rung động thẩm mỹ. Thưởng thức là cảm thụ, phân tích, đánh giá cái đẹp đó. Trong văn chương gọi là thẩm bình, suy ngẫm.

Người học là một độc giả thực thụ, được đồng sáng tạo cùng nhà văn, được sống cùng với từng số phận, cảnh ngộ, cuộc đời nhân vật, được vui buồn cười khóc cùng những trang viết. Đó là hoạt động đem đến những xúc cảm đặc biệt, làm rung lên những sợi dây đồng điệu, nơi gặp gỡ của những tiếng lòng mà đỉnh cao nhất của nó là sự tri âm.

Bởi vậy, trong giờ đọc hiểu văn bản, giáo viên cần hướng tới hình thành cho người học năng lực khám phá, phát hiện cái đẹp trong tác phẩm văn chương, giúp người học thật sự có những rung động thẩm mĩ trước cái đẹp đó. Tức là các em có cảm xúc trước tác phẩm, các em thấy nó hay, ý nghĩa và sâu sắc qua lớp vỏ ngôn từ.

Cùng với năng lực khám phá phát hiện ra cái đẹp thì người thầy cũng phải có nhiệm vụ đánh thức “con người nghệ sĩ” trong bản thân mỗi người học. Bởi lẽ như danh họa Pablo Picasso từng nói: “Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ. Vấn đề là làm thế nào duy trì được con người nghệ sĩ ấy khi chúng lớn lên”.

Người thầy cần để người học đóng vai trò là một nghệ sĩ thực thụ có thể vừa có một quan niệm riêng, đúng đắn về cái đẹp, biết yêu quý, trân trọng cái đẹp, biết khám phá nắm bắt cái đẹp, biết thưởng thức cảm thụ cái đẹp, đồng thời biết sản sinh sáng tạo ra cái đẹp qua quá trình tạo lập văn bản (viết thành bài văn).

Bằng những nấc thang tịnh tiến đó tâm hồn người học sẽ nảy nở, phong phú và tinh tế hơn, các em có sự nhạy cảm hơn với tác phẩm văn chương, có được hứng thú và tình yêu lớn lao với văn học. Khi có tình yêu và sự đam mê thì người học sẽ chủ động tìm tòi đọc văn, viết văn như một hành trình sáng tạo và trải lòng, một sự thôi thúc mãnh liệt tự thân từ bên trong.

Khơi gợi cảm xúc, phát huy tối đa trường liên tưởng, tưởng tượng

Tác phẩm văn học có khả năng kết tinh và sáng tạo ra cái đẹp. Ở trong đời sống, cái đẹp tồn tại một cách tản mát, khuất lấp. Đi vào tác phẩm ngôn từ cái đẹp được thể hiện một cách tập trung nhất, tạo ấn tượng mạnh mẽ đến người đọc. Những tác phẩm trong chương trình Ngữ văn THPT đều là những tác phẩm kết tinh được những giá trị tư tưởng nhân văn, phản ánh hiện thực đời sống bề bộn, nói lên được những phần căn tính nhất của tâm hồn dân tộc và động chạm đến những vấn đề mang tầm nhân loại. Bằng chất liệu ngôn từ nghệ thuật, vẻ đẹp của những áng văn có giá trị vượt không gian, thời gian, ngôn ngữ, màu da, sắc tộc. Từ “Ông già và biển cả” của Hemingway đến “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, từ thơ Puskin, thơ Tagor, thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... đều là những tác phẩm động chạm đến cái đẹp của đời sống, cái đẹp của sự vật thiên nhiên, cái đẹp ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người. Những cái đẹp có khả năng thanh lọc tâm hồn, hướng con người đến cái Chân, cái Thiện.

Bằng chất liệu ngôn ngữ giàu chất nhạc, giàu tính tạo hình văn chương mở ra những chiều kích liên tưởng phong phú bất tận đến người đọc.

Như vậy, khi cái đẹp được phát hiện, bản chất nghệ sĩ trong tâm hồn người đọc – người học được đánh thức, tác phẩm văn chương bao giờ cũng gợi mở đến người đọc những trường liên tưởng, tưởng tượng sâu xa.

Để bài viết có màu sắc riêng, không lệ thuộc văn mẫu, để khám phá được những chiều kích không cùng của những áng văn hay, người thầy sẽ luôn dưỡng nuôi được óc liên tưởng và sáng tạo trong tâm hồn người học.

Học “Mộ” (Chiều tối) của Hồ Chí Minh, một bài thơ tứ tuyệt Đường luật người học có quyền liên tưởng về một bức tranh chiều muộn với những đường nét cổ điển với bút pháp chấm phá có cánh chim chiều bay về rừng trú ngụ, có chòm mây lững lờ giữa thinh không, có hình ảnh bếp lửa hồng đỏ rực và cô thôn nữ miền sơn cước đang xay ngô tối...

Học “Tây Tiến” của Quang Dũng, người học sẽ có trong tâm khảm những nét vẽ thiên nhiên Tây Tiến hùng vĩ và thơ mộng, người lính Tây Tiến vừa hào hùng lại rất đỗi hào hoa.

Tây Tiến vừa là bức tranh sơn mài với những nét chạm khắc gân guốc và rắn rỏi “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời”, vừa là bức tranh lụa với những đường nét mềm mại nên thơ của “...hồn lau nẻo bến bờ, dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.

Tây Tiến còn là bức tranh thủy mặc với những đường nét thanh đạm và tối giản đem đến sự mát trong với cơn mưa rừng trắng xóa bất chợt và căn nhà ai thấp thoáng giữa biển mưa “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”...

Đọc văn bám vào ngôn ngữ

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Văn học là một bộ môn nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu. Qua lớp vỏ ngôn từ nhà văn gửi gắm bạn đọc “một bài học về trông nhìn và thưởng thức”. Ở ngoài đời sống, đó chỉ là những con chữ xù xì thô ráp, đi vào chỉnh thể nghệ thuật đứa con đẻ tinh thần của nhà văn nó có thể “kêu giòn và tỏa hương” (chữ dùng của Pautopxki). Khi ở trên trang giấy nó vẫn là những con chữ câm lặng và vô hồn.

Nhiệm vụ của người giáo viên phải là người giúp học trò bóc tách được từng lớp vỏ ngôn từ đó, gợi mở ra được những nét nghĩa ẩn tàng đằng sau những câu chữ đó để ngôn ngữ trở thành một sinh thể biệt lập đối thoại được với người học. Từ sự gợi mở đó, những con chữ ấy bỗng hồi sinh cựa quậy bởi người học cấp thêm cho một nét nghĩa mới, một cách hiểu mới.

Bởi thế, theo tôi để chấm dứt được tình trạng văn mẫu tồn tại trong mọi cấp học thì trước nhất người học phải có được một năng lực ngôn ngữ nhất định. Đây là năng lực tự thân mỗi em đều có, được phát huy thông qua giao tiếp ở đời sống, qua đọc sách báo, và qua việc học môn Ngữ văn trong nhà trường.

Hiểu một cách đơn giản năng lực ngôn ngữ là năng lực biểu đạt một cách rõ ràng và mạch lạc ý nghĩ và tình cảm của mình bằng lời nói. Người có năng lực ngôn ngữ là người giỏi về tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) và thành thạo tiếng nước ngoài.

Năng lực ngôn ngữ của học sinh trung học gồm ba năng lực chủ yếu: Năng lực làm chủ ngôn ngữ (tiếng Việt), có một vốn từ ngữ nhất định, hiểu và cảm nhận được sự giàu đẹp của tiếng Việt, nắm được các quy tắc về từ ngữ, ngữ pháp, chính tả để sử dụng tốt tiếng Việt; Năng lực sử dụng ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ) để giao tiếp trong nhiều tình huống khác nhau với những đối tượng khác nhau trong gia đình, nhà trường và xã hội; Năng lực sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt) để tạo lập văn bản, một năng lực đặc trưng rất quan trọng của năng lực ngôn ngữ trong nhà trường.

Như vậy, để chấm dứt được tình trạng văn mẫu trong nhà trường thì bản thân người học phải hướng đến việc trau dồi năng lực ngôn ngữ của mình. Tiếp cận một tác phẩm văn chương, buộc các em phải dùng sự tinh tế để phát hiện, khám phá ra được vẻ đẹp ngôn ngữ của tác phẩm, biết dùng ngôn từ của mình có để cắt nghĩa lí giải cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Đặt câu hỏi tại sao tác giả dùng từ này chứ không dùng từ khác...

Và cuối cùng bằng chính vốn liếng ngôn ngữ của mình, người học sẽ viết ra thành bài văn, hoàn thành quá trình tạo lập văn bản. Đây là quá trình lâu dài không phải ngày một ngày hai, buộc người học phải trau dồi vốn từ, nắm chắc cú pháp các kiểu câu, hình thức diễn đạt của đoạn văn...

Có được một vốn từ phong phú, sử dụng một cách thuần thục tiếng mẹ đẻ thì không có cớ gì để các em không viết được một bài văn mang chất riêng của mình, viết ra được những gì mình ngấm, mình thẩm thấu, mình cảm nhận bằng chính vốn liếng văn chương và ngôn ngữ của mình chứ không cần trông cậy vào văn mẫu.

Là một nhà văn am hiểu sâu sắc về sinh hoạt và phong tục tập quán vùng đồng bào miền núi phía Bắc, bằng chuyến đi thâm nhập thực tế Tô Hoài đã có một tập “Truyện Tây Bắc” (1952). Chuyến đi đó đã làm ông nảy sinh tình cảm yêu thương với đất và người Tây Bắc “...con người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá.

Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tôi” giúp Tô Hoài viết nên được một “Vợ chồng A Phủ”. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là tài năng sử dụng ngôn ngữ bình dân một cách thông tục mà rất hóm hỉnh, giàu tính tạo hình và đậm chất khẩu ngữ của nhà văn núi rừng Tây Bắc này.

Ngôn ngữ dưới bàn tay tài hoa của Tô Hoài được sử dụng một cách đắc địa. Mùa xuân năm ấy, Tô Hoài đã để nhân vật của mình được uống rượu. Cô Mị uống rượu nhưng cách uống thật khác thường “Mị lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát một”.

Câu văn cô đúc và thật giàu ý nghĩa. Hành động vụng trộm “lén lấy hũ rượu” nhưng cách uống ực từng ngụm rượu to, uống từng bát, uống thành tiếng, ực ra từ lồng ngực, nghẹn lại ở cổ của nhân vật thật đặc biệt. Câu văn đọc lên mà cứ ngỡ như nhân vật không còn uống rượu nữa mà đang uống khổ đau, nuốt những cay đắng tủi cực vào lòng.

Rồi cách Tô Hoài miêu tả tiếng sáo, tác nhân giúp Mị thức tỉnh trong đêm tình mùa xuân. Lúc đầu là “ngoài đầu núi tiếng sáo ai lấp ló rủ bạn đi chơi”. Từ tiếng sáo rủ rê mời gọi bổi hổi vang xa ở nơi đầu núi, tiếng sáo đã cụ thể, hữu hình hơn, dồn dập hơn, thiết tha hơn bởi “tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”. Khi trong người đã ngấm hơi men, Mị còn nghe thấy “tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường”.

Thanh âm tiếng sáo trở thành một thực thể hữu hình lẩn khuất trong không gian, lửng lơ như chính tâm hồn của nhân vật. Và cuối cùng khi bị A Sử trói đứng bằng một thúng sợi đay “trong đầu Mị vẫn rập rờn tiếng sáo” thì đây đã là tiếng sáo của ảo giác, khó nắm bắt của kẻ mộng du chứ không còn là tiếng sáo tồn tại như một thực thể hữu hình nữa rồi...

Như vậy, bằng tài năng của mình qua cách sử dụng các từ láy tượng hình, tượng thanh “lấp ló, văng vẳng, lửng lơ, rập rờn” rõ ràng Tô Hoài đã miêu tả được những cung bậc sắc thái của tiếng sáo gọi bạn từ xa đến gần, cụ thể đến trừu tượng, bên ngoài vào bên trong. Tiếng sáo của ngoại cảnh trở thành tiếng nói của nội tâm, tiếng lòng thổn thức của người thiếu phụ không được chồng yêu.

Phân tích tác phẩm là bám vào từng câu chữ, giáo viên là người dẫn đường giúp người học bám vào từng câu chữ trên bề mặt văn bản giúp học sinh cảm nhận và cắt nghĩa được giá trị của chúng. Từ đó, người học thấy được vẻ đẹp của công trình nghệ thuật ngôn từ, biết phát hiện, khám phá ra những lớp từ cựa quậy trên trang giấy.

Quá trình khám phá đó để người học thêm yêu, thêm trân quý sự giàu đẹp của tiếng Việt, thấy được “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, lắng nghe được qua từng trang viết của nhà văn “Dấu huyền trầm  dấu ngã chênh vênh/ Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy” (thơ Lưu Quang Vũ)...

Không những tác phẩm văn xuôi mà ở các tác phẩm thơ, việc khai thác ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất để người học tiếp cận tác phẩm. Victor Hugo từng viết: “Trong những câu thơ lớn, các từ vừa lướt qua vừa như nhảy múa”.

Bằng năng lực cảm nhận, người học phát hiện ra vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ Chế Lan Viên “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét/ Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng/ Như xuân đến chim rừng lông trở biếc/ Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”...

Những câu thơ phát sáng như được nung chảy bằng cảm xúc và trí tuệ, triết lý và trữ tình, những câu thơ siêu hạng mà nếu người học không được đánh thức bởi năng lực thẩm mĩ, khả năng liên tưởng và sử dụng vốn từ thì không thể cảm và hiểu được hết cái hay của chúng...

Và vai trò của người thầy...

Để phát triển tốt năng lực ngôn ngữ, người thầy sẽ định hướng cho người học có thể trau dồi qua quá trình giao tiếp, đọc sách, khai thác trường từ vựng đồng nghĩa, trái nghĩa để mở rộng vốn từ.

Xem “Từ điển tiếng Việt” là cẩm nang để giải thích và hiểu nghĩa từ khó, xem việc đọc là hành trình bền bỉ để có được nhiều từ mới, nhiều cách diễn đạt thú vị độc đáo. Người thầy cần đặc biệt chú trọng khâu thực hành bởi chỉ qua thực hành thì năng lực người học mới phát triển được.

Thực hành ở đây là thực hành giao tiếp ngôn ngữ (trong lớp học có thể qua các hình thức làm việc nhóm, trao đổi, tranh biện, đàm thoại, phát vấn...) và thực hành tạo lập văn bản, cần được rèn luyện thường xuyên để người học có thể làm chủ được ngôn ngữ và sử dụng thành thạo nó.

Người thầy cần chấm kĩ bài, chữa lỗi dùng từ, diễn đạt, đặt câu cho người học, đồng thời theo dõi, so sánh sự tiến bộ qua các văn bản viết, động viên khích lệ người học... Cứ thế, việc viết văn sẽ không còn là trở ngại dẫu là đối với học sinh yếu, kém.

Với môn Ngữ văn, hoạt động đọc hiểu văn bản là hoạt động thưởng thức cái đẹp, hoạt động tạo lập văn bản là hoạt động sản sinh, sáng tạo ra cái đẹp. Ở hai hoạt động này, người học cần có năng lực ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm công cụ, làm chất liệu.

Có được vốn ngôn ngữ giàu có, có được cách thức tiếp cận tác phẩm, có được cảm xúc và những rung động thẩm mĩ trước những áng văn, lầu thơ, tự khắc người học sẽ tìm thấy được đam mê, hứng thú với môn Văn, đủ bản lĩnh tự tin để đặt bút viết lên những dòng văn của mình. Hai năng lực đặc thù của môn Ngữ văn bao gồm năng lực thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ cần đi song hành nhau.

Có được hai điều đó, người học sẽ có được “thanh bảo kiếm” để chinh chiến với mọi kiểu bài, đọc hiểu được mọi dạng văn bản. Như TS Nguyễn Xuân Lạc chia sẻ: “Nó giống như cặp đôi ngựa cùng song hành để kéo cỗ xe song mã – Ngữ văn chạy về tới đích”.

Như vậy, để chấm dứt được vấn đề văn mẫu, bài mẫu người thầy cần hướng vào người học là đối tượng trung tâm, chứ không phải hướng vào văn bản văn học, cần biết khơi dậy những tiềm năng sẵn có, khơi gợi hứng thú học sinh tìm hiểu cái đẹp, biết cách sử dụng ngôn ngữ như một công cụ để khai thác, một chất liệu giàu có để viết văn.

Hướng đến hai năng lực then chốt đó, người học sẽ không còn lúng túng trước tác phẩm văn chương, không còn lệ thuộc vào văn mẫu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ