Cô giáo với những “chiêu thức” giúp trò học tốt môn Văn

GD&TĐ - Cô Lê Thị Thu Trang – giáo viên Ngữ văn Trường Tiểu học và THCS EaTrol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã có phương pháp giảng dạy khoa học và độc đáo giúp học sinh dễ tiếp thu bài và đạt điểm cao.

Học sinh trong lớp học môn Văn của cô Trang.
Học sinh trong lớp học môn Văn của cô Trang.

 Mời nghệ nhân giao lưu với học sinh 

18 năm gắn bó với nghề, cô Trang luôn trăn trở, tìm tòi nhằm ứng dụng có hiệu quả các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực trong dạy và học Ngữ văn như: Giải quyết vấn đề, Dạy học theo dự án, Dạy học hợp tác (chủ yếu qua các hình thức thảo luận nhóm), Đàm thoại gợi mở, Đóng vai…

“Thông qua việc áp dụng các phương pháp dạy và kỹ thuật dạy học này, tôi đã thu được những kết quả nhất định, chất lượng học tập của học sinh cải thiện rõ rệt”, cô Trang nói.

Cô Trang luôn gần gũi với học sinh.
Cô Trang luôn gần gũi với học sinh. 

 Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, cô Trang nhận thấy một số học sinh còn thụ động, ỷ lại. Vì vậy, những năm học gần đây cô đã chú trọng dạy học trải nghiệm để học sinh rèn luyện kỹ năng, vận dụng kiến thức vào tình huống thực tế cuộc sống. Thông qua việc vận dụng linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật dạy học và các hình thức tổ chức, không gian hoạt động học tập như: Tổ chức cho học sinh ghi nhật kí đọc tác phẩm; Ứng dụng một số trò chơi, hình thức đối thoại dân chủ;  Đóng vai để kể chuyện; Triển lãm tranh…, học sinh được nhóm lên ngọn lửa tình yêu văn học, vui tươi, hào hứng, yêu thích bộ môn Ngữ văn hơn.

Ngoài việc chịu khó tìm tòi, đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học, cô rất chăm đọc sách, tài liệu chuyên ngành, sưu tầm và nghiên cứu đề thi học sinh giỏi các cấp, thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT qua các năm. Qua đó chắt lọc kiến thức cơ bản để dạy học, ôn luyện cho học sinh.

Để tiết học Ngữ văn lôi cuốn, tràn đầy cảm xúc, cô Trang thường bắt đầu giờ học bằng một mẩu chuyện kể, bài hát, hay thước phim ngắn, một trò chơi sắm vai…

Đặc biệt, ở một số chủ đề dạy học, cô còn mời nghệ nhân hát khan (Sử thi), nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ dân tộc như: Đàn T’rưng,  Khèn “ Đinh Năm”, sáo “Ê Tê Ky”, sáo “Đinh Tuốt” đến biểu diễn, giao lưu nhằm khắc sâu bài học và lồng ghép giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Lúc đầu, cô Trang tự bỏ tiền túi ra mời, về sau nhận thấy hiệu quả cách làm trên, nhà trường hỗ trợ chi trả cho các nghệ nhân để nhân rộng mô hình ra lớp khác.

Những nguyên tắc của cô và trò

Để giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn, cô đã đặt ra những nguyên tắc: Học sinh phải chép vào vở hoặc sổ tay và học thuộc những câu thơ, câu văn hay. Những câu thơ, câu văn hay này do giáo viên định hướng cho học sinh thông qua mỗi bài học hoặc để học sinh tự chọn theo  cảm nhận của các em. Việc làm này được thực hiện thường xuyên, liên tục, có kiểm tra đánh giá.

“Học sinh phải học thuộc các nhận định văn học hoặc nhận định xã hội hay. Định kỳ mỗi tuần một lần, tôi tổ chức cho học sinh viết một đoạn văn, bài văn trình bày suy nghĩ hoặc bình luận về những nhận định văn học hoặc nhận định xã hội đó.

 Mỗi tháng tôi tổ chức “luyện nói theo đề tài, chủ đề” một lần cho học sinh. Đề tài, chủ đề ở mức độ đơn giản là giới thiệu bản thân đến mức độ khó hơn là trình bày quan điểm về một nhận định văn học hoặc nhận định xã hội… Học sinh phải trình bày trước lớp theo chủ đề”, cô Trang nói.

Cô Trang tâm sự: Gần 18 năm gắn bó với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bản thân thấy chất lượng học tập của  học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều vấn đề đáng suy nghĩ và trăn trở. Các em mặc dù biết tiếng phổ thông, đọc được, viết được, giao tiếp được nhưng để hiểu sâu và tiếp thu được về văn học, cũng như kiến thức của các bộ môn khác thì cực kỳ khó khăn dẫn đến chất lượng dạy Ngữ văn chưa đảm bảo.

Cô giáo Lê Thị Thu Trang và học sinh trong giờ học Ngữ văn.
Cô giáo Lê Thị Thu Trang và học sinh trong giờ học Ngữ văn.

“Cũng có lúc tôi cảm thấy nản vì nhiều khi mình phân tích các vấn đề văn học mà học trò cứ ngơ ngác không hiểu gì. Những lúc ấy tôi cảm thấy vô cùng bất lực, rơi nước mắt nhưng cố gắng vượt qua, nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học làm cho học sinh yêu thích môn học, bởi có thích thì các em mới học được. Tôi cố gắng khơi gợi cảm xúc đến các em một cách chân thực nhất. Đến khi các em biết viết một đoạn văn hoặc một bài văn theo cảm xúc của mình mà không cần theo khuôn mẫu nào là tôi  mừng rơi nước mắt”, cô Trang cho hay.

Cô Trang tâm sự: Niềm vui của nhà giáo là lúc chứng kiến học sinh của mình thành công trong cuộc sống. “Trong suốt quá trình dạy học, tôi đã bồi dưỡng được nhiều học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi Ngữ văn cấp huyện, tỉnh, nhiều em thi đậu vào lớp 10 trường THPT chuyên và không chuyên. Nhiều em đã thành đạt trong cuộc sống khiến tôi mãn nguyện và càng thêm yêu nghề”, cô Trang tâm sự.

Trong thời gian giảng dạy của mình, cô Trang đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Uỷ ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, UBND tỉnh, Công đoàn giáo dục tỉnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban dân tộc tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”. Giấy khen của Huyện ủy, UBND huyện Sông Hinh, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên, Phòng GD&ĐT huyện Sông Hinh...cùng nhiều bằng khen và giấy khen khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.