Đáng chú ý, chỉ có hơn 12% lao động làng nghề được đào tạo, số còn lại là chưa qua đào tạo, vấn đề này dẫn đến tình trạng nhiều làng nghề thiếu lao động có tay nghề, đặc biệt thiếu lao động trẻ có tay nghề.
90% làng nghề thiếu lao động
Về thực trạng nguồn nhân lực làng nghề Việt Nam, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Hiện có tới hơn 90% số làng nghề thiếu lao động, chỉ 9% số làng nghề đủ lao động, qua khảo sát cho thấy, hầu hết con em người lao động trong các làng nghề học hết THPT đều có xu hướng thi vào các trường đại học, cao đẳng và ít lựa chọn các trường dạy nghề, kể cả trường cao đẳng nghề.
Cùng với đó, việc truyền nghề, dạy nghề cho lớp trẻ cũng chưa được coi trọng đúng mức, số đông các em biết nghề do được tiếp cận công việc hàng ngày một cách tự nhiên. Quy mô dạy nghề truyền thống chưa được chú trọng, lại không có giáo trình biên soạn cụ thể nên nhu cầu học nghề và số lượng người học theo được với nghề rất thấp. Hiện, lao động làng nghề nói chung chia thành hai nhóm rõ rệt: Nhóm lao động không thường xuyên, thiếu kỹ năng làm những công việc đơn giản, không hoặc ít có đào tạo bài bản; nhóm thứ hai là lao động thường xuyên, kỹ năng cao, thường làm việc ở những cơ sở hoặc doanh nghiệp làm hàng mỹ nghệ cao cấp.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, việc thiếu nhân lực có kỹ thuật của các làng nghề đang ngày càng trở nên trầm trọng, do lao động có tay nghề đang chuyển dịch sang làm việc ở các lĩnh vực khác hoặc thoát ly khỏi địa phương. Hầu hết chủ hộ sản xuất chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh và thiếu kiến thức về kinh tế thị trường. Nhiều làng nghề truyền thống hiện nay không có thợ tạo mẫu và thợ có tay nghề tinh xảo đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng, cho nên sản phẩm của các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế. Với thực trạng như hiện nay, các làng nghề chỉ có thể duy trì mà khó có khả năng phát triển.
Ưu tiêu cho lao động trẻ gắn bó với nghề
Thực tế, tại hầu hết các doanh nghiệp làng nghề đều đang gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng cũng như “giữ chân” người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, kỹ thuật cao. Từ đây, vấn đề bức bách được đặt ra cho phát triển làng nghề là phải đào tạo xây dựng được một đội ngũ kế cận có đủ trình độ kỹ thuật để gìn giữ và phát huy được giá trị tinh hoa của sản phẩm làng nghề truyền thống.
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện có hai phương pháp dạy nghề cho lao động tại địa phương gồm trao - truyền, cầm tay chỉ việc theo kinh nghiệm từ các nghệ nhân cao tuổi và tổ chức các lớp dạy nghề có sự tham gia của các nghệ nhân bên cạnh việc lồng ghép các trang thiết bị khoa học - kỹ thuật. Trong đó, phương pháp trao - truyền theo kinh nghiệm từ các nghệ nhân cao tuổi có ưu điểm là tốn ít kinh phí, dễ học, dễ dạy nhưng không phải muốn truyền dạy là được, bởi phần lớn các nghệ nhân tại các làng nghề đã cao tuổi và không phải ai cũng sẵn sàng để truyền dạy lại cho cộng đồng.
Nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tại các làng nghề, ý kiến chuyên gia cho rằng, cần phải có những chính sách đặc thù ưu tiên cho những lao động trẻ ở lại gắn bó với nghề và làng nghề; nghiên cứu đổi mới phương pháp đào tạo, phương pháp truyền nghề khoa học gắn với thực tế sản xuất, giúp người học có thể phát huy tối đa sức sáng tạo. Tạo ra giá trị mới cho các sản phẩm làng nghề, thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất sản phẩm làng nghề.