Bóng đen suy thoái

GD&TĐ -Bóng ma suy thoái kinh tế toàn cầu đang lớn dần và có thể nuốt trọn thế giới trong tương lai không xa.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhìn bề ngoài, nền kinh tế toàn cầu đang gặp phải những khó khăn chung, chủ yếu là lạm phát, vốn tăng lên do tác động của chiến tranh lên giá năng lượng toàn cầu, làm giảm thu nhập thực tế trong khi đẩy lãi suất tăng. Tuy nhiên, ở ba khu vực kinh tế chính là Mỹ, châu Âu và châu Á, tác động của suy thoái rất khác nhau.

Cả Mỹ và châu Âu đều phải đối mặt với nguy cơ suy thoái cao hơn nhiều so với các nền kinh tế châu Á bởi vấn đề năng lượng. Tuy nhiên, Mỹ đang ở vị thế tốt hơn châu Âu do nước này có thể xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Khủng hoảng năng lượng có thể khiến Mỹ dao động nhưng thực sự là một cú đánh nặng nề vào châu Âu, ảnh hưởng đến thu nhập và sức chi tiêu; đồng thời làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp – một trong những trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của châu Âu.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định vị thế của Mỹ và châu Âu có thể đảo ngược vào năm 2023. Tại châu Âu, vấn đề khủng hoảng năng lượng có thể đạt đỉnh trong mùa đông năm 2022 nhưng từ sau đó, tình hình có thể dễ dàng hơn khi nhu cầu năng lượng giảm theo mùa.

Về trung hạn, châu Âu có nhiều thời gian để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Tất nhiên, điều này sẽ không dễ dàng vì giá năng lượng có thể tiếp tục tăng cao khiến ngân sách các quốc gia trở nên eo hẹp và một số ngành công nghiệp giảm sức cạnh tranh trên toàn cầu.

Còn tại Mỹ, thị trường lao động đang tiếp tục “nóng” lên do nhu cầu số lượng việc làm tiếp tục tăng. Tuy nhiên, chính thị trường lao động mạnh mẽ này có thể làm tăng rủi ro lạm phát.

Nếu lạm phát tại châu Âu gây ra bởi vấn đề năng lượng, lạm phát của Mỹ chủ yếu do vấn đề tiền lương. Đầu tháng 8, mức tăng lương ở Mỹ đã vượt quá 5% mỗi tháng khiến chỉ số lạm phát, vốn dao động vì năng lượng, cũng tăng theo. Nguyên nhân là các công ty tranh giành người lao động và giữ chân nhân viên trong bối cảnh thị trường việc làm khan hiếm.

Tình trạng này khó có thể cải thiện trong năm 2023 bởi tỷ lệ người lao động bỏ việc tiếp tục tăng lên. Sở dĩ số người bỏ việc tăng cũng chính vì vấn đề tiền lương khiến họ “khát” một mức lương cao hơn.

Cứ như vậy, vấn đề tiền lương trở thành vòng tròn không hồi kết khi những người nghỉ việc tăng, gây áp lực buộc các công ty phải tăng lương và làm “nóng” thị trường lao động. Lạm phát sẽ không thể giải quyết nếu vòng tròn này không được tách ra.

Trong khi đó, so với Mỹ và châu Âu, những rủi ro kinh tế mà châu Á đang đối mặt khá nhẹ nhàng. Nhật Bản và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn mạnh của châu Á, chưa trải qua cú sốc năng lượng tầm cỡ châu Âu dù nhập khẩu năng lượng giảm đáng kể.

Đơn cử tại Trung Quốc, lạm phát nằm dưới mức 3% và không bị ảnh hưởng bởi vấn đề siết chặt năng lượng kể từ sau xung đột giữa Nga và Ukraine hồi tháng 2. Thay vào đó, rủi ro kinh tế đến từ chính sách “không Covid”.

Kế hoạch phong tỏa những khu vực, địa phương có người nhiễm Covid-19 đã khiến mức tăng trưởng của Trung Quốc theo năm “giậm chân tại chỗ” còn tăng trưởng trong quý II/2022 giảm so với quý I cùng năm.

Tuy nhiên, dù mức độ, tính chất và thời gian diễn ra lạm phát ở các khu vực kinh tế là khác nhau, bóng ma suy thoái kinh tế toàn cầu đang lớn dần và có thể nuốt trọn thế giới trong tương lai không xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.