Gượng dậy từ suy thoái

GD&TĐ - Vào tháng 10/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, nền kinh tế Philippines tăng trưởng 6,2% trong năm nay. Theo thống kê, Philippines có mức tăng trưởng kinh tế trung bình là 7,5% hằng năm, kể từ 2014 - 2019.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến Philippines rơi vào suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp tăng trong quý đầu tiên của năm 2020 lên 17,7%. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2005, mặc dù tỷ lệ này đã giảm xuống lần lượt 10% và 8,7% trong quý II và III.

Tỷ lệ tham gia lao động ở nước này là 58,7% trong quý III. Những con số này cho thấy, người Philippines dường như không nhất thiết phải làm lại công việc cũ, trước khi đại dịch bùng phát. 

Các biện pháp ngăn chặn Covid-19 mạnh mẽ đã khiến nền kinh tế của quốc gia này đình trệ. Vào quý đầu tiên trong năm nay, GDP giảm 0,7%. Tình trạng này tiếp tục kéo dài sang quý II và quý III, với GDP giảm lần lượt 16,9% và 11,5% so với thời điểm tương ứng trong năm 2019.

Ở Philippines, các chính sách giãn cách xã hội và phong tỏa được cho là không linh hoạt. Thậm chí, một số thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Liên cơ quan về các bệnh truyền nhiễm mới nổi chỉ tập trung vào việc kiểm soát sự di chuyển của người dân.

Trong thời gian dài phong tỏa, giao thông công cộng bị hạn chế, việc đi lại liên tỉnh không được phép, gây gián đoạn chuỗi giá trị trong nước. Việc đưa nền kinh tế đi đúng hướng sẽ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với Philippines. Bởi, các ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng. 

Chính sách bốn trụ cột của Philippines đối với đại dịch đã cung cấp hỗ trợ bảo trợ xã hội cho những người dễ bị tổn thương và chương trình viện trợ tiền mặt khẩn cấp. Chính sách cũng mở rộng nguồn lực cho các nhân viên y tế tuyến đầu, chính sách tài khóa và tiền tệ.

Để tạo thêm tính thanh khoản, lãi suất đã được giảm 5 lần trong năm 2020. Vào tháng 9, một đạo luật đã được ban hành để cung cấp hỗ trợ tài chính bổ sung cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng như nông nghiệp và dịch vụ.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, chính sách tài khóa còn khá rụt rè, đặc biệt là khi chỉ có 44% gói thầu (tương đương 1,9% GDP năm 2019) được sử dụng cho y tế và bảo trợ xã hội. Ngân sách chính phủ năm 2021 được đưa ra nhằm thoát khỏi khủng hoảng thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng. Song, ngân sách được cho là thiếu sự ưu tiên đối với y tế và phúc lợi xã hội.

Chính phủ Philippines cũng đang chuẩn bị ban hành luật để giảm thuế doanh nghiệp và hợp lý hóa các biện pháp khuyến khích. Bất chấp các quan điểm khác nhau về mức độ của chính sách tài khóa, vẫn có sự nhất trí rằng, khả năng phục hồi kinh tế thành công sẽ phụ thuộc vào việc quản lý cuộc khủng hoảng sức khỏe. Và, đây là điều mà chính phủ nước này vẫn đang đấu tranh để đạt được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ