Tạo không khí hứng khởi nối nhịp học sau Tết

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, học sinh trở lại lớp để tiếp tục các hoạt động giáo dục của học kỳ II.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Lâm
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Lâm

Tạo không khí vui tươi

Với gần 1.500 học sinh đang theo học, cô Trịnh Thị Chung Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, các hoạt động giáo dục của trường được tổ chức linh hoạt ngay buổi đầu tiên cô trò trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Do điều kiện thời tiết, giờ Chào cờ được tổ chức vào cuối buổi sáng gồm những tiết mục văn nghệ, múa hát của học sinh để mừng Đảng, mừng Xuân. Cô trò cùng trò chuyện về khoảnh khắc đón Tết an lành bên gia đình.

“Hằng ngày gặp học sinh quen rồi, nghỉ hơn một tuần cũng nhớ các em. Sáng nay, tôi háo hức gặp lại trò, cảm giác đón học sinh trở lại trường như đón những đứa con của mình đi chơi xa mới về nhà. Tôi rất xúc động khi nghe các em nói nhớ cô”, cô Võ Thị Ngọc Em - giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (Phú Tân, Cà Mau) chia sẻ.

Tại các lớp, giáo viên chủ nhiệm cho học sinh chơi trò chơi, đố vui có thưởng về chủ đề 95 năm Ngày thành lập Đảng, phong tục đón Tết cổ truyền dân tộc. Nhà trường cũng tổ chức cuộc thi trực tuyến qua mạng với những bức ảnh đón Tết vui vẻ, đầm ấm bên gia đình dành cho học sinh có sở thích chụp ảnh. Thầy cô, phụ huynh có thể vào trang fanpage nhà trường để bình luận, chia sẻ những bức ảnh của học trò.

“Sau những hoạt động vui nhộn, thầy cô tiếp tục triển khai chương trình giáo dục tuần 20. Nhà trường chủ động lên phương án chuẩn bị đầy đủ thực phẩm để tổ chức bán trú cho học sinh. Thay vì đồ ăn nhiều mỡ, nhà bếp nấu các món như bún, miến, mỳ, phở để trẻ ăn giải ngấy. Trời lạnh nên ưu tiên món ăn nóng sốt, uống nước ấm. Học sinh có thể mặc trang phục đón Tết truyền thống đến trường”, cô Chung Thủy nhấn mạnh.

Tại Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội), cô Hiệu trưởng Bùi Thị Vân cho biết, nhà trường đã chuẩn bị tốt công tác đón trẻ trở lại lớp ngày 3/2. Trong ngày mùng 5 Tết, nhân viên lao công đã đến trường vệ sinh sạch sẽ môi trường bên ngoài cũng như các phòng chức năng. Nhân viên nuôi dưỡng chuẩn bị dụng cụ, gọi thực phẩm sẵn sàng cho hoạt động bán trú ngay ngày đầu đón trẻ.

Các cô chuẩn bị lớp học sạch đẹp, ấm áp và đủ nước ấm cho trẻ; đồng thời trao đổi, động viên phụ huynh đưa trẻ trở lại lớp học. Trong không khí tươi vui mừng Đảng, mừng Xuân mới, cô trò cùng chia sẻ về kỳ nghỉ Tết, tổ chức các hoạt động tập thể như múa hát, chúc Tết, lì xì. Nhà trường đã thực hiện tốt công tác chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm để trẻ đến trường vui vẻ an toàn.

Đóng chân tại huyện Bình Gia (Lạng Sơn), năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học Quang Trung có tổng số 230 học sinh ở 4 điểm trường, 100% con em dân tộc Nùng. Ngay ngày đầu tiên đi học sau Tết, nhà trường duy trì lịch học 2 buổi/ngày, yêu cầu giáo viên tích cực hướng dẫn ôn tập, hỗ trợ học sinh củng cố kiến thức. Về cơ bản, học sinh nhanh chóng ổn định nền nếp và nhanh chóng bắt nhịp kế hoạch học tập.

Tuần học đầu tiên ở các điểm trường, thầy cô sẽ tạo không khí hứng khởi để các em có thể làm quen và bắt nhịp với chương trình. Bên cạnh đó, thầy cô tổ chức nhiều hoạt động nhằm khích lệ tinh thần học tập học sinh, thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, chuẩn bị tốt nội dung giảng dạy. Với nhiều phương pháp giáo dục sáng tạo, những buổi học đầu năm trở nên nhẹ nhàng nhưng không kém phần hiệu quả.

noi-nhip-hoc-sau-tet-1.jpg
Ngày đầu trở lại lớp sau Tết, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ thăm thầy và trò Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Ninh Kiều). Ảnh: Quốc Ngữ

“Nhà trường lồng ghép trò chơi với kiến thức học để tăng tính tương tác giữa học sinh với giáo viên, học sinh với nhau. Điều này giúp các em tiếp thu được kiến thức, vừa vui chơi và nhận lì xì bằng nhận xét khen thưởng. Ngoài ra, nhà trường tổ chức ăn bán trú ngay ngày đầu trở lại trường do nhân viên nhà bếp trực tiếp nấu. Các món ăn đủ chất dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, thầy Vy Văn Giáp - Phó Hiệu trưởng nói.

Để trò nhớ ngày trở lại trường, trước khi nghỉ Tết, cô Lương Thị Chuyên - giáo viên chủ nhiệm lớp 1, điểm trường trung tâm Trường PTDTBT Tiểu học Quang Trung đã thông báo lên nhóm Zalo lớp về những lưu ý khi học sinh nghỉ học. Đồng thời nhắc nhở phụ huynh chú ý vệ sinh ăn uống, an toàn giao thông cho trẻ cũng như thời gian biểu khi trẻ đi học lại.

“Tiết đầu tiên, tôi chúc Tết và lì xì lấy may, hỏi thăm các em có kỳ nghỉ Tết thế nào? Đi chơi ở đâu, làm gì giúp bố mẹ? Qua đó cảm nhận được gì khi mọi thành viên cùng chung tay chuẩn bị cho Tết đoàn viên... Sau đó, cô trò khai bút đầu xuân bằng những nét chữ đầu tiên của năm mới theo đúng phân phối chương trình”, cô Lương Thị Chuyên bày tỏ.

Còn tại Trường Mầm non Hương Sen (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), ngay trong sáng 3/2, các cô giáo có mặt từ sớm để đón trẻ quay trở lại trường sau kỳ nghỉ lễ dài. Chia sẻ của cô Phó Hiệu trưởng Trần Thị Tuyết Loan, trường đã huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên đến dọn dẹp khuôn viên, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi, sắp xếp bàn ghế, sẵn sàng đón trẻ đi học trở lại trong không khí vui tươi, phấn khởi.

Trẻ trở lại trường vào ngày đầu tuần nên các trường học tổ chức nhiều hoạt động chào đón như văn nghệ, hoạt động thể thao vui nhộn. Tại lớp học, giáo viên cũng tổ chức các hoạt động lì xì đầu năm. Trong sáng 3/2, trẻ đến trường muộn hơn một chút so với ngày thường. Bộ phận nhà bếp có mặt từ sớm để vệ sinh, rửa lại toàn bộ bát, đũa thìa, chuẩn bị nguồn thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn cho bữa ăn bán trú.

noi-nhip-hoc-sau-tet-3.jpg
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Quang Trung (Bình Gia, Lạng Sơn) trong giờ học đầu tiên sau Tết. Ảnh: Phương Thảo

Duy trì sĩ số sau Tết

Từ ngày 3/2, học sinh tỉnh Thái Bình quay trở lại trường học sau nghỉ Tết Nguyên đán. Tại Trường THCS Thụy Liên (huyện Thái Thụy), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, nhà trường bảo đảm đủ sĩ số trong buổi học đầu tiên của năm mới. Để có được kết quả này, nhà trường đã chủ động nắm bắt hoàn cảnh gia đình từng học sinh, đặc biệt các em có quê bố, mẹ ở tỉnh ngoài để nhắc nhở.

Lịch nghỉ Tết và thời gian đi học trở lại được thông tin từ 20/1 trên trang website, fanpage nhà trường và các nhóm Zalo lớp để cha mẹ, học sinh chủ động sắp xếp công việc. Chiều 2/2, giáo viên chủ nhiệm nhắc lịch đi học trở lại và lưu ý học sinh chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập, đi học đúng giờ.

“Ngày đầu tiên đi học trở lại, để các em dần bắt nhịp với việc học, nhà trường đã hỏi thăm, chúc Tết học sinh và gia đình; trò chuyện, chia sẻ về phong tục tập quán ngày Tết nhằm tạo không khí thân tình, cởi mở. Trở lại trường đúng ngày kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, một số hoạt động thiết thực chào mừng đã được triển khai”, thầy Nguyễn Tiến Dũng nói.

Ổn định nền nếp, kỷ cương trường học và các hoạt động chuyên môn sau Tết Nguyên đán là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Chia sẻ quan điểm, thầy Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) thông tin thêm:

Bên cạnh phổ biến lịch nghỉ Tết đến tất cả học sinh, phụ huynh, nhà trường đã phối hợp với ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn nhằm huy động, duy trì tỷ lệ học sinh trở lại lớp. Nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm bám sát học sinh trước, trong và sau Tết qua nhóm Zalo. Qua đó, giáo viên nắm bắt được tình hình của học sinh; đồng thời tuyên truyền, vận động phụ huynh nhắc nhở thời gian nghỉ Tết và trở lại trường học cho các em.

noi-nhip-hoc-sau-tet-4.jpg
Hoạt động mừng tuổi sách của Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: Nguyễn Nhung

Trường cũng tổ chức một số hoạt động giúp học sinh hào hứng, vui vẻ trong ngày đầu đến trường như: Mô hình chuyến xe tri thức và mừng tuổi sách; giáo viên chủ nhiệm trao tận tay học sinh những phong bao lì xì may mắn và lời chúc, nhắn gửi nhằm động viên các em cố gắng học tập.

Sáng 3/2, chỉ có 3 học sinh Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa) vắng mặt vì lý do ốm. Thông tin từ thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo, 100% giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường an toàn sau nghỉ Tết; nền nếp dạy học được thực hiện nghiêm túc ngay buổi học đầu, đặc biệt với học sinh khối 12. Cùng đó, nhà trường tổ chức giải bóng đá cho học sinh, tạo sân chơi thể dục, thể thao lành mạnh, tâm thế phấn khởi cho các em sau kỳ nghỉ dài.

Một số hoạt động ý nghĩa khác cũng được trường triển khai sau nghỉ Tết như: Tổ chức cho học sinh vừa được kết nạp Đảng trước Tết tham gia hoạt động chào mừng Ngày thành lập Đảng; phát động phong trào chăm sóc cây xanh; lên kế hoạch cải tạo cơ sở vật chất chuẩn bị cho các kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Nằm trên địa bàn vùng khó, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Ea Kar, Đắk Lắk) có nhiều giải pháp ổn định sĩ số và nền nếp học tập sau nghỉ Tết. Cô Hiệu trưởng Lương Thị Hồng cho biết, nhà trường luôn sát sao nhắc nhở học sinh, phụ huynh về thời gian nghỉ Tết và động viên các em đi học đầy đủ; tạo không khí vui tươi, thân thiện như tổ chức các hoạt động sinh hoạt dưới cờ, một số câu hỏi đố vui để học sinh hào hứng hơn khi bắt nhịp vào việc học.

Thay vì bắt đầu ngay vào chương trình học, các lớp có thể dành thời gian để ôn lại kiến thức, cho học sinh hoạt động nhóm để tạo sự gắn kết và môi trường học tập tích cực. Hướng dẫn học sinh cách sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý cũng được các thầy cô quan tâm, lưu ý.

noi-nhip-hoc-sau-tet-2.jpg
Cô, trò Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) rạng rỡ trong ngày đầu tiên đến lớp sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: Đình Tuệ

Bắt nhịp học tập

Ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Sáng 3/2, sở GD&ĐT tổ chức đoàn đến thăm và nắm tình hình nhân ngày đầu học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại một số cơ sở giáo dục.

Theo đó, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có mặt đầy đủ; trẻ mầm non, học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ đạt khoảng 98,25%; hầu hết học sinh phấn khởi trong ngày đầu đến lớp. Một số trẻ, học sinh vắng với lý do sức khỏe hoặc về quê xa cùng cha mẹ. Các cơ sở giáo dục tiếp tục liên hệ với gia đình để sớm đưa học sinh đến lớp đầy đủ.

Tại vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh, thầy Thạch Sa Quên - giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (huyện Cầu Ngang) thông tin, sáng 3/2, qua nắm tình hình học sinh, các em trở lại lớp đầy đủ. Trước, trong và sau Tết, nhà trường, giáo viên đã tăng cường công tác tuyên truyền để học sinh đón Tết an toàn, trở lại lớp đúng thời gian quy định. Đồng thời, thầy cô động viên các em hoàn cảnh khó khăn, quyết tâm không để em nào bỏ học sau Tết.

“Giờ Chào cờ đầu tuần, qua nắm tình hình học sinh đi học đầy đủ; sau Tết, tinh thần các em đều phấn chấn. Giờ học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, thầy trò bắt tay ngay vào dạy học theo kế hoạch thời gian năm học. Để tạo không khí phấn khởi, nhẹ nhàng, việc học bắt đầu bằng ôn lại kiến thức cũ; thầy trò cùng nhau trao đổi bài học, đố vui có thưởng”, thầy Quên cho biết.

Chia sẻ từ vùng Đất mũi Cà Mau, cô Trần Thị Duyên Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Phú Tân, huyện Phú Tân) cho hay: Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng nên trong tiết Chào cờ, Tổng phụ trách Đội của trường cũng triển khai cho học sinh hiểu về ý nghĩa ngày này, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước cho các em. Trường cũng dành thời gian phổ biến lại nội quy, ổn định nền nếp, động viên học sinh tiếp tục phấn đấu trong học tập để đạt kết quả tốt.

Nhiều trường học tại tỉnh Cà Mau, sau tiết Chào cờ, học sinh các điểm trường trở lại lớp được sự chào đón nồng nhiệt của giáo viên. Thầy, trò dành thời gian thăm hỏi nhau sau thời gian nghỉ Tết.

Theo thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), việc đầu tiên thầy cô cần giúp học sinh xây dựng mục tiêu, kế hoạch học tập của bản thân trong năm mới nhằm giúp khơi dậy lòng đam mê học tập cho các em. Ở những tiết học đầu tiên của năm mới nên tạo không khí vui vẻ, thân thiện, tăng cường khích lệ, động viên các em bằng những phần thưởng nhỏ. Thầy cô, phụ huynh có thể kết hợp để lì xì đầu năm cho trẻ thêm vui vẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ