Bóng đá Việt Nam: Cửa đã mở, người tài ở đâu?

GD&TĐ - Với 6 trận thua toàn diện ở vòng loại World Cup và việc đội tuyển Việt Nam thất bại “tâm phục, khẩu phục” trước Thái Lan ở AFF Cup 2020 buộc huấn luyện viên Park Hang Seo sẽ phải tiến hành cải tổ mạnh mẽ.

Trung vệ Elias Dollah bày tỏ tình yêu với đội tuyển quốc gia Thái Lan.
Trung vệ Elias Dollah bày tỏ tình yêu với đội tuyển quốc gia Thái Lan.

Sử dụng cầu thủ Việt kiều, cả ngoại binh nhập tịch không phải vấn đề mới của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, với việc đội tuyển Việt Nam thua cả 6 trận ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á và không bảo vệ được chức vô địch AFF Cup, sử dụng cầu thủ Việt kiều đang được đặt ra như một phương án hàng đầu cho vấn đề nhân sự.

Cuộc cách mạng của ông Park?

Không chỉ 6 trận thua toàn diện ở vòng loại World Cup, chính xác là 7 trận liên tiếp, việc đội tuyển Việt Nam thất bại “tâm phục, khẩu phục” trước Thái Lan ở AFF Cup 2020 buộc huấn luyện viên Park Hang Seo sẽ phải tiến hành cải tổ mạnh mẽ.

Về nhân lực, trong hơn 3 năm qua sau vô số chiến tích, có thể khẳng định chiến lược gia người Hàn gần như đã sử dụng triệt để những tài năng của bóng đá Việt Nam. Sự trở lại của những cầu thủ chấn thương như Hùng Dũng, Trọng Hoàng, hay Văn Hậu không thể nâng tầm đội tuyển Việt Nam, mà nó chỉ làm giảm phần nào khó khăn về nhân sự.

Lứa U22 hiện nay, tuyến kế cận gần nhất của đội tuyển quốc gia theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, thua kém rất nhiều so với lứa U23 ở Thường Châu (Trung Quốc) năm 2018.

Như vậy, về mặt con người, chúng ta sẽ phải chờ thêm ít nhất 5 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới hy vọng, chỉ là hy vọng thôi, bóng đá Việt Nam sẽ có một lứa cầu thủ đủ tốt như những Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng… Nhưng ông Park không thể chờ có thêm một lứa cầu thủ tốt để theo đuổi những mục tiêu đang đến gần. Phương án thay đổi lối chơi cũng rất mông lung, bởi sự thay đổi và thành bại đến đâu còn tùy thuộc vào yếu tố con người, ở đây là chất lượng cầu thủ.

Trong cuộc họp gần nhất, giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và huấn luyện viên Park Hang Seo, vấn đề triệu tập các cầu thủ Việt kiều đang thi đấu ở nước ngoài, đặc biệt ở châu Âu đã được đặt ra. Chiến lược gia người Hàn đã bày tỏ ý định tìm kiếm và khai thác những cầu thủ chất lượng Việt kiều đang thi đấu ở nước ngoài, đây là khâu quan trọng nằm trong kế hoạch cải tổ đội tuyển Việt Nam trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2022.

Huấn luyện viên Park Hang Seo bằng nhiều kênh, mối quan hệ cá nhân đã lập lên danh sách những cầu thủ Việt kiều để từ đó ông và các cộng sự tiến hành sàng lọc. Và nếu kế hoạch của ông Park được thông qua, dự kiến sẽ có khá nhiều cầu thủ Việt kiều trở về để thử việc ở đội tuyển Việt Nam, cả đội U22 quốc gia.

Thực ra, không phải đến đầu năm 2022 ông Park mới đề cập đến nguồn lực cầu thủ Việt kiều. Chỉ một thời gian ngắn sau chiến tích ở Thường Châu, huấn luyện viên Park Hang Seo lúc đó với vị thế người hùng của bóng đá Việt Nam đã đặt ra vấn đề sử dụng cầu thủ Việt kiều.

Theo ông Park, ông sẵn sàng tiếp nhận các cầu thủ Việt kiều thi đấu cho đội tuyển Việt Nam với điều kiện tiên quyết là họ phải đáp ứng được 2 yêu cầu: Thứ nhất là phải có khát khao cống hiến cho đội tuyển quốc gia và thứ hai là phải thực sự có tài năng.

Thủ môn Đặng Văn Lâm.

Thủ môn Đặng Văn Lâm.

Vào thời điểm đó, chính xác là tháng 5/2019, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chính thức khẳng định quan điểm, cánh cửa của đội tuyển quốc gia luôn rộng mở để chào đón các cầu thủ Việt kiều. Tổng Thư ký của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ông Lê Hoài Anh chia sẻ thêm, nếu như các cầu thủ đó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn của huấn luyện viên trưởng cũng như các yêu cầu về mặt pháp lý và tư cách thi đấu cho đội tuyển quốc gia theo quy định của Liên đoàn Bóng đá Thế giới. Nhưng cho đến nay, mới chỉ duy nhất cầu thủ Việt kiều Đặng Văn Lâm đang khoác áo đội tuyển Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử, 14 năm trước, đội tuyển Việt Nam đã đón chào một “làn sóng” ngoại binh. Dưới thời huấn luyện viên Calisto, đã có những “ngoại binh nhập tịch” được gọi vào đội tuyển Việt Nam, như Phan Văn Santos, trong trận gặp Olympic Brazil tại Mỹ Đình năm 2008, hay bộ đôi cầu thủ mới nhập tịch Đinh Hoàng La và Đinh Hoàng Max, trận giao hữu gặp câu lạc bộ Olympiacos năm 2009. Sau đó thêm tiền đạo Huỳnh Kesley được triệu tập cho trận giao hữu gặp Kuwait. Và điểm chung của những cầu thủ nhập tịch khoác áo đội tuyển Việt Nam đều chưa được tham dự bất cứ giải đấu chính thức nào.

Theo được hiểu, dường như lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và cấp quản lý cao hơn nữa đều không muốn cầu thủ nhập tịch khoác áo đội tuyển quốc gia, trong đó có tâm lý e ngại về màu cờ sắc áo.

Trong các phát biểu chính thức, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khẳng định luôn trao toàn quyền quyết định vấn đề chuyên môn cho huấn luyện viên trưởng. Nhưng từng có chuyện khi bị báo chí chất vấn về việc vì sao không triệu tập cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển Việt Nam tranh tài ở những giải đấu chính thức, huấn luyện vien Calisto đã nổi nóng trả lời: “Các anh đi mà hỏi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (!?)”.

Rất nhiều lần câu chuyện sử dụng cầu thủ nhập tịch được các chuyên gia, và các nhà quản lý nâng lên đặt xuống, phân tích lợi hại. Nhưng có lẽ cái lợi chưa quá lớn để trào lưu dùng cầu thủ nhập tịch được ủng hộ. Vấn đề sử dụng cầu thủ nhập tịch cho đội tuyển cứ thế lặng lẽ chìm xuống, và nó càng chìm sâu hơn khi những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch thi đấu không thành công như Indonesia, Malaysia hay Philippines, trong khi bóng đá Việt Nam thăng hoa dưới triều đại ông Park Hang Seo và lứa cầu thủ thành danh ở Thường Châu 2018.

Jason Quang Vinh Pendant từng khoác áo đội tuyển U18 Pháp.

Jason Quang Vinh Pendant từng khoác áo đội tuyển U18 Pháp.

Không nên lãng phí

Bên cạnh đó, cần phải xác định rõ ràng giữa cầu thủ nhập tịch và cầu thủ Việt kiều, có bố hoặc mẹ, hay ông bà là người Việt Nam. Và chúng ta không cần tìm kiếm kinh nghiệm ở đâu xa, hãy nhìn sang Thái Lan, đội bóng vừa giành lại vị thế hàng đầu Đông Nam Á bằng chức vô địch AFF Cup 2020.

Hiện, đội bóng xứ chùa Vàng đang rất thành công trong kế hoạch sử dụng cầu thủ Thái kiều được đào tạo ở nước ngoài, hiện quay về khoác áo đội quê hương. Vị vua mới của bóng đá Đông Nam Á sở hữu dàn cầu thủ Thái kiều gồm các trung vệ Manuel Tom Bihr (sinh ra tại Đức), Elias Dollah (sinh ra tại Thụy Điển), hai hậu vệ biên phải Tristan Do (sinh ra tại Pháp) và Phillip Roller (sinh tại Đức)…

Điều đó khác hẳn với nhóm cầu thủ nhập tịch không có nguồn gốc bản địa của Malaysia, hay Indonesia. Những cầu thủ Thái kiều khoác áo đội tuyển Thái Lan mang trong mình một phần dòng máu Thái, không khó hòa nhập với văn hóa và môi trường bóng đá Thái Lan, hòa đồng với tập thể, sẵn sàng hy sinh cho đội tuyển quốc gia, trước khi phát huy rất tốt năng lực cá nhân. Điều đó phần nào được nhìn thấy rõ ràng qua trường hợp thủ môn Đặng Văn Lâm của Việt Nam. Vậy nên, cầu thủ Việt kiều là nguồn lực không thể bỏ qua với đội tuyển Việt Nam, nếu những cầu thủ được nhắm đến phù hợp về chuyên môn và nhất là khát khao muốn khoác áo đội tuyển.

Trong số những gương mặt cầu thủ Việt kiều sáng giá hiện nay, rất nhiều cầu thủ được nhìn nhận có thể bổ sung ngay cho đội tuyển quốc gia. Năm 2019, huấn luyện viên Park Hang Seo gây xôn xao dư luận khi cất công sang tận châu Âu để “xem giò” tiền đạo Việt kiều Alexander Đặng. Nhưng rồi kể từ sau chuyến đi ấy, cánh cửa đội tuyển Việt Nam vẫn chưa mở ra với cầu thủ mang hai dòng máu Việt Nam - Na Uy. Tuy nhiên, trong thời điểm Tiến Linh và Đức Chinh phong độ thất thường, thì sự bổ sung chân sút cao 1,85m, được đào tạo cơ bản theo giáo trình châu Âu sẽ mang đến giải pháp tốt cho đội tuyển Việt Nam và ông Park.

Kelvin Bùi là tài năng 18 tuổi từng lọt vào tầm ngắm của chiến lược gia người Hàn  sau màn trình diễn ấn tượng ở giải trẻ Hà Lan. Sinh năm 2002, có bố là người Việt, mẹ là người Hà Lan, Kelvin Bùi được đào tạo tại câu lạc bộ NEC Nijmegen và sau đó chuyển đến khoác áo Vitesse, đội đang chơi ở giải

Eredivsie. Tại đội trẻ của Vitesse, Kelvin chơi ở vị trí hậu vệ cánh phải và đã nhanh chóng chứng minh được khả năng của mình. Đặc biệt, Kelvin Bùi từng được triệu tập vào đội tuyển U17 Hà Lan để tham dự vòng loại U17 châu Âu và cầu thủ trẻ này luôn khao khát được trở về thi đấu cho đội tuyển trẻ Việt Nam.

Hậu vệ phải Jason Quang Vinh Pendant (Việt kiều Pháp) từng làm nóng các trang báo thể thao của Việt Nam. “Quan điểm của tôi vẫn vậy. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội thử sức tại đội tuyển Việt Nam. Đối với tôi, hai chữ Việt Nam mang một ý nghĩa rất thiêng liêng. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam liên hệ. Lúc này, tôi chỉ biết cải thiện phong độ và màn trình diễn của mình tại đội bóng chủ quản. Tôi tin rằng vẫn có cách để tôi cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tìm thấy tiếng nói chung và tận dụng cơ hội này” – hậu vệ mang nửa dòng máu Việt chia sẻ với truyền thông Việt Nam.

Jason Pendant sinh năm 1997, có cha là người Pháp, mẹ là người Việt. Anh lớn lên tại Pháp và gia nhập lò đào tạo bóng đá trẻ của CLB Sochaux. Năm 2016 ở tuổi 19, Jason Pendant được đôn lên chơi cho đội 1 của Sochaux, thi đấu ở vị trí hậu vệ cánh trái. Tới mùa bóng 2020, ngôi sao gốc Việt này đã có một quyết định mang tính bước ngoặt của sự nghiệp khi chuyển sang khoác áo câu lạc bộ New York Red Bulls tại giải nhà nghề Mỹ MLS. Ngoài ra, Jason Pendant từng được triệu tập vào đội U16 và U18 Pháp.

Được biết, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đang triển khai công tác liên hệ với những cầu thủ Việt kiều đang chơi bóng tại châu Âu. Đáng chú ý, trong số này có hậu vệ trẻ Phòng Gia Huy. Cầu thủ Việt kiều Đức này hiện đang chơi cho U19 Wolfsburg tại Đức. Tại UEFA Youth League mùa này, Phòng Gia Huy chơi ở vị trí hậu vệ lệch trái và tạo ấn tượng tốt với chiều cao 1m83 cũng như kỹ thuật, khả năng đọc trận đấu và xử lý tình huống rất tốt. Hoặc Daniel Prochazka, thừa hưởng dòng máu Việt từ người bố của mình đang được đánh giá là tài năng trẻ gốc Việt sáng giá nhất ở vùng phía Bắc của CH Czech. Sở trường của Daniel Prochazka là tiền đạo cánh trái. Nhưng anh cũng có thể chơi tốt ở các vị trí khác trên hàng công.

Vậy nên, sau những thất bại liên tiếp, từ chiến dịch vòng loại World Cup 2022 cho đến giải đấu “vùng trũng”, AFF Cup 2020 và cả nguy cơ U22 Việt Nam trắng tay ngay trên sân nhà, người ta tin nguồn lực cầu thủ Việt kiều đang được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và huấn luyện viên Park Hang Seo nghiêm túc xem xét. Nếu 2 bên đi đến thống nhất về kế hoạch sử dụng cầu thủ Việt kiều, bóng đá Việt Nam thực sự đứng trước những thay đổi lớn, trong tham vọng “đi tắt, đón đầu” về nhân sự.

Ngay từ năm 2019, huấn luyện viên Park Hang Seo cùng các cộng sự đã dành nhiều thời gian khảo sát nguồn cầu thủ Việt kiều đang chơi bóng ở V-League, đặc biệt nhóm ở châu Âu. Tuy nhiên, chỉ có Đặng Văn Lâm là cái tên duy nhất được ông thầy người Hàn điền tên vào danh sách đội tuyển Việt Nam.
Nhưng với thành công của Văn Lâm, chiếm giữ vị trí số 1 đội tuyển Việt Nam và sau đó, ký hợp đồng chuyển nhượng đắt giá đến các câu lạc bộ danh tiếng sẽ trở thành hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ cho các cầu thủ Việt kiều, đồng thời điều quan trọng hơn cho thấy rằng, cầu thủ Việt kiều sẽ là nguồn lực tốt cho đội tuyển Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.