'Bồng bềnh chốn hư không' lan tỏa nghệ thuật đương đại Việt trên đất Pháp

GD&TĐ - Triển lãm “Bồng bềnh chốn hư không” của Thủy Nguyễn sẽ được khai mạc tại Château La Coste (Pháp) vào ngày 24/9.

'Bồng bềnh chốn hư không' là triển lãm thứ 2 của nghệ sĩ Thủy Nguyễn tại Pháp.
'Bồng bềnh chốn hư không' là triển lãm thứ 2 của nghệ sĩ Thủy Nguyễn tại Pháp.

Triển lãm gồm hơn 30 tác phẩm được nghệ sĩ lấy cảm hứng từ chính người cha của mình - một phi công MIG-21 những năm giải phóng đất nước.

Đem chuông đi đánh xứ người

Là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam, nghệ sĩ Thủy Nguyễn được giới nghệ thuật quốc tế biết tới với những triển lãm đậm bản sắc Việt.

Trong suốt 2 năm ròng, Thủy Nguyễn đã dồn tâm lực sáng tạo hơn 30 tác phẩm nhằm đem đến Château La Coste (Pháp) để quảng bá và lan tỏa về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Các sáng tác của cô sẽ hội tụ cùng tác phẩm điêu khắc và kiến trúc của một số nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như: Louise Bourgeois, Alexander Carder và Ai Wei Wei.

“Bồng bềnh chốn hư không” được Thủy Nguyễn lấy cảm hứng từ chính người cha của mình - một phi công MIG-21 những năm giải phóng đất nước. Các tác phẩm của cô sáng tạo trong hành trình khám phá 3 trạng thái của mây: Sự biến dạng, vị trí trung gian và tính trong suốt.

Nghệ sĩ bắt đầu dự án nghệ thuật này bằng cách quan sát sự tương tác giữa nắng, gió và mây - cách chúng vận động để tạo nên những hình thù vật lý và màu sắc khác nhau trên bầu trời. Những bức tranh về mây tựa như nhật ký hành trình của Thủy Nguyễn, mỗi bức được vẽ từ một góc nhìn khác lạ - từ dưới lên trên và từ cửa sổ máy bay nhìn xuống tầng đối lưu.

Thủy Nguyễn chia sẻ rằng, cô tự xem mình như một đám mây, phóng chiếu những tâm tư, tình cảm lên dáng hình, màu sắc của chúng để biến đổi theo cơn gió. Không điểm đầu cũng không điểm cuối, chúng không tụ vào và cũng chẳng tan ra.

Ý niệm sáng tạo và góc nhìn này thể hiện phần nào đời sống nghệ thuật của Thủy Nguyễn trong suốt 2 năm qua. Cô đã băng qua rất nhiều lãnh địa rộng lớn, từ châu Á tới châu Âu, từ những vùng đất phương Đông tới phương Tây để thâu nạp vào tầm mắt trăm nghìn phong cảnh kỳ thú.

Để lột tả những hiện tượng thiên nhiên gần như siêu thực, nghệ sĩ Thủy Nguyễn đã sử dụng kỹ thuật vẽ sơn dầu hiện đại kết hợp với kỹ thuật truyền thống như thêu, đính cườm thủ công.

Dù là lần đầu nghệ sĩ thể nghiệm cách làm mới mẻ và bỡ ngỡ, nhưng cô cũng mạo hiểm với bảng màu hẹp - khi chỉ sử dụng hai sắc màu đỏ và đen. Ấy thế nhưng ý niệm nghệ thuật đã được lột tả sự tương phản sáng - tối, hay trạng thái bồng bềnh, kỳ ảo vốn sẵn của mây trời.

“Kéo đám mây” nghệ thuật Việt để tỏa sáng trên đất Pháp không phải điều dễ dàng. Thủy Nguyễn đã cố hết sức có thể để lan tỏa tinh thần sáng tạo và nghệ thuật đương đại Việt Nam - dù cô rất rõ đó chẳng khác gì hành động “đem chuông đi đánh xứ người”.

Mạch nguồn văn hóa Việt

Thủy Nguyễn cùng Hoa hậu Kỳ Duyên trong một show diễn thời trang.

Thủy Nguyễn cùng Hoa hậu Kỳ Duyên trong một show diễn thời trang.

“Nghệ thuật của tôi là sự nối tiếp các giá trị truyền thống. Tôi lĩnh hội và phục hồi các giá trị đó trong thực hành đương đại của mình. Không phải chuyện hình thức, mà thực sự, đó là một lối sống” - Nghệ sĩ Thuỷ Nguyễn.

Nghệ sĩ Thủy Nguyễn sinh năm 1981, tại Hà Nội, cô tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2006) và nhận học bổng tại Học viện Nghệ thuật Kiến trúc quốc gia Kiev (Ukraine). Đây cũng là nơi Thủy Nguyễn tiếp tục theo học thạc sĩ và lấy bằng tiến sĩ về nghệ thuật năm 2014.

Khi trở về Việt Nam, Thủy Nguyễn được biết đến nhiều nhất ở cương vị nhà thiết kế thời trang. Cô cũng là người thành lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory - không gian đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật đương đại, nhằm kết nối cộng đồng nghệ sĩ, thiết kế, sáng tạo và tạo dựng một nền tảng mang tính giáo dục, phản biện.

“Chúng tôi đề cao nét đẹp trong phông văn hóa bản địa, nhưng cũng muốn giới thiệu thêm vào đó những giá trị mới. Đồng thời, ghi nhận vị trí người nghệ sĩ hôm nay như là những học giả với phong thái tư duy và phương pháp sáng tác liên ngành”, Thủy Nguyễn cho hay.

The Factory từng tổ chức hàng loạt triển lãm và chương trình dành cho cộng đồng mang tinh thần mới mẻ và nội dung độc đáo - bao gồm workshop giáo dục, biểu diễn nghệ thuật, tọa đàm và trình chiếu phim. Nhiều nghệ sĩ và tài năng trẻ cũng được phát hiện qua các triển lãm tại không gian này.

Mạch nguồn văn hóa Việt Nam đã trở thành cảm hứng trong các sáng tạo của Thủy Nguyễn - từ hội họa cho tới thời trang. Xuất thân là họa sĩ, cô đã đưa màu sắc, hình khối theo lối tư duy của hội họa (fine arts) vào thời trang và ngược lại. Chiếc áo dài cô Ba mà cô sáng tạo đã trở thành trang phục lan rộng khắp xã hội, với những điểm nét ấn tượng.

Năm 2021, Thủy Nguyễn có một triển lãm mang tên rất lạ: “Mộng bình thường”. Với cô, được vẽ cũng giống như những nhu cầu khác như ăn, ngủ hoặc là thở. Người nghệ sĩ không thể không có giấc mộng và với Thủy Nguyễn, đó là những điều mộng mị cần thiết để nhào nặn nghệ thuật.

Chọn tông màu chủ đạo ấm nóng, sặc sỡ - hành trình thiết kế của Thủy Nguyễn luôn vui tươi, tích cực. Chính vì vậy, các trang phục luôn có sức sống, tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh. Hai trong số những thiết kế được công chúng nhận ra nhiều nhất là trang phục Hoàng Thùy Linh diện trong MV “Để Mị nói cho mà nghe” và trang phục của Thái hậu Dương Vân Nga (Thanh Hằng thủ vai) trong phim “Quỳnh Hoa nhất dạ”.

Lấy mạch nguồn văn hóa dân tộc làm cảm hứng sáng tạo, nhưng Thủy Nguyễn khẳng định bản thân không làm về lịch sử, cũng không phải người làm về văn hóa truyền thống.

“Tôi là nghệ sĩ và muốn sáng tạo nhiều tác phẩm dựa trên nền tảng con người, văn hóa Việt Nam. Hội nhập trong nghệ thuật là quan trọng, nhưng việc trộn lẫn vào nhau, không còn nhận ra bản sắc Việt là điều khó có thể lan tỏa”, Thủy Nguyễn cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ