Từ điêu khắc, hội họa, múa cho đến các trình diễn thiết kế, nghệ thuật đương đại Việt Nam đang thực sự để lại dấu ấn đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Hàng loạt triển lãm danh giá, với những tên tuổi nghệ sĩ nhiệt huyết – đang góp phần làm tỏa sáng nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Kể chuyện Biển Đông
Trong những ngày này, giới nghệ thuật quốc tế đổ dồn ánh nhìn và những bình luận về Berlin Biennale 2022 diễn ra tại thủ đô Berlin (Đức). Sự kiện được coi là một định chế nghệ thuật uy tín có lịch sử từ năm 1955, và là một trong bốn sự kiện nghệ thuật lớn nhất thế giới.
Chủ đề của Berlin Biennale 2022 là “Still Present”, với sự tham gia của gần 80 nghệ sĩ toàn cầu. Ông Kader Attia – giám tuyển sự kiện - cho biết, chủ đề năm nay có thể được hiểu theo hai nghĩa: “Hậu quả vẫn còn đó”, hay “Chúng ta vẫn có mặt”. Ông cũng giải thích thêm rằng, sự kiện có mục đích giải trừ thực dân, mà các dân tộc từng là thuộc địa tự giải phóng mình ra khỏi ách văn hóa.
Nhà phê bình Trần Đán cho biết, ông Kader Attia đã chọn 5 người từ những vùng thế giới ít được đại diện làm phụ tá. Trong đó có giám tuyển trẻ Đỗ Tường Linh từ Việt Nam. Nhóm giám tuyển đã chọn 2 nghệ sĩ từ Việt Nam là Đào Châu Hải và Ngô Thành Bắc. Cùng với đó là 5 nghệ sĩ gốc Việt: Mai Nguyễn - Long, Tammy Nguyễn, Tuấn Andrew Nguyễn, Maithu Bùi, Thùy - Hân Nguyễn Chí.
“Đem chuông đi đánh xứ người” - nghệ sĩ Đào Châu Hải đem đến Berlin Biennale 2022 tác phẩm đầy tính thời sự: Giai điệu Biển Đông. Tác phẩm có kích thước 4m x 7m x 1,5m gồm 120 miếng thép cắt bằng kĩ thuật CNC theo hình uốn lượn, được gắn vào nhau bằng bulon và nặng đến 6,5 tấn.
Đào Châu Hải được biết đến là một trong những điêu khắc gia hàng đầu Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới. Tốt nghiệp Học viện Hàn lâm Mỹ thuật quốc gia V.I. Surikov danh tiếng, hoạt động điêu khắc của ông đã đạt được nhiều thành tựu ở nhiều chất liệu khác nhau.
Sáng tạo của Đào Châu Hải cũng trải qua nhiều khuynh hướng, từ hiện thực và biểu hiện – cho tới xu hướng trừu tượng hình học, rồi nghệ thuật ý niệm. Trong bối cảnh nghệ thuật điêu khắc Việt Nam hiện nay, ông là người tiên phong và có nhiều cách tân trong điêu khắc kim loại.
Giải pháp tạo hình của Đào Châu Hải được xem là dựa trên phương pháp “giải cấu trúc” (deconstruction). Chính sự lặp lại không ngừng của các cạnh mỏng và sắc, gợi thấy sự nguy hiểm và bạo lực ngoài những ấn tượng về sóng biển đại dương.
“Giai điệu Biển Đông” theo tôi đáp ứng rất nhuần nhuyễn được hai điều kiện khắt khe. Nó tạo ra cảm giác đầy kịch tính giữa buông bỏ và nhức nhối, giữa thăng hoa và khổ nhục, giữa thiên đàng và địa ngục. Tác phẩm đã nói lên rất đầy đủ câu chuyện của Biển Đông. Lúc thì phẳng lặng như tờ, lúc thì ầm ầm sóng gió. Một tài nguyên vô tận, nhưng cũng là một mối đe dọa bất ngờ”, nhà phê bình Trần Đán cho hay.
Triển lãm tranh của Xèo Chu (đứng giữa) trong dịp Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng Anh - Elizabeth II lên ngôi. |
Dấu ấn nghệ thuật Việt
“Chọn một chủ đề gai góc vạch trần tàn dư của chế độ thực dân, quy tụ thành viên từ các nước từng là nạn nhân của thực dân… là dịp để nghệ sĩ Việt Nam thi thố tài – khẳng định tầm vóc. Một tin đáng mừng là trong số 7 tác phẩm được bình chọn hay nhất, gần một nửa là từ các nghệ sĩ Việt Nam. “Đem chuông đi đánh xứ người”, các nghệ sĩ Việt đã thực sự để lại những thanh âm vang vọng về nghệ thuật đương đại” - Nhà phê bình Trần Đán.
Berlin Biennale 2022 cũng chú ý đến diễn đạt hình thể “trồng cây chuối” của nghệ sĩ Ngô Thành Bắc. Nghệ sĩ này hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội và là một trong những thành viên của nhóm Phụ Lục – nhóm nghệ sĩ trình diễn sử dụng các dụng cụ thường nhật để biểu thị hành vi lặp đi lặp lại, thậm chí vô lý.
Bên cạnh đó, Tammy Nguyễn tập hợp 14 bức tranh nói về chặng đường khổ nạn của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, những bức tranh được đặt trong bối cảnh hòn đảo Pulau Galang (Indonesia). Tác phẩm toát lên sự cô độc của Chúa Giêsu trong một môi trường xa lạ, nhiệt đới chứ không phải sa mạc trong Thánh Kinh.
Còn Mai Nguyễn - Long (hiện làm việc từ Úc) lại có sắp đặt tựa đề “Mẫu vật”. Đó là những vật phẩm chứa trong chai lọ, biểu tượng cho ngăn ký ức dùng để chứa những mảnh căn tính của tác giả. Tuy nhiên, các búp bê gợi hình quái thai do chất độc da cam thì chưa gây được cảm giác đau đớn thực sự so với thực tế.
Tuấn Andrew Nguyễn có 2 tác phẩm video. “Nỗi ám ảnh tiền nhân tái hiện” được phóng chiếu trên 4 màn hình phác họa cuộc sống của 3 gia đình gốc Senegal - châu Phi. Họ từng là lính Lê dương cho Pháp, kẻ đem vợ con Việt về nước sau cuộc chiến, người chỉ đem con theo, không biết quê hương mình là đâu.
Theo nhà phê bình Trần Đán, bộ phim này ăn khít với chủ đề chung của cuộc triển lãm, quy trình “giải thực dân” mà mỗi dân tộc, cộng đồng, thậm chí mỗi cá nhân phải tìm ra cho mình. Phim vô cùng cảm động, khến nhiều khán giả Đức phải sụt sùi.
Ở video thứ 2, nghệ sĩ nhập vai con tê giác trên đường bị diệt chủng, và cụ rùa Hồ Gươm - để tranh luận, có nên chống lại hay hợp tác với loài người trước sự tàn phá môi trường do họ gây ra. Ẩn ý của tác giả rất rõ, con người là một loại “thực dân mới” đối với môi sinh của chính mình.
Ngoài Berlin Biennale 2022, thời gian vừa qua, nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã có những triển lãm thu hút công chúng quốc tế. Hồi tháng 4, trong khuôn khổ “Những ngày Việt Nam tại Vương quốc Anh”, “thần đồng” hội họa Xèo Chu trưng bày 40 tác phẩm tại Phòng tranh D Contemporary (London, Anh). Trong thời gian này, Vũ Bình Minh cũng đem 12 tác phẩm điêu khắc tới Đài Loan tham gia Art Solo 2022.