Bốn gương mặt nhà giáo tiêu biểu đoạt giải thưởng giáo viên toàn cầu

GD&TĐ - “Người thầy giáo giỏi là người tạo cảm hứng và đổi mới cuộc sống không những của học sinh mà còn của mọi người xung quanh. Công việc của các bạn là tấm gương cho các giáo viên trên thế giới” - Hoàng tử William phát biểu như vậy trước những người lọt vào vòng chung khảo giải thưởng Giáo viên toàn cầu (Global teacher prize). Đây là giải thưởng quốc tế dành cho giáo viên, được gọi là “Giải Nobel dành cho giáo viên”.

Nancie Atwell (Mỹ)
Nancie Atwell (Mỹ)

Giải do nhà tỷ phú gốc Ấn Sunny Varkey cùng với tổ chức từ thiện Varkey Foundation thành lập để nâng cao uy tín của nghề nhà giáo. Varkey phụ trách Công ty GEMS Education, bao gồm hơn 100 trường phổ thông từ Ấn Độ đến châu Âu.

Trong số giáo viên trên toàn thế giới, ban giám khảo chọn ra những người xây dựng được “những phương pháp giảng dạy có tính mới” và có ảnh hưởng không những tới học sinh của mình mà toàn xã hội. Năm ngoái, các giáo viên từ Anh, Pakistan, Kenya, Mỹ, Nhật Bản, Phần Lan, Úc và Ấn Độ đã lọt vào vòng chung khảo.

Người đoạt giải Global teacher prize được nhận 1 triệu USD với điều kiện sau đó phải tiếp tục dạy tại chính ngôi trường của mình không dưới 5 năm. Sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 4 gương mặt đã đoạt giải thưởng Giáo viên toàn cầu qua các năm 2015, 2016, 2017, 2018.

Nancie Atwell (Mỹ)

Nancie Atwell mê đọc sách và mơ ước dạy tiếng Anh và Văn học cho trẻ em. Bà dạy học tại một trường phổ thông ở phía Tây New York với hy vọng học sinh của mình cũng thích đọc sách ít ra là như bà. Nhưng điều đó đã không diễn ra: Các học sinh lớp 8 thờ ơ với chương trình học tập, còn “phương pháp tác giả” không phát huy tác dụng. Thế rồi Nancie quyết định chuyển đến thị trấn nhỏ Edgecumbe, bang Maine, và thành lập trung tâm giáo dục của mình Center for Teaching and Learning. Tại đây, bà rút ra kết luận đơn giản: Trẻ em tự biết mình thích đọc gì, không nên áp đặt các em, bắt buộc và kiểm tra kiến thức của các em bằng những bài kiểm tra vô tận. Theo Atwell, vì những yêu cầu mới người giáo viên hiện nay đã biến thành những cái máy đẩy học sinh vào các bài trắc nghiệm.

Tại Center for Teaching and Learning, có gần 80 học sinh theo học, từ lớp 1 đến lớp 8. Ngôi trường phổ thông này không giống các ngôi trường khác ở Mỹ: Bài tập trắc nghiệm ở đây bị cấm, lớp học ít hơn bình thường và mỗi lớp có một tủ sách. Thay cho các bài kiểm tra học sinh tự sáng chế và làm thí nghiệm một cái gì đấy. Trong trường, học sinh tổ chức kỷ niệm tất cả các ngày lễ tôn giáo và thế tục trên thế giới – từ Tết của Trung Quốc đến tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. Bằng cách đó, học sinh mở rộng biên độ văn hóa của mình. Mỗi học sinh đọc 40 cuốn sách/năm (thậm chí có cả danh mục những cuốn sách mà học sinh lớp 7 và lớp 8 khuyên tất cả mọi người đọc). Trường học của Atwell trở thành tấm gương cho trường phổ thông Mỹ kiểu mới, còn bản thân Nancie Atwell đã viết 9 cuốn sách dành cho giáo viên.

Hanan Alhroub (Palestine)

Hanan Alhroub sinh ra tại một trại tỵ nạn dành cho người Palestine ở Bethlehem. Do hoàn cảnh chiến tranh chị không có điều kiện học nghề phiên dịch như là mơ ước. Rồi chị lấy chồng và sinh được 5 người con. Một lần, ô tô của Omar, chồng chị, chở các con bị pháo kích tại biên giới. Rất may, các con của họ không bị thương vong gì, nhưng lại bị sốc rất mạnh và bị chấn thương tâm lý. Cả Hanan lẫn Omar đều không biết làm thế nào đưa các con trở lại cuộc sống bình thường, mà nhà trường cũng không giúp được gì.

Để giúp đỡ các con giữ được sự hồn nhiên ngay cả trong chiến tranh (hàng ngày các em nhìn thấy bạo lực ngay trên đường phố), Hanan quyết định trở thành giáo viên.

Khẩu hiệu của chị ở trường là “nói không với bạo lực”. Chị giúp đỡ học sinh xóa bỏ sự thù hận, vượt qua chấn thương tâm lý, nếu như các em đã gặp phải. Hanan đội tóc giả và đeo mũi đỏ để chỉ cho các em thấy thế giới thực sự an toàn và nhân hậu. Còn số tiền nhận được từ giải thưởng chị dành để đầu tư xây dựng một học viện cho giáo viên.

Maggie MacDonnell (Canada)

Thông thường các giáo viên không làm việc ở Bắc cực quá 6 tháng. Cứ nửa năm lại có một giáo viên nào đó rời khỏi ngôi trường phổ thông địa phương mình đến làng Salluit của người Inuit (dân bản xứ) ở cực Bắc tỉnh Québec. Chỉ có thể đến làng bằng đường hàng không, mùa đông nhiệt độ ở đây xuống dưới -25 độ C. Cư dân địa phương rất khó tìm việc làm, vì vậy làng có nhiều gia đình nghiện rượu, ma túy.

Từ tỉnh Nova Scotia, MacDonnell đến làng Salluit dạy học đã 7 năm nay. Hồi còn nhỏ, bố đã dạy Maggie phải tôn trọng người dân bản xứ vì chính họ, các cư dân của Nova Scotia, là những vị khách trên mảnh đất của người Inuit.

MacDonnell nhớ lại những lời dạy của bố tại lễ trao giải Global teacher prize mà chị được nhận vì đã góp phần làm cho cuộc sống của những đứa trẻ ở làng trở nên tốt đẹp hơn nhiều và vượt ra ngoài phạm vi của nhà trường.

Maggie đã dùng một phần tiền thưởng của chị để dạy các bạn trẻ người Inuit chèo thuyền thoi, một hoạt động truyền thống của dân tộc này hầu như đã bị lãng quên.

Chị còn đưa học sinh và các đồng nghiệp của mình tới Toronto tham dự liên hoan phim tài liệu “Salluit Run Club” xem bộ phim về câu lạc bộ do chính chị thành lập để ủng hộ người dân Inuit. Tại đây chị đã tổ chức cuộc hội thảo về hoàn cảnh của người dân Inuit, còn học sinh của chị đích thân trao đổi vấn đề với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Andria Zafirakou (Anh)

Học tập tại Trường Phổ thông Alperton thuộc một trong những quận nghèo nhất London là con em của những người nhập cư. Điều kiện sống của họ hết sức tồi tàn: 7 gia đình dùng chung một phòng tắm và nhà bếp. Đã 12 năm nay, Andria Zafirakou làm giáo viên dạy vẽ ở Trường Alperton. Chị phải học thuộc những câu cơ bản bằng 35 thứ tiếng, kể cả tiếng Hindi, Gujarati, Tamil để giao tiếp với từng học sinh.

Andria đến thăm tất cả các gia đình người nhập cư, làm quen với họ và hiểu rằng ngôi trường nơi con em những người nhập cư học tập phải khác với ngôi trường bình thường. Chị nghĩ ra các tổ thể thao cho các nữ sinh xuất thân từ các gia đình bảo thủ, chị tổ chức các lớp học thêm vào những ngày nghỉ và các bữa ăn trưa miễn phí, thay thế một phần các môn học lý thuyết bằng môn học thực hành và xây dựng lại hoàn toàn chương trình dạy học. Ví dụ, chị bổ sung thêm các môn học sáng tạo mà theo chị có thể giúp các em học cách tư duy độc lập và tiếp thu được những kỹ năng xã hội cần thiết.

Có ý kiến cho rằng, trẻ em nhập cư khó thích nghi trong môi trường châu Âu hơn, nếu như nhà trường nhấn mạnh bản sắc văn hóa của các em. Zafirakou không nhất trí với điều đó: Chị cho rằng trước hết cần giới thiệu với các em nền văn hóa của đất nước mình. “Hãy giúp các em khám phá bản sắc văn hóa và lịch sử của các em. Hãy chỉ cho các em biết các em là ai và điều đó sẽ khơi dậy ở các em lòng tự hào dân tộc” -Zafirakou nói.
Theo báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ