Năm học 2023 - 2024, Chương trình GDPT 2018 triển khai đến lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Để giảng dạy chương trình mới ổn định, thành công, yếu tố đội ngũ đóng vai trò quan trọng. Tại Nghệ An, việc bồi dưỡng tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà được ngành Giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương và triển khai kịp lộ trình.
Giáo viên thích ứng
Cô Lê Thị Thúy Kiều năm học này được giao phụ trách lớp 4A2, Trường Tiểu học Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An). Đây là ngôi trường đóng tại xã đặc biệt khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 90%. Đặc biệt, trường có hơn 100 học sinh người dân tộc Đan Lai xã Môn Sơn sang tái định cư và sinh sống ở Thạch Ngàn.
Cô Thúy Kiều chia sẻ, lớp 3 lên 4, học sinh chuyển từ giai đoạn kiến thức đơn giản, dễ tiếp thu sang khó, nặng hơn. Lớp 4 học sách giáo khoa mới theo Chương trình GDPT 2018 chắc chắn có vất vả riêng.
“Bản thân được tập huấn đầy đủ, kỹ càng - yếu tố thuận lợi để triển khai dạy học. Tuy nhiên, thực tế giảng dạy trường vùng cao, phát sinh nhiều tình huống không có trong giáo trình, giáo án. Với đặc thù học sinh dân tộc thiểu số, tôi sẽ dạy học theo tinh thần chậm, chắc tùy thuộc mức độ nhận biết”.
Năm học 2023 - 2024, triển khai dạy học các môn tích hợp ở cấp THCS cũng nhận nhiều ý kiến, chia sẻ của giáo viên. Cô Nguyễn Thị Hiệp - giáo viên Trường THCS Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) với kinh nghiệm hơn 25 năm dạy Vật lý và tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi. Song, khi dạy môn Khoa học Tự nhiên theo Chương trình GDPT 2018, cô gặp không ít lúng túng.
“Tôi và đồng nghiệp tổ bộ môn gặp khó trong cách dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh để phù hợp chuyên môn giáo viên, điều kiện thực tế nhà trường, đạt mục tiêu môn học”, cô Hiệp nói.
Theo cô Hiệp, năm học trước, môn Khoa học Tự nhiên được trường tổ chức dạy học theo chuyên đề, nghĩa là hoàn thành xong phân môn này rồi tiếp tục dạy môn khác. Vậy nên có thời điểm cô dạy trên 25 tiết/tuần, dù quy định của giáo viên THCS chỉ 19 tiết/tuần. Nhưng có thời điểm cô lại không có tiết vì đến thời gian của phân môn khác.
Nhận thấy bất cập, nhà trường điều chỉnh, thay vì dạy theo chuyên đề thì bố trí độc lập từng môn. Nhưng cách này cũng không tối ưu. Ví dụ có bài học môn Vật lý bố trí tại chương 3, bài 8 nhưng liên quan đến kiến thức môn Sinh học ở chương 8 của sách Khoa học Tự nhiên.
Về công tác kiểm tra đánh giá, giáo viên trong tổ bộ môn cũng “ngồi lại với nhau nhiều lần”. Lần thứ nhất ra đề chung có sự liên kết cả 3 môn Vật lý - Hóa học - Sinh học nhưng khi chấm bài phải chia ra, rất vất vả. Lần 2 ra đề theo từng môn thì lúng túng khi vào điểm. Lần 3, tổ ra đề theo hình thức trắc nghiệm, giáo viên chỉ cần nhìn vào đáp án là có thể chấm điểm. Cách thức này thuận tiện cho giáo viên về mặt kỹ thuật, nhưng không biết bài làm của học sinh để chữa lỗi sai, không đánh giá được năng lực từng em.
Cô Nguyễn Thị Thúy Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Thủy chia sẻ thêm: “Mục đích của môn tích hợp nhằm tạo chuỗi logic, liên kết các môn. Những người biên soạn sách giáo khoa cũng cố gắng thực hiện mục tiêu này. Nhưng thực tế giảng dạy, giáo viên được đào tạo sư phạm từng môn độc lập. Vì thế, để dạy học tích hợp, cần bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên, dài hạn mới đáp ứng theo tinh thần môn học”.
Giáo viên phổ thông cốt cán tham gia bồi dưỡng theo Chương trình ETEP tại Trường ĐH Vinh. Ảnh: Hồ Lài |
Chủ động bồi dưỡng
Chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT 2018, từ thực trạng và nhu cầu đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, kế hoạch liên quan đến giáo viên theo lộ trình. Bao gồm lựa chọn đội ngũ cốt cán, tham gia các chương trình của Bộ GD&ĐT, triển khai bồi dưỡng đại trà trên hệ thống LMS và bồi dưỡng trực tiếp cho từng nhóm từ năm 2019 - 2024.
Bên cạnh bồi dưỡng giáo viên cốt cán theo Chương trình ETEP của Bộ GD&ĐT, năm 2019, Sở GD&ĐT Nghệ An xây dựng kế hoạch và tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đại trà. Kết quả 100% cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông tham gia và hoàn thành bồi dưỡng trên hệ thống, qua mạng theo Chương trình ETEP các mô-đun 1, 2, 3, 4, 5, 9. Cùng đó, Sở GD&ĐT Nghệ An tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương và phối hợp với cơ sở đào tạo tổ chức bồi dưỡng trực tiếp cho giáo viên theo lộ trình triển khai chương trình mới.
Kết quả, hơn một nghìn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị. Nghệ An còn chú trọng bồi dưỡng thêm chuyên đề: “Tăng cường năng lực tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn cho hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông”; hướng dẫn lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá, điều chỉnh giáo dục nhà trường; chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn thực hiện hoạt động học và giáo dục trong nhà trường.
Hơn 12 nghìn thầy cô dạy lớp 1, 2, 3, 4 (chiếm 61% giáo viên tiểu học); khoảng 10 nghìn giáo viên THCS (100% giáo viên THCS) đã tham gia bồi dưỡng; 5 nghìn giáo viên THPT và TTGDTX (100%) đang bồi dưỡng trực tiếp. Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Riêng với môn học mới (Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cấp THCS), quá trình dạy học còn nhiều vướng mắc, Sở GD&ĐT Nghệ An chuẩn bị bồi dưỡng cho giáo viên dạy học các môn này.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, bồi dưỡng dạy học môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý giúp giáo viên giải tỏa khó khăn, lúng túng trong thực tế. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào cách triển khai bài dạy tích hợp, kiểm tra, đánh giá phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng tinh thần, mục tiêu đề ra của môn học.
Trước mắt, để tạo điều kiện cho các nhà trường trong quá trình tổ chức dạy học, năm nay, sở có những điều chỉnh. Ví dụ, với môn Khoa học Tự nhiên, nhà trường có thể chủ động phân công giáo viên bảo đảm yêu cầu phù hợp năng lực chuyên môn; xây dựng kế hoạch, bố trí thời gian, thời điểm dạy học các mạch nội dung linh hoạt trong từng học kỳ. Những vướng mắc khác được sở tiếp thu và xin ý kiến giải đáp, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Thực hiện nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Vinh triển khai nhiều đợt bồi dưỡng các mô-đun thuộc Chương trình ETEP cho giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Cùng đó, chủ động phối hợp với Sở GD&ĐT Nghệ An xây dựng Chương trình bồi dưỡng giáo viên cốt cán, đại trà, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện Chương trình và sách giáo khoa mới. Nội dung tập trung vào đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phương thức kiểm tra, đánh giá. Đồng thời linh hoạt tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các huyện miền núi, vùng sâu xa; bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm và tổ trưởng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu.