Quan tâm tập huấn giáo viên giảng dạy Chương trình mới

GD&TĐ - Công tác tập huấn giáo viên sử dụng SGK và dạy học Chương trình mới được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Giáo viên Tiểu học tỉnh Tiền Giang tham gia tập huấn Chương trình, SGK mới.
Giáo viên Tiểu học tỉnh Tiền Giang tham gia tập huấn Chương trình, SGK mới.

Tạo điều kiện thuận lợi tập huấn SGK

Tập huấn giáo viên sử dụng SGK chương trình mới được ngành Giáo dục các địa phương xác định là khâu then chốt. Hiện các thầy cô giáo giảng dạy chương trình, SGK mới lớp 4, 8 và lớp 11 nhập cuộc một cách nhanh chóng, triển khai dạy học đạt hiệu quả.

Theo chia sẻ của thầy cô giáo, thời điểm tháng 7 và tháng 8/2023, thông qua bản in mẫu hoặc bản mềm SGK, cán bộ, giáo viên được tìm hiểu và thống nhất lựa chọn sách. Sau đó được tham gia bồi dưỡng, tập huấn sử dụng SGK mới.

Các nhà xuất bản đã chuẩn bị đầy đủ, đa dạng nguồn tài liệu, dữ liệu cho SGK của tất cả các môn học/hoạt động giáo dục phục vụ công tác bồi dưỡng, gồm: Phiên bản điện tử SGK, sách giáo viên; Tài liệu tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK; Các video và slide giới thiệu SGK…

Ngành Giáo dục các địa phương yêu cầu 100% giáo viên dạy SGK mới phải được tập huấn, quá trình tập huấn có thể linh hoạt giữa trực tuyến và trực tiếp, tùy vào điều kiện thực tế. Tuy nhiên, phải đảm bảo sự trao đổi hai chiều, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát.

Trao đổi về công tác tập huấn SGK mới, thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh) cho biết: Tất cả các tài liệu, dữ liệu phục vụ cho tập huấn SGK mới được số hóa, đăng tải để giáo viên truy cập sử dụng miễn phí và được cập nhật thường xuyên trên website. Bằng cách truy cập vào website, không cần tài khoản đăng nhập, thông qua các tài liệu, dữ liệu này, cán bộ quản lý, giáo viên, các địa phương có thể chủ động tự tìm hiểu, nghiên cứu về SGK, phương pháp dạy học theo SGK các môn học…

Tại tỉnh Trà Vinh, giáo viên dạy bộ môn chương trình mới đã được tham gia hội thảo, tập huấn trực tiếp. Thông qua tập huấn, giáo viên được hướng dẫn, làm rõ những nội dung giảng dạy mới, đáng lưu ý của các bộ sách; phân phối chương trình của tổ chuyên môn, hướng dẫn xây dựng kế hoạch của tổ; hướng dẫn kế hoạch bài dạy; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Qua đó nhấn mạnh công tác đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT, đánh giá bằng nhận xét trong đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học...

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, thông qua tập huấn, cán bộ, giáo viên được tìm hiểu tổng quan về chương trình và dạy học phát triển phẩm chất, năng lực; Hướng dẫn giáo viên khai thác SGK, sách giáo viên và nguồn học liệu số. Ngoài ra, giáo viên được trao đổi, thảo luận với báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, những giải pháp thiết thực để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác giảng dạy…

Công tác tập huấn giáo viên sử dụng SGK được các địa phương đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Cán bộ, giáo viên tỉnh Tiền Giang nghiên cứu SGK môn Tiếng Anh.
Công tác tập huấn giáo viên sử dụng SGK được các địa phương đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Cán bộ, giáo viên tỉnh Tiền Giang nghiên cứu SGK môn Tiếng Anh.

Hỗ trợ, giám sát chặt chẽ

Từ thời điểm hè 2023, ngành Giáo dục tỉnh Bến Tre khẩn trương tập huấn tăng cường năng lực sử dụng SGK cho giáo viên. Đặc biệt là giáo viên giảng dạy lớp 8 và lớp 11 năm học 2023 - 2024 và tổ trưởng/nhóm trưởng chuyên môn và cán bộ quản lý của các trường THCS và THPT.

Theo Sở GD&ĐT Bến Tre, hình thức tập huấn, bồi dưỡng gồm: Bồi dưỡng, tập huấn bằng hình thức trực tuyến tương ứng với các môn học/hoạt động giáo dục đối với từng bộ SGK. Giáo viên, cán bộ quản lý tham gia bồi dưỡng trực tuyến (sử dụng phần mềm phòng họp Zoom) tại các điểm cầu của các đơn vị (mỗi trường là một điểm cầu). Ngành Giáo dục tỉnh Bến Tre cũng thành lập các tổ hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc bồi dưỡng của giáo viên, cán bộ quản lý.

Giáo viên Tiểu học, THCS, THPT tỉnh Sóc Trăng cũng đã được tập huấn dạy SGK chương trình mới. Thông qua tập huấn, cán bộ quản lý, giáo viên được nghe tổng chủ biên, chủ biên, tác giả triển khai những giá trị cốt lõi của bộ sách, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá… Đồng thời, cán bộ, giáo viên còn được trao đổi trực tiếp với tổng chủ biên, chủ biên, tác giả của bộ sách để được giải đáp các thắc mắc xung quanh nội dung tập huấn...

Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, tập huấn dạy SGK là đợt sinh hoạt chuyên môn rất quan trọng, qua đó giúp cho các thầy, cô hiểu rõ hơn về Chương trình Giáo dục phổ thông mới, hiểu rõ hơn mục đích, yêu cầu cần đạt, cũng như cấu trúc của bộ sách khi sử dụng để đảm bảo kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng triển khai dạy học theo chương trình, SGK mới…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ