Áp dụng công nghệ tự tin giảng dạy theo Chương trình mới

GD&TĐ - Năm học này, các nhà trường đã có nhiều giải pháp để giáo viên có thể tự tin đứng lớp giảng dạy, nhất là các khối thực hiện theo chương trình mới.

Học sinh lớp 8 Trường THCS Liên Ninh trong giờ học môn tích hợp Khoa học tự nhiên.
Học sinh lớp 8 Trường THCS Liên Ninh trong giờ học môn tích hợp Khoa học tự nhiên.

Cần lộ trình để dạy tốt môn tích hợp

Năm học 2023-2024, Trường THCS Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội) có tổng số gần 1.300 học sinh. Lãnh đạo nhà trường cho biết, do là năm thứ 3 triển khai chương trình SGK mới nên đơn vị rất chú trọng khâu tập huấn cho giáo viên, kể cả trong hè.

Toàn trường hiện có tổng số 72 cán bộ, giáo viên, nhân viên đều đã được tập huấn chương trình SGK mới theo lịch của Phòng GD&ĐT Thanh Trì, Sở GD&ĐT Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Nhờ đó, thầy cô nắm được phương pháp giảng dạy phù hợp ở từng bộ môn.

Học sinh hào hứng tham gia trả lời câu hỏi của cô giáo trên lớp.

Học sinh hào hứng tham gia trả lời câu hỏi của cô giáo trên lớp.

Năm nay, trường tăng thêm 3 lớp, tuyển mới 5 giáo viên ở các môn Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh, Toán, Ngữ văn. Số lượng giáo viên Tin học là 2 người. Cơ cấu giáo viên các bộ môn cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu giảng dạy.

Với môn tích hợp Khoa học tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh), Trường THCS Liên Ninh cho thầy cô dạy theo mạch kiến thức phù hợp với năng lực của từng giáo viên. Giáo viên nào được đào tạo phù hợp với mạch nội dung nào thì đảm nhiệm dạy nội dung đó.

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy – giáo viên môn Khoa học tự nhiên lớp 8 tại trường chia sẻ, cô đảm nhiệm dạy mạch kiến thức nội dung Hóa học. Khi giáo viên có chuyên môn sâu ở từng mạch kiến thức dạy sẽ tự tin hơn và giải thích tốt hơn cho học sinh, các em sẽ thêm hứng thú.

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy và học sinh trong giờ học môn Khoa học tự nhiên lớp 8.

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy và học sinh trong giờ học môn Khoa học tự nhiên lớp 8.

Với các phân môn Lý và Sinh, cô Thủy cũng đã nghiên cứu và được cấp chứng chỉ. Các câu hỏi của học sinh cô vẫn có thể trả lời, nhưng để chuyên sâu thì vẫn cần thêm thời gian tìm hiểu.

Bên cạnh đó, nhà trường vẫn tổ chức bồi dưỡng hàng tuần giúp giáo viên dạy môn tích hợp tiếp cận dần dần để đảm bảo các mạch kiến thức. Trường cũng cử giáo viên đi học tại Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội để củng cố, nâng cao kỹ năng dạy môn tích hợp.

"Theo lịch, một tuần sẽ có 4 tiết Khoa học tự nhiên. Với phân môn Hóa học, các em được học cách sử dụng thiết bị và giữ an toàn trong phòng thí nghiệm. Các thí nghiệm phải được làm thực tế, giáo viên có thể dùng máy chiếu và thí nghiệm thật để học sinh được thực hành. Cô trò cùng tự tin tiếp cận dần với môn tích hợp", cô Thủy nói.

Áp dụng công nghệ vào giảng dạy

Tại mỗi lớp của Trường Tiểu học Ngũ Hiệp đều được trang bị máy chiếu đầy đủ.
Tại mỗi lớp của Trường Tiểu học Ngũ Hiệp đều được trang bị máy chiếu đầy đủ.

Là năm đầu tiên triển khai dạy chương trình mới với lớp 4, Trường Tiểu học Ngũ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) đã cử cán bộ, giáo viên dự tập huấn chuyên môn từ sớm. Năm nay, nhà trường bố trí đủ giáo viên dạy SGK lớp 4 ở các môn. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ được trang bị tới từng lớp.

Mỗi chương trình có những ưu điểm khác nhau. Chương trình mới có nhiều ưu điểm nhằm phát triển năng lực tư duy của học sinh. Các em tự tin hơn và thiên về cách thể hiện năng lực cá nhân ở từng môn học.

Công tác tại Trường Tiểu học Ngũ Hiệp hơn 20 năm, cô Trần Tú Quyên đã trải qua 3 lần thay sách. Cô cho rằng, học sinh học chương trình GDPT 2018 có thể phát triển toàn diện về năng lực phẩm chất và học được nhiều kiến thức thực tiễn.

Cô Trần Tú Quyên trong giờ giảng bài trên lớp cho học sinh.

Cô Trần Tú Quyên trong giờ giảng bài trên lớp cho học sinh.

Đặc biệt, công nghệ là một trong các công cụ được giáo viên tận dụng hữu hiệu trong giảng dạy. Điều này giúp bài học trở nên sinh động, cụ thể và hấp dẫn học sinh hơn. Các cô tự làm bài giảng điện tử, nếu gặp khó khăn gì sẽ có người trợ giúp.

"Không chỉ bây giờ giáo viên mới áp dụng công nghệ vào giảng dạy, thực tế đã áp dụng hàng chục năm nay ngay cả với chương trình GDPT 2006. Để xây dựng được 1 bài giảng điện tử chất lượng đòi hỏi giáo viên phải đầu tư thời gian, công sức và tâm huyết", cô Quyên tâm sự.

Thời gian này, học sinh tới trường còn khá bỡ ngỡ, thầy cô vừa giảng dạy kiến thức vừa phải rèn các em vào nền nếp. Chương trình lớp 4 mới có nhiều điểm khác nên giáo viên cần nghiên cứu bài vở, nắm bắt được mạch kiến thức để đảm bảo chất lượng giờ dạy.

Giờ học Ngữ văn của cô Trần Thị Thanh Hương với học sinh lớp 8A1 với sự hỗ trợ của công nghệ.

Giờ học Ngữ văn của cô Trần Thị Thanh Hương với học sinh lớp 8A1 với sự hỗ trợ của công nghệ.

Cô Trần Thị Thanh Hương – giáo viên Ngữ văn 8 tại Trường THCS Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, với chương trình SGK mới, học sinh được đọc tiếp cận đa dạng các loại văn bản ngoài SGK. Mức độ hợp tác của học sinh cũng tốt hơn do các em được tự tìm hiểu nhiều nội dung và trao đổi với thầy cô.

Phương pháp dạy học cũng theo hướng mới. Hơn nữa, học sinh được học theo đặc trưng thể loại của văn bản; nắm được cách đọc hiểu, kể cả các văn bản khác ngoài SGK. Nhờ đó, các em hình thành kỹ năng viết và vận dụng được các phương pháp làm bài phù hợp.

Theo cô Hương, việc giao học sinh tự tìm hiểu trước kiến thức ở nhà rất quan trọng. Cô giáo cũng có nhiều phương pháp đa dạng trên lớp như chơi trò chơi, thảo luận nhóm hay các dạng phiếu có câu hỏi, hình ảnh đảm bảo sự phong phú.

Nhờ công nghệ nên học sinh cuốn hút vào bài giảng của cô giáo hơn.

Nhờ công nghệ nên học sinh cuốn hút vào bài giảng của cô giáo hơn.

Ví dụ, với tác phẩm "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" của Nguyễn Huy Tưởng, học sinh phải đọc trước ở nhà về thể loại truyện lịch sử. Đồng thời, cô giao các em khi ở nhà chốt nội dung của tác phẩm bằng các bức tranh gồm những nội dung chính. Lên lớp cô trò sẽ cùng trao đổi để tìm hiểu kỹ về bài học qua màn hình máy chiếu để đạt hiệu quả cao nhất - Cô Trần Thị Thanh Hương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.