Hà Nội nâng cao chất lượng dạy học chương trình mới cấp THCS

GD&TĐ - Thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục đào tạo Hà Nội trong năm học 2023-2024.

Thầy trò Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong giờ học.
Thầy trò Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong giờ học.

Ngày 18/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai năm học 2023-2024 cấp THCS. Năm thứ 3 triển khai chương trình GDPT 2018 đối với cấp THCS, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường thực hiện tốt một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Cụ thể, đối với môn Khoa học tự nhiên: Phân công giáo viên dạy học theo các mạch nội dung của chương trình môn học bảo đảm yêu cầu phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Xây dựng phân phối chương trình trong đó bố trí thời gian, thời điểm dạy học các mạch nội dung linh hoạt trong từng học kì phù hợp với việc phân công giáo viên, bảo đảm tính khoa học, sư phạm và khả năng thực hiện của giáo viên.

Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp: Ưu tiên phân công giáo viên đảm nhận các nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên; giáo viên đảm nhận nội dung nào được thể hiện trên kế hoạch giáo dục và được tính giờ thực hiện đối với nội dung đó theo phân phối chương trình (không trùng với nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành).

Xây dựng kế hoạch giáo dục trong đó xác định cụ thể nội dung hoạt động và thời lượng thực hiện theo từng loại hình hoạt động quy định trong chương trình; linh hoạt thời lượng dành cho các loại hình hoạt động với quy mô tổ chức khác nhau giữa các tuần; phân định rõ thời lượng dành cho hoạt động chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp và các hoạt động giáo dục tập thể khác của nhà trường bảo đảm không trùng với thời lượng thực hiện các nội dung theo chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chủ trì hội nghị.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chủ trì hội nghị.

Đối với nội dung giáo dục của địa phương của Hà Nội: Ưu tiên phân công giáo viên đảm nhận các nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên. Xây dựng kế hoạch dạy học các chủ đề/bài học phù hợp với kế hoạch dạy học các môn học có nội dung liên quan tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.

Đối với môn Lịch sử và Địa lí: Căn cứ tình hình giáo viên của nhà trường, Hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Phòng GDĐT và các nhà trường, cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.

Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo từng phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, mỗi phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kì. Đối với các chủ đề chung, Hiệu trưởng phân công giáo viên có năng lực chuyên môn phù hợp để dạy học chủ đề chung.

Môn Nghệ thuật gồm 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật. Việc tổ chức dạy học cần lưu ý phân công bố trí dạy học đồng thời các nội dung bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kỳ. Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với điều kiện của nhà trường và kế hoạch giáo dục của giáo viên.

Theo báo cáo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022-2023, cấp THCS trên địa bàn thành phố có có 662 trường, 13.876 lớp, 544.334 học sinh với 20.668 giáo viên. Thực hiện kế hoạch năm học, 100% các đơn vị, trường học đã chủ động rà soát, sắp xếp lại chương trình, kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, tổ chức dạy học cho học sinh các khối lớp, đảm bảo khoa học, chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ