Nâng cao năng lực cho giáo viên
Báo cáo tại cuộc họp, Trưởng ban Đề án Ngoại ngữ quốc gia Nguyễn Thị Mai Hữu cho hay: Năm 2021, đã có 523/2.188 (đạt 23,9%) giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ; trong đó có 370 giáo viên thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và 153 giáo viên thi bài thi IELTS. Số lượng nâng được 1 bậc là 118 giáo viên.
Ngoài ra, có hơn 8.300 trên tổng số hơn 8.400 giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm (đạt 99%); trong đó số lượng giáo viên thi đạt là trên 8.200 (đạt 98,8%).
Về hình thức đánh giá, bà Nguyễn Thị Mai Hữu cho biết: Học viên bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ được đánh giá năng lực ngoại ngữ cuối khóa bằng hình thức thi trên máy tính; đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cuối khóa không trùng với đơn vị tổ chức bồi dưỡng. Với các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm, hình thức đánh giá cuối khóa gồm: Bài thi trực tuyến, bài tập dự án/bài tập thực địa.
Là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên Ngoại ngữ; năm qua, Trường ĐH Cần Thơ đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao; trong đó có bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm. GS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đã tổ chức thành công 32 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm và 11 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ.
Kết quả các lớp bồi dưỡng được các địa phương, cơ sở giáo dục ghi nhận. Các khoá bồi dưỡng rất hữu ích cho giáo viên khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Đến thời điểm này, các học viên đã ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn giảng dạy và trong công việc” – GS.TS Hà Thanh Toàn chia sẻ.
Có cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên tham gia, bồi dưỡng
TS Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên rất quan trọng; trong đó có một số bộ môn như: Ngoại ngữ, Tin học đang thiếu giáo viên.
Do đó, phía Đề án Ngoại ngữ quốc gia cần tăng cường phối hợp với các đơn vị để công tác bồi dưỡng đạt kết quả, chất lượng cao. Các đơn vị được giao bồi dưỡng cần tiếp tục đổi mới hình thức, phương thức bồi dưỡng. Có thể tham khảo mô hình bồi dưỡng của Chương trình ETEP theo công thức 5-3-7 hoặc 7-2-7.
Theo TS Phạm Tuấn Anh, công tác bồi dưỡng nên tập trung vào dịp hè. Sở GD&ĐT các địa phương cần tạo điều kiện tối đa để giáo viên tham gia bồi dưỡng. Ngoài ra, có thể vận dụng để có chế độ, chính sách hỗ trợ giáo viên khi tham gia, bồi dưỡng. Để hỗ trợ giáo viên học tập, nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi, cần triển khai thực hiện giải pháp số hoá tài liệu.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay: Bộ đã xây dựng 9 mô-đun để tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên ngoại ngữ dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tất cả giáo viên phải được tập huấn, bồi dưỡng thì mới đứng lớp.
Theo Thứ trưởng, năm 2021, việc ban hành các văn bản chỉ đạo để bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên ngoại ngữ đã được thực hiện kịp thời. Đây là cơ sở pháp lý để các đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả. Do đó, cần phát huy trong thời gian tới.
Ngoài ra, công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng được thực hiện chuyên nghiệp, chất lượng cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các đơn vị bồi dưỡng và các địa phương khá nhịp nhàng, chặt chẽ.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng lưu ý: Cần xác định hoạt động bồi dưỡng giáo viên là cơ hội cho việc nâng cao chất lượng dạy học, góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, việc bồi dưỡng cần hướng tới chất lượng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đặt mục tiêu là chất lượng.
Bên cạnh đó, việc biên soạn tài liệu, học liệu phải bảo đảm tốt nhất có thể. Việc lựa chọn đội ngũ giảng viên trực tiếp tham gia bồi dưỡng, tập huấn cần dựa trên tiêu chí: Giỏi, tâm huyết và trách nhiệm. Việc bồi dưỡng phải đổi mới, hấp dẫn; qua đó đánh thức tiềm năng và động lực cho người học.
Để bảo đảm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đạt chất lượng, cần phân loại và khảo sát đầu vào. Trong quá trình tổ chức, có thể khuyến khích tổ chức theo mô hình 5-3-7 hoặc 7-2-7 mà Chương trình ETEP đã triển khai thực hiện. Đây là quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng, quá trình học thành tự học.
Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị bồi dưỡng và cơ sở. Các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên tham gia bồi dưỡng. Đồng thời, chủ động rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng.