Bồi dưỡng giáo viên: Thay đổi linh hoạt ngữ liệu để phù hợp với học sinh dân tộc

GD&TĐ - Để học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) bắt nhịp với Chương trình GDPT 2018, cán bộ giáo viên khu vực Tây Nguyên đã và đang nỗ lực trau dồi, bồi dưỡng kiến thức.

Học sinh tiểu học ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) trong giờ ngoại khoá.
Học sinh tiểu học ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) trong giờ ngoại khoá.

Bên cạnh đó, thầy cô linh hoạt thay đổi ngữ liệu để giúp các em có thể tiếp thu hiệu quả nhất.

Thay đổi linh hoạt

Cô Tôn Thị Anh Thư, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Trần Hưng Đạo (TP Kon Tum, Kon Tum) đã tham gia bồi dưỡng 3 mô-đun theo mô hình bồi dưỡng mới của Bộ GD&ĐT thông qua Chương trình ETEP. Theo cô Thư, việc bồi dưỡng cho giáo viên luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu. Nhà trường cũng xây dựng các chuyên đề để tập huấn trực tiếp cho giáo viên thông qua các tiết dạy. Qua đó, lựa chọn những nội dung trọng tâm để sinh hoạt chuyên môn như: Nghiên cứu bài học, kĩ thuật dự giờ, chia sẻ tiết dạy… nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên.

Cô Thư cho hay: Giáo viên của trường tham gia bồi dưỡng thuận lợi khi có nhiều nguồn tài liệu trực tuyến có thể khai thác. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để thay thế bớt trang thiết bị dạy học.

“Đơn vị luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để giáo viên bồi dưỡng các mô-đun trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến. Qua đó, góp phần phát triển năng lực dạy học, giáo dục của giáo viên, đáp ứng Chương trình GDPT 2018”, cô Thư chia sẻ.

Cô Nguyễn Dương Qúy, giáo viên Trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) cho biết: Để nâng cao chất lượng dạy và học, bên cạnh việc bồi dưỡng, giáo viên dành thời gian tự bồi dưỡng. Trong quá trình bồi dưỡng, giáo viên được giải đáp nhiều thắc mắc. Qua đó, học được nhiều hình thức và phương pháp dạy học mới, rất cần thiết và phù hợp với học sinh vùng DTTS.

“Do trường chủ yếu là học sinh DTTS còn nhiều khó khăn, thiếu thốn theo học. Chính vì vậy, bản thân tôi thường xuyên tìm đọc, nghiên cứu phương pháp, hình thức dạy học mới. Bên cạnh đó, tìm hiểu những cuốn sách để phát triển tư duy và kĩ năng cho học sinh. Từ đó, linh hoạt thay đổi trong quá trình giảng dạy để các em tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Đồng thời cũng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp để nâng cao năng lực của bản thân”, cô Quý tâm sự.

Giáo viên Trường Tiểu học Ea Hiao (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) tham gia bồi dưỡng trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Giáo viên Trường Tiểu học Ea Hiao (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) tham gia bồi dưỡng trước khi dịch Covid-19 bùng phát. 

Trường học là điểm cầu bồi dưỡng trực tuyến

Thầy Hà Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long, Đắk Nông) chia sẻ: Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 31 cán bộ, giáo viên. Trong đó có 25 giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho 875 em học sinh DTTS chiếm trên 90%.

Trường Tiểu học La Văn Cầu là một trong những ngôi trường ở huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông nên còn một số hạn chế khi áp dụng CNTT vào dạy học. Theo đó, mạng Internet còn chập chờn, gây khó khăn trong quá trình bồi dưỡng và hỗ trợ công tác giảng dạy. Dù vậy, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để giáo viên tham gia bồi dưỡng trực tuyến.

Ngoài ra, phần lớn học sinh là người DTTS nhưng một số giáo viên không rành tiếng địa phương nên rất khó khăn khi truyền đạt, giảng dạy cho các em. Chính vì vậy, giáo viên phải tự rèn luyện để có thể tiếp cận, chia sẻ với phụ huynh và học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Tuy còn nhiều hạn chế, song 100% giáo viên nhà trường đã hoàn thành bồi dưỡng 3 mô-đun: Tìm hiểu Chương trình GDPT 2018; Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

Thầy Phong nhận xét: Năng lực đội ngũ giáo viên của nhà trường tương đối tốt. Qua đó, đáp ứng được công tác dạy học và yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt trường ở vùng sâu, vùng xa, nhiều học sinh DTTS, giáo viên chủ động, linh hoạt thay đổi ngữ liệu phù hợp thực tế, tự bồi dưỡng để đáp ứng chương trình mới.

“Sau khi giáo viên được bồi dưỡng đã có nhiều tiến bộ, nắm bắt Chương trình GDPT mới để đáp ứng, nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt trường có nhiều học sinh DTTS, do đó giáo viên thường xuyên quan tâm đến gia đình, ngôn ngữ, phong tục tập quán của các em. Bên cạnh đó, gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh học sinh để thuận lợi trong quá trình giáo dục. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên mềm dẻo hơn, tập trung vào những em học sinh yếu kém, chưa rành tiếng Việt để nâng cao khả năng đọc và viết”, thầy Phong nói.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến, theo thầy Quách Đình Bảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Hiao (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk), nhà trường bố trí thiết bị kết nối Internet để giáo viên tập trung tại trường với số lượng phù hợp. Chính vì vậy, trường trở thành điểm cầu bồi dưỡng trực tuyến cho giáo viên, cán bộ quản lý. Từ đó, nhà trường có thể quản lý, giám sát trực tiếp và giáo viên cũng có thời gian thảo luận, giải đáp những khó khăn, vướng mắc. Ngoài thời gian bồi dưỡng tập trung, giáo viên có thể tập huấn, bồi dưỡng các mô-đun tại nhà.

Thầy Bảo cho hay: Năm học 2020 - 2021, trường có 22 giáo viên trực tiếp đứng lớp với 415 học sinh, trong đó có gần 20 em là người DTTS. Để gắn kết, sẻ chia giữa nhà trường và gia đình học sinh, năm học vừa qua, đơn vị đã tổ chức đối thoại trực tiếp với phụ huynh. Qua đó, nắm bắt khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, từ đó có phương pháp dạy học phù hợp cho các em.

“Giáo viên của trường chủ động, linh hoạt thay đổi ngữ liệu để phù hợp với học sinh, đặc biệt là các em DTTS. Do đó, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để cán bộ, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cũng như gặp gỡ trao đổi, nắm bắt nguyện vọng của phụ huynh”, thầy Bảo chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.