Không tự bồi dưỡng, giáo viên sẽ tụt hậu

GD&TĐ - Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới, giáo viên (GV) sẽ không thể phát huy hết năng lực chuyên môn nếu chỉ bồi dưỡng theo định kỳ của sở, phòng, trường…

Học sinh Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình). Ảnh: NTCC.
Học sinh Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình). Ảnh: NTCC.

Cách tự nâng cấp tri thức cho mỗi GV tốt nhất chính là con đường tự học, tự bồi dưỡng.

Tự bồi dưỡng đáp ứng CT, SGK mới

Cô Phạm Thị Hoa Lê – GV Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình) bước sang năm thứ 2 dạy học lớp 1 theo CT, SGK mới chia sẻ: Năm đầu tiên như người “mở đường cày”, việc bồi dưỡng theo sở, phòng, trường… chỉ là những vấn đề cơ bản. Để thuần thục với chuyên môn, phương pháp giảng dạy, cách kiểm tra đánh giá mới…, bản thân GV phải tự bồi dưỡng thêm rất nhiều.

Theo cô Hoa Lê, năm thứ 2 giảng dạy lớp 1, việc tự bồi dưỡng theo CT, SGK lớp 1 không vất vả như năm đầu tiên bởi đã có nền tảng cơ bản. Tuy nhiên, không vì thế mà giảm tự bồi dưỡng, từ nắm vững đến thuần thục, đổi mới, sáng tạo càng đòi hỏi GV đầu tư công sức nhiều hơn.

Cô Nguyễn Thị Lan Phương – GV lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Ngay sau khi tham dự bồi dưỡng của các NXB, sở, phòng… GV có thể vào tài khoản, nghiên cứu lại những nội dung, bài giảng, chương trình mà mình cần hiểu thêm.

“Tôi không đặt ra một ngày phải tự học, tìm hiểu kiến thức bao nhiêu thời gian. Bất cứ khi nào rảnh hoặc nghiên cứu bài giảng của các tổng chủ biên, chủ biên SGK thấy còn “gợn” so với thực tế giảng dạy sẽ tự nghiên cứu thêm. Thậm chí, quá trình tự nghiên cứu giúp tôi đưa ra được nhiều câu hỏi tới chuyên gia cùng tháo gỡ khi đã kết thúc đợt tập huấn bồi dưỡng…”, cô Lan Phương nói.

Bản thân cô Vũ Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) không chỉ tham dự tất cả buổi tập huấn trực tuyến của NXB, sở, phòng để triển khai CT, SGK mới lớp 1, 2 mà còn thường xuyên vào phần mềm tập huấn để nghe lại nhiều lần.

“Triển khai CTGDPT 2018 không chỉ riêng đội ngũ GV giảng dạy trực tiếp phải bồi dưỡng chuyên môn để giảng dạy mà cán bộ quản lý (CBQL) nhà trường cũng phải nắm được yêu cầu mới từ chương trình. Thậm chí, CBQL phải là người hiểu sâu sắc, vững vàng hơn GV. Có như vậy, trong quá trình triển khai mới chỉ đạo được về chuyên môn, cùng tháo gỡ khó khăn với GV, xây dựng đường hướng giáo dục nhà trường phù hợp…”, cô Thanh bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Kim Phong, GV môn Lịch sử, Trường THCS Lương Yên (Hà Nội) thì cho rằng, dạy học theo CTGDPT mới, chắc chắn GV phải tự đổi mới chính mình bởi những yêu cầu về chương trình, phương pháp dạy học, cách kiểm tra đánh giá… sẽ khác với CTGDPT hiện hành.

Nếu GV chỉ dừng lại ở bồi dưỡng theo SGK, định kỳ của sở, phòng, trường… chắc chắn sẽ tụt hậu và khó đáp ứng yêu cầu.

Mặt khác, để quá trình bồi dưỡng chuyên môn chung đạt hiệu quả cao, GV phải tự nghiên cứu tài liệu, nội dung bài giảng… trước và sau bồi dưỡng. Có như vậy khi các chuyên gia, tổng chủ biên, chủ biên tập huấn, GV mới hiểu sâu vấn đề, đưa ra những khúc mắc cần hỗ trợ tháo gỡ…

Với cô Phạm Thị Hồng Quyên, GV lớp 2, Trường Tiểu học Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư – Ninh Bình), việc bồi dưỡng của các NXB đã tiến hành xong. Tuy nhiên, để đáp ứng chuyên môn dạy học CT, SGK lớp 2 mới, hầu hết GV phải tự học, bồi dưỡng thêm cho mình.

Từ thực tế triển khai lớp 1 CTGDPT mới cũng cho thấy, tự bồi dưỡng giúp GV có nền tảng kiến thức, khi cần điều chỉnh ngữ liệu bài giảng… sẽ linh hoạt, chủ động trong mọi tình huống.

Cô Nguyễn Thị Kim Phong, Trường THCS Lương Yên (Hà Nội) khẳng định việc tự bồi dưỡng là cần thiết để bước vào triển khai CTGDPT mới ở lớp 6. Ảnh: NTCC
Cô Nguyễn Thị Kim Phong, Trường THCS Lương Yên (Hà Nội) khẳng định việc tự bồi dưỡng là cần thiết để bước vào triển khai CTGDPT mới ở lớp 6. Ảnh: NTCC

Không để GV tụt hậu

Có thể thấy, không ít GV đang tự hài lòng với kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn bản thân nên lơi lỏng và bỏ ngỏ tự học, tự bồi dưỡng kiến thức. Bởi vậy, khi bước vào đổi mới giáo dục và triển khai CT, SGK mới họ vất vả hơn trong việc đổi mới phương pháp, xây dựng bài giảng, đáp ứng giờ dạy một cách bị động, thiếu chất lượng… so với những GV được bồi dưỡng thường xuyên và chịu khó tự bồi dưỡng.

Là một trong những trường đề cao và khuyến khích việc tự bồi dưỡng khi bước vào triển khai CT, SGK mới, thầy Nguyễn Văn Tám – Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Lâm (huyện Đầm Hà – Quảng Ninh) chia sẻ: Để hỗ trợ GV tự bồi dưỡng, nhà trường đề xuất với đơn vị chuyên môn cấp trên tổ chức hoạt động bồi dưỡng GV qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Bản thân nhà trường dù còn khó khăn vẫn đầu tư mua phần mềm bồi dưỡng trực tuyến để GV thuận tiện trong công tác tự bồi dưỡng chuyên môn. Đặc biệt, trường luôn khuyến khích GV tự bồi dưỡng qua tham dự các lớp học nâng cao kiến thức, kĩ năng tin học; tiếng Anh; các môn chuyên biệt…

Thậm chí, trường tạo điều kiện về mặt thời gian, vật chất khi GV tham dự các lớp, khóa bồi dưỡng; Có chế độ khuyến khích, động viên GV đạt thành tích giáo dục tại các cuộc thi cấp huyện, tỉnh… bởi để có thành tích chắc chắn GV phải tự bồi dưỡng chính mình.

Ông Nguyễn Văn Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (Yên Bình - Yên Bái) cho rằng: Các nhà trường và bản thân GV phải nỗ lực hơn trong việc trang bị công nghệ thông tin, phần mềm tự bồi dưỡng, đa dạng hóa tài liệu cho GV nghiên cứu học hỏi. Mặt khác, có chế độ khuyến khích với những thành quả GV đạt được từ tự nghiên cứu, bồi dưỡng…

“Triển khai CT, SGK mới đối với lớp 1, lớp 2 và 6 hơn bao giờ hết cần những người thầy có ý thức tự học, tự bồi dưỡng kiến thức cũng như phương pháp giảng dạy. Nếu bằng lòng với kiến thức, tự tin với khả năng, thâm niên… chắc chắn GV sẽ tụt hậu và khó đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục…” – ông Nguyễn Văn Lịch bày tỏ.

Tự bồi dưỡng để triển khai CT, SGK mới hiện nay thuận lợi bởi điều kiện về thiết bị, công nghệ, tài liệu nghiên cứu phong phú đầy đủ, các hướng dẫn, bài giảng mẫu được các NXB sẵn sàng đưa lên hành trang số. Quan trọng là GV phải chịu khó nghiên cứu. Chỉ có tự nghiên cứu, bồi dưỡng mới có thể giúp GV thêm vững vàng, thiếu đâu bù đó trong qua trình triển khai dạy học và đổi mới giáo dục. - Cô Phạm Thị Hoa Lê  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.