Bồi dưỡng giáo viên: Linh hoạt để phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Để truyền đạt kiến thức hiệu quả cho học sinh dân tộc thiểu số vẫn luôn là bài toán với mỗi giáo viên vùng núi, biên giới. Không có cách nào khác, họ phải tự tìm hiểu để vận dụng linh hoạt sao cho phù hợp…

Chất lượng giáo dục ở xã biên giới Sì Lở Lầu ngày càng nâng cao, tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng nhiều hơn trước
Chất lượng giáo dục ở xã biên giới Sì Lở Lầu ngày càng nâng cao, tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng nhiều hơn trước

“Tiền bối” đi “điểm khó…

Năm học 2020 - 2021, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT-TH) Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) có 31 lớp với 664 học sinh, trong đó đa số là học sinh dân tộc thiểu số. Toàn trường có 38 cán bộ, giáo viên và nhân viên. 33 giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Thầy Đoàn Ngọc Hữu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chất lượng đội ngũ giáo viên trong trường vẫn chưa thực sự đồng đều. Một số giáo viên còn hạn chế về kiến thức, về chuyên môn nghiệp vụ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy còn ít, khả năng tìm kiếm thông tin trên mạng phục vụ cho việc tự bồi dưỡng chuyên môn của một số giáo viên còn hạn chế. Có giáo viên còn lúng túng và ngại thay đổi ngữ liệu đối với từng loại bài để phù hợp với từng đối tượng học sinh. Cùng với đó là một số ít giáo viên chưa chủ động, chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến công tác bồi dưỡng thường xuyên, chưa tích cực tự bồi dưỡng chuyên môn.

Từ lẽ đó, nhà trường luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên để kip thời cập nhật kiến thức về chính trị, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phát triển năng lực dạy học, năng lực giáo dục. Qua đó, bồi dưỡng năng lực cho giáo viên đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cũng như yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành.

"Quan điểm của chúng tôi, việc triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên phải gắn kết chặt chẽ với việc triển khai đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý theo Chuẩn và theo chỉ đạo đổi mới giáo dục của Ngành. Từ đó, từng bước cải thiện, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục qua từng năm học”, thầy giáo Đoàn Ngọc Hữu chia sẻ.

Một tiết học của học sinh tiểu học Sì Lở Lầu, Phong Thổ, Lai Châu.

Một tiết học của học sinh tiểu học Sì Lở Lầu, Phong Thổ, Lai Châu.

Cũng bởi Sì Lở Lầu là vùng có nhiều đồng bào dân tộc Dao sinh sống nên giáo viên ở các tỉnh dưới xuôi hoặc địa bàn khác đến công tác, nhất là giáo viên trẻ gặp rất nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Kiến thức mà giáo viên có được chưa hẳn đã áp dụng thành công ở vùng đặc thù này. Vì thế nhà trường lại linh hoạt điều động, luân chuyển giáo viên để phù hợp với điều kiện thực tế.

“Chúng tôi ưu tiên lựa chọn những giáo viên có sức khỏe tốt, có nhiều kinh nghiệm đi giảng dạy ở những điểm bản khó, xa trung tâm. Làm vậy bởi họ vốn quen với văn hóa, đời sống và ngôn ngữ của đồng bào. Ở những nơi đó, học sinh lại ít được giao tiếp nên còn rụt rè, bỡ ngỡ. Vì thế, giáo viên phải hiểu học trò của mình thì mới có thể tương tác được với các em khi dạy học. Còn giáo viên trẻ ở điểm thuận lợi thì họ sẽ phải làm quen dần với ngôn ngữ, thói quen của học sinh qua các anh chị đi trước”,

Không tự bồi dưỡng sẽ “tụt” hậu

Cũng ở một ngôi trường biên giới xa xôi nhà Sì Lở Lầu, trường PTDTBT-TH Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), để nâng cao chất lượng dạy, học, giáo viên phải tự trang bị kiến thức chuyên môn cho mình để đáp ứng yêu cầu công việc.

“Ngoài bồi dưỡng chuyên đề, chúng tôi thường xuyên tổ chức dự giờ, thăm lớp để giám sát sự tiến bộ của giáo viên. Tổ chuyên môn sẽ theo dõi và kiểm tra xem những tồn tại, hạn chế của một giáo viên cụ thể được nhắc nhở ở năm học trước thì đến năm nay đã chuyển biến như thế nào? Nếu chưa chuyển biến thì sẽ đề xuất giải pháp để họ tự khắc phục và hoàn thiện. Ai cũng thế thôi, nếu như tôi đây, là cán bộ quản lý, nhưng cứ sao nhãng, lơ là đi là cũng sẽ tụt hậu ngay. Giáo viên cũng vậy thôi”, thầy giáo Nguyễn Văn Quân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Một tiết dạy của học sinh tiểu học Sì Lở Lầu, Phong Thổ, Lai Châu.

Một tiết dạy của học sinh tiểu học Sì Lở Lầu, Phong Thổ, Lai Châu.

Cô giáo Lò Thị Quý chia sẻ: “Hàng năm, ngoài việc tuân thủ kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên đề của trường và của ngành, cá nhân em bám sát vào hướng dẫn của tổ chuyên môn của nhà trường. Ví dụ như năm ngoái, em tồn tại những gì, được phát hiện và chỉ bảo, thì năm nay em sẽ xây dựng kế hoạch riêng để khắc phục những tồn tại đó. Ngoài việc học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, em tìm đọc những tài liệu, trang web liên quan đến ngành, nghề để rút kinh nghiệm cho bản thân mình”.

Ở trường PTDTBT-TH Sì Lở Lầu, việc bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên được phân làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 tính từ 27/11 - 11/12, với 8 tiết (2 tiết bồi dưỡng tập trung theo cấp học và 6 tiết tự học). Nội dung bồi dưỡng tập trung vào những vấn đề chung về phương pháp, kỹ thuật dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Giai đoạn 2 từ 14 - 25/12, gồm 8 tiết lý thuyết (3 tiết tập trung theo cấp học, 5 tiết tự học). Nội dung chủ yếu là các phương pháp, kỹ thuật dạy học và giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Còn giai đoạn 3 từ 28/12 - 22/1 gồm 24 tiết (8 tiết tập trung theo bộ môn và theo tổ chuyên môn; 16 tiết tực học). Nội dung chủ yếu tập trung vào việc vận dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

“Chúng tôi thường xuyên tăng cường hình thức bồi dưỡng thường xuyên qua mạng, bồi dưỡng thông qua sinh hoạt tổ chuyên môn. Với giáo viên thì yêu cầu mọi người chủ động tự bồi dưỡng theo phương châm học tập suốt đời. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên giáo viên. Phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán trong việc kiểm tra, hướng dẫn và bồi dưỡng giáo viên tại chỗ”, thầy giáo Đoàn Ngọc Hữu nói.

Theo thầy Lý Văn Phương, giáo viên trường PTDTBT-TH Sì Lở Lầu, giáo viên trong trường đã được tham gia bồi dưỡng thường xuyên theo mô hình bồi dưỡng mới của Bộ GD&ĐT thông qua Chương trình ETEP. Mỗi giáo viên đều phải tự học trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến. Đến nay, 100% giáo viên nhà trường đều học xong 3 mô đun về: Tìm hiểu Chương trình GDPT 2018; Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

“Quá trình bồi dưỡng cũng rất thuận lợi khi giáo viên chủ động việc học của mình. Tuy nhiên, cũng gặp khó khăn bởi không tương tác trực tiếp được khi gặp những vướng mắc. Vì thế, chúng tôi thường tự tổng hợp kiến thức lại rồi tổ chức thảo luận theo nhóm. Ai có vướng mắc gì thì nêu ra, tất cả cùng bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ. Nếu không có giải pháp khả thi thì sẽ tìm đến sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán”, thầy Phương nói.

“Qua việc học trực tuyến, chúng tôi sẽ trao đổi với các đồng nghiệp cả nước về kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy. Qua trao đổi, chọn lọc những gì liên quan đến miền núi, dân tộc, biên giới có thể vận dụng được vào thực tiễn thì áp dụng. Khi giảng dạy, gặp những vấn đề khó khăn, vướng mắc thì chia sẻ lên nhờ sự trợ giúp, tư vấn của đồng nghiệp. Nhờ vậy mà hiệu quả công việc cũng được nâng cao rõ rệt. Việc truyền thụ kiến thức cho học sinh cũng dễ dàng hơn trước”, thầy Lý Văn Phương bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ