Bồi dưỡng giáo viên ở vùng biên Pa Vệ Sủ

GD&TĐ - Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Vệ Sủ ở xã biên giới Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) có 1 điểm trung tâm và 11 điểm trường lẻ ở các bản. Học sinh hầu hết là con em đồng bào La Hủ theo học.

Giáo viên cốt cán hỗ trợ giáo viên ở các điểm bản khó trong quá trình tự bồi dưỡng kiến thức
Giáo viên cốt cán hỗ trợ giáo viên ở các điểm bản khó trong quá trình tự bồi dưỡng kiến thức

Ở các điểm trường lẻ, các em nghe và nói tiếng phổ thông còn hạn chế.  Việc bất đồng ngôn ngữ đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giảng dạy. Vì thế, các thầy cô giáo đã phải hỗ trợ nhau đắc lực để có được chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu công việc.

Đi mấy chục cây số về trung tâm mới truy cập được Hệ thống LMS

 Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học (PTDTBT-TH) Pa Vệ Sủ có 64 cán bộ, giáo viên, trong đó có 54 người trực tiếp đứng lớp.

“Một số giáo viên ở các điểm bản xa, việc tiếp cận với công nghệ thông tin còn hạn chế. Vì thế, quá trình bồi dưỡng thường xuyên và tự bồi dưỡng chuyên môn của giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn. Có những nơi, giáo viên không biết tiếng địa phương nên rất khó để truyền đạt, giảng dạy cho các em”, cô Đào Thị Nhật Lệ, giáo viên nhà trường chia sẻ.

Trường PTDTBT-TH Pa Vệ Sủ hiện có khoảng 22% giáo viên còn lúng túng khi xây dựng kế hoạch bài học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Cá biệt có những giáo viên lớn tuổi còn ngại thay đổi khi tiếp cận phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực.

 Ấy là chưa kể do giao thôngng cách trở, có những điểm trường chưa có sóng điện thoại, internet. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng kiến thức và giảng dạy ở các điểm trường lẻ còn hạn chế.

Giáo viên chú ý theo dõi, ghi chép để vận dụng vào thực tế công việc

Giáo viên chú ý theo dõi, ghi chép để vận dụng vào thực tế công việc

“Ở đây chúng tôi có những nơi còn không có cả sóng điện thoại. Muốn liên lạc với bên ngoài, giáo viên phải đi “hứng sóng”. Còn internet thì chịu, chẳng có đâu! Vì thế, giáo viên cứ phải đi mấy chục cây số để về trung tâm mới có thể truy cập vào Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến để mà học hỏi, nghiên cứu”, thầy giáo Vũ Văn Viện - Hiệu trưởng nhà trường nói.

Từ thực tế trên, căn cứ vào nhiệm vụ của mỗi năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phù hợp.

Theo thầy Vũ Văn Viện, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên tham gia mô hình bồi dưỡng mới của Bộ GD&ĐT thông qua Chương trình ETEP. Mỗi giáo viên đều phải tự học trên hệ thống trực tuyến. Thông qua việc linh hoạt vận dụng nhiều biện pháp khác nhau, đến nay, 100% giáo viên nhà trường đều học xong 3 mô đun về: Tìm hiểu Chương trình GDPT 2018; Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

“Cũng bởi khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, tình hình thực tế và trình độ giáo viên nên những giáo viên ở đây cứ vừa giảng dạy, vừa tự bồi dưỡng và học hỏi lẫn nhau để củng cố kiến thức chứ không thể như các trường thuận lợi được”, cô Lệ chia sẻ.

“Luân chuyển” tạm thời...để tự bồi dưỡng

Với những điểm bản vùng sâu, vùng xa như: Sín Chải A, B, C, Tả Phìn, Chà Gá... nhà trường đã linh hoạt vận dụng các biện pháp để tạo điều kiện hỗ trợ giáo viên có điều kiện thuận lợi nhất có thể để tự bồi dưỡng.

“Có nhiều điểm bản xa, giáo viên không thể áp dụng công nghệ thông tin được để nghiên cứu, bồi dưỡng kiến thức vì không có internet nên chúng tôi buộc phải tổ chức bồi dưỡng tập trung cho họ vào những ngày cuối tuần. Thường thì là chiều thứ 6 và 2 ngày cuối tuần khi giáo viên về trung tâm. Còn người nào có nhà ở thị trấn, cuối tuần họ về thì họ sẽ tự nghiên cứu trên LMS. Vướng mắc đâu họ sẽ thông tin để giáo viên cốt cán, tổ chuyên môn hỗ trợ”, thầy Viện chia sẻ.

Một buổi dự giờ của các giáo viên ở 11 điểm bản khó khăn

Một buổi dự giờ của các giáo viên ở 11 điểm bản khó khăn

“Có những nơi giáo viên không thể sắp xếp thời gian bồi dưỡng được thì nhà trường lại tiến hành đảo giáo viên. Ví dụ như sẽ điều động thầy cô có kinh nghiệm ở điểm trung tâm lên điểm bản để dạy thay. Giáo viên ở điểm bản sẽ được rút về trung tâm để có internet, có máy tính, dành thời gian nghiên cứu. Có những vấn đề họ chưa rõ, có thắc mắc sẽ được giáo viên cốt cán và những người có kinh nghiệm hỗ trợ, chia sẻ”, thầy Viện nói thêm.

Điểm bản Chà Gá, nơi thầy giáo Lường Văn Phong phụ trách chỉ cách trung tâm xã gần chục cây số. Thế nhưng, đây lại là điểm vùng sâu, không có sóng điện thoại. Vì thế, cứ cuối tuần thầy phong lại phải đi xe máy mất cả tiếng đồng hồ về trung tâm tranh thủ học tập, bồi dưỡng. Cũng có lần mưa dài ngày, xe máy không đi được, thầy Phong phải đi bộ theo đường vòng vài tiếng đồng hồ mới về tới nơi.

Nhà trường đã lựa chọn 3 cán bộ, giáo viên đưa vào đội ngũ cốt cán. Sau khi được bồi dưỡng vừa trực tuyến, vừa trực tiếp bởi giảng viên sư phạm,  các thầy cô cán đã hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên nhà trường, giải đáp vướng mắc kịp thời khi các thầy cô học trên hệ thống LMS.

Cô giáo Đào Thị Nhật Lệ là một trong những giáo viên cốt cán của nhà trường cho biết: “Vấn đề mà chúng tôi gặp phải khi hỗ trợ giáo viên đó là việc thầy cô rất hạn chế được tiếp cận với máy tính, internet. Do không sử dụng thường xuyên nên không ít người còn bỡ ngỡ. Việc tổ chức bồi dưỡng trực tuyến với nhiều điểm bản hầu như không thể vì không có sóng. Cho nên , chúng tôi thường thành lập một tổ tư vấn, đến tư vấn trực tiếp tại các điểm bản. Quá trình đó, mình sẽ phổ biến luôn cả phương pháp và hình thức lên lớp. Thậm chí là mình sẽ phải tư vấn ngay trên đối tượng cụ thể là những học sinh mà giáo viên gặp khó khăn khi giảng dạy. Giáo viên hiểu thì mới vận dụng hiệu quả được”.

Cách làm linh hoạt của Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học trong hỗ trợ giáo viên tự bồi dưỡng các mô đun trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến, thuộc Chương trình ETEP góp phần phát triển năng lực dạy học, giáo dục của giáo viên đáp ứng chương trình GDPT mới đã đồng thời phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng của cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường - thầy hiệu trưởng Vũ Văn Viện cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.