Tránh “cấp trung gian”
Nâng cao năng lực GV là vấn đề vô cùng quan trọng trong triển khai Chương trình GDPT mới. Theo GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, chuyên gia dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT (RGEP) - lần này, chương trình bồi dưỡng sẽ được thống nhất trên toàn quốc về nội dung, về kế hoạch.
Để thực hiện bồi dưỡng trên toàn quốc, đầu tiên, các dự án sẽ tập hợp chuyên gia am hiểu về Chương trình GDPT mới biên soạn tài liệu. Đội ngũ chuyên gia đó chủ yếu từ các trường ĐH sư phạm, từ các viện nghiên cứu khoa học GD, các trường CBQL GD và chuyên viên của các vụ, cục của Bộ GD&ĐT. Các chuyên gia biên soạn này làm 2 nhiệm vụ. Bên cạnh nhiệm vụ biên soạn tài liệu, những chuyên gia này đồng thời cũng trực tiếp làm báo cáo viên.
Sau khi có tài liệu, đội ngũ báo cáo viên sẽ bồi dưỡng cho GV phổ thông cốt cán, CBQL GD của các địa phương. Những người này sẽ được bồi dưỡng trực tiếp do Bộ GD&ĐT tổ chức. Số GV phổ thông, CBQL cốt cán sẽ được các địa phương cử đến với tiêu chuẩn phải là những GV xuất sắc, có khả năng làm báo cáo viên cho các khóa bồi dưỡng GV tại địa phương. Đây được xem là thế hệ “F2” của đội ngũ báo cáo viên.
Bồi dưỡng giáo viên. Ảnh minh họa |
GV, CBQL cốt cán sau khi đã được bồi dưỡng ở Trung ương, sẽ về bồi dưỡng trực tiếp cho đồng nghiệp tại địa phương hoặc do sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT tổ chức và ngay tại từng trường phổ thông.
Lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới được bắt đầu từ lớp 1, vì vậy, giai đoạn đầu đội ngũ GV dạy tiểu học nói chung, đặc biệt là lớp 1 nói riêng phải được bồi dưỡng trước. Câu hỏi đặt ra là liệu với thời gian ngắn như thế thì có kịp bồi dưỡng cho đội ngũ đông đảo GV dạy lớp 1 hay không? Phải khẳng định đây là một khó khăn. Để khắc phục khó khăn này, thì chương trình bồi dưỡng phải được kế thừa một cách hiệu quả kết quả bồi dưỡng những năm gần đây cho đội ngũ GV này (ví dụ Mô hình Trường học mới VNEN; những đợt bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo cách tiếp cận năng lực…).
Nhấn mạnh những khác biệt so với trước đây về công tác bồi dưỡng, GS Đinh Quang Báo cho biết: Lần này bồi dưỡng ngay khi có chương trình mới ban hành, nên được gọi là bồi dưỡng để thực hiện Chương trình GDPT mới. Sau đó, khi có SGK, đội ngũ CBQL GD, GV lại được tiếp tục bồi dưỡng, lần này gọi là bồi dưỡng thực hiện SGK mới.
Hai là: Việc tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng sẽ được thực hiện một cách bài bản. Đội ngũ biên soạn tài liệu được chọn là giảng viên cốt cán từ các trường sư phạm trọng điểm. Đội ngũ này cũng được tập huấn để có năng lực biên soạn tài liệu và làm báo cáo viên.
Ba là: Việc tập huấn này sẽ kết hợp giữa tập huấn tập trung (trực tiếp) và tập huấn qua mạng (trực tuyến). Phương thức bồi dưỡng trực tiếp theo các khóa bồi dưỡng tập trung của GV; phương thức bồi dưỡng trực tuyến, nghĩa là các bài giảng được đưa lên mạng và hiện nay Bộ GD&ĐT đang thiết kế các mạng để phục vụ riêng cho các nội dung bồi dưỡng này.
Bốn là: Sẽ thành lập các nhóm báo cáo viên bao gồm giảng viên sư phạm, GV THPT và CBQL GD cốt cán ở cấp địa phương đã được tập huấn. Nhóm này sẽ trực tiếp bồi dưỡng cho từng GV ở địa phương.
“Cách làm này là để bảo đảm từng GV sẽ được báo cáo viên cấp Trung ương trực tiếp bồi dưỡng; tránh tình trạng trước đây qua nhiều “cấp” trung gian bồi dưỡng sẽ dẫn đến “tam sao thất bản”. Điều đó cũng có thể hiểu, mọi GV sẽ được bồi dưỡng từ “bản gốc” chứ không phải từ những “bản sao” - GS Đinh Quang Báo cho hay.
Mô hình sinh hoạt cộng đồng phát triển nghề nghiệp
Để đảm bảo việc bồi dưỡng đáp ứng bối cảnh cụ thể của từng địa phương (sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, trường phổ thông), theo GS Đinh Quang Báo, ngoài việc tổ chức tập huấn cho GV theo chương trình bồi dưỡng của Trung ương, các cấp quản lý địa phương cũng phải tổ chức, xây dựng chương trình bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu riêng của địa phương mình.
Công việc này do sở GD&ĐT hoặc phòng GD&ĐT sẽ lựa chọn những CBQL, GV cốt cán thực hiện xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu bồi dưỡng. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu của từng trường phổ thông, hiệu trưởng nhà trường sẽ tổ chức sinh hoạt nghiên cứu bài học được dẫn dắt bởi các GV cốt cán. Đó là mô hình sinh hoạt cộng đồng phát triển nghề nghiệp.
“Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý khác trong bồi dưỡng GV lần này. Để bồi dưỡng GV hiệu quả nhất thì phải làm một cách thường xuyên thông qua mô hình cộng đồng phát triển nghề nghiệp ở từng nhà trường” - GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh.
Gợi ý về cách làm, GS Đinh Quang Báo cho rằng, các nhà trường nên chú trọng phát triển tổ chuyên môn và đội ngũ GV cốt cán của từng môn học. Những người này sẽ chủ trì tổ chức các sinh hoạt chuyên môn thường xuyên; ví dụ: Để chia sẻ những bài giảng hay, để tổ chức dự giờ rút kinh nghiệm theo mô hình nghiên cứu bài học, xây dựng các chủ đề GD địa phương, xây dựng các dự án GD tích hợp vận dụng kiến thức vào thực tiễn giải quyết những vấn đề của địa phương...
Cũng theo GS Đinh Quang Báo, trong hướng dẫn cho GV thực hiện chương trình mới, ngoài hướng dẫn các vấn đề lý luận, GV còn được thực hành. Để GV thực hành tốt, cũng là để minh họa những lý thuyết GV đã được tập huấn, trong chương trình bồi dưỡng sẽ thiết kế các bài giảng mẫu. Bài giảng mẫu được các nhóm tác giả có nhiều kinh nghiệm thực hiện khi nhóm tác giả này biên soạn một hệ thống tài liệu bồi dưỡng GV trong cả nước.