Tháo gỡ khó khăn trong quản trị nhân sự trường tiểu học

GD&TĐ - Thực tế cho thấy, công tác quản trị nhân sự trong các trường tiểu học vẫn còn một số khó khăn nhất định, rất cần được tập huấn, bồi dưỡng bài bản để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cô Hoàng Thị Thu - Hiệu trưởng Trường tiểu học Ia Nhin (Chư Păh, Gia Lai) - ngoài cùng bên phải - trong buổi tập huấn, bồi dưỡng mô - đun 2
Cô Hoàng Thị Thu - Hiệu trưởng Trường tiểu học Ia Nhin (Chư Păh, Gia Lai) - ngoài cùng bên phải - trong buổi tập huấn, bồi dưỡng mô - đun 2

Theo cô Hoàng Thị Thu - Hiệu trưởng Trường tiểu học Ia Nhin (Chư Păh, Gia Lai), một trong những khó khăn hiện nay là nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; một số giáo viên đã lớn tuổi, ngại đổi mới và chưa tự tin vào chính mình. Đây chính là rào cản để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để tạo động lực cho giáo viên nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ; cô Thu luôn động viên giáo viên bồi dưỡng và tự bồi dưỡng thường xuyên; Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ giáo viên từ những vấn đề kỹ thuật, cho đến phát triển năng lực sư phạm.

Tuy nhiên, cô Thu cho rằng, các vấn đề về quản trị nhân sự thường là làm theo kinh nghiệm. Chính vì thế, khóa bồi dưỡng, tập huấn mô – đun 2 về quản trị nhân sự có ý nghĩa quan trọng đối với đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Thông qua tập huấn, cô Thu được lĩnh hội nhiều kiến thức mới có tính chất nền tảng, được học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp của mình. “Những gì lĩnh hội được từ khóa tập huấn, tôi sẽ truyền đạt, tư vấn cho đồng nghiệp, để cùng quyết tâm triển khai thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018” – cô Thu khẳng định.

Thầy Huỳnh Văn Tĩnh thảo luận tại nhóm trong khóa bồi dưỡng mô - đun 2 - chiều 6/11
Thầy Huỳnh Văn Tĩnh thảo luận tại nhóm trong khóa bồi dưỡng mô - đun 2 - chiều 6/11

Thầy Huỳnh Văn Tĩnh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Sơn 1 (Ninh Phước, Ninh Thuận) trao đổi, khóa tập huấn, bồi dưỡng mô – đun 2 đã đáp ứng đúng nhu cầu mà các trường đang cần.

“Chúng tôi không chỉ được trang bị những kiến thức, kỹ năng về quản trị nhân sự, mà còn được tiếp thêm động lực để tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới” – thầy Tĩnh nói, đồng thời cho biết:

Sau khóa tập huấn này, thầy sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý trong nhà trường, nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trực tiếp là báo cáo viên của khóa bồi dưỡng, tập huấn mô – đun 2, TS Nguyễn Bá Phu – giảng viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho biết, một trong những điểm nhấn của khóa bồi dưỡng là có sự kết hợp giữa bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến theo công thức 3 - 5 - 7.

Trong đó có 5 ngày học viên tự học online trước khi tập huấn trực tiếp, 3 ngày tập huấn theo phương pháp mặt giáp mặt. Sau đó, học viên có 7 ngày để tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ học tập, làm bài tập cuối khóa và nộp bài làm trên hệ thống học tập trực tuyến.

TS Nguyễn Bá Phu hỗ trợ các học viên trong lớp bồi dưỡng mô - đun 2
TS Nguyễn Bá Phu hỗ trợ các học viên trong lớp bồi dưỡng mô - đun 2

“Trong 3 ngày bồi dưỡng, tập huấn trực tiếp, các học viên có thể chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm trong công tác quản trị nhân sự tại trường mình. Từ đó, giảng viên và học viên cùng nhau thảo luận, phân tích điểm mạnh, điểm yếu và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn” – TS Phu trao đổi.

Tuy nhiên, TS Phu cho rằng, bồi dưỡng là một chuyện nhưng thực tiễn là mới là quan trọng. Do đó, đòi hỏi mỗi cá nhân cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cần nghiêm túc với chính bản thân mình trong quá trình bồi dưỡng; quan trọng là ý thức tự học, dám nghĩ, dám làm và dám đổi mới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ