“Mở màn” bồi dưỡng 4.000 hiệu trưởng, hiệu phó về quản trị nhân sự

GD&TĐ - Trong khuôn khổ của Chương trình ETEP, sáng nay (26/10), tại TP Hải Phòng, Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức khai mạc khóa bồi dưỡng cho 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.

GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục và ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Ban quản lý Chương trình ETEP trao Giấy chứng nhận cho đại diện các thầy, cô đã hoàn thành mô - đun 1.
GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục và ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Ban quản lý Chương trình ETEP trao Giấy chứng nhận cho đại diện các thầy, cô đã hoàn thành mô - đun 1.

Đây là khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán đầu tiên, mở màn triển khai bồi dưỡng 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán trong toàn quốc năm 2020, với mô - đun 2: "Quản trị nhân sự trong trường tiểu học/THCS/THPT".

Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục nhấn mạnh, ngành Giáo dục đã và đang triển khai quyết liệt Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

Trong quá trình đổi mới, khâu bồi dưỡng, phát triển cán bộ có vai trò quan trọng. Xã hội, công nghệ dù có phát triển đến đâu thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Ở các trường phổ thông, cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục.

GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu khai mạc.
GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu khai mạc.

GS.TS Phạm Quang Trung cho biết, trong năm 2019, Học viện Quản lý Giáo dục đã hoàn thành bồi dưỡng Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán mô - đun 1 về “Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong trường tiểu học/THCS/THPT” cho gần 4.000 Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán trong toàn quốc.

Kết quả trả lời phiếu khảo sát trực tuyến cho thấy, có gần 99% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán hài lòng với mô - đun bồi dưỡng ở các khía cạnh như: mục tiêu, nội dung mô - đun bồi dưỡng, phương pháp bồi dưỡng, đánh giá kết quả, học liệu, công tác tổ chức, báo cáo viên/giảng viên và tác động của mô đun bồi dưỡng.

“Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình bồi dưỡng mô - đun 2 về quản trị nhân sự trong trường phổ thông” – GS Phạm Quang Trung khẳng định.

Theo GS Phạm Quang Trung, quản trị nhân sự là một ngành khoa học lớn. Đó là thứ nghệ thuật nhất trong nghệ thuật quản lý. Mô –đun 2 có tính đặc thù và chuyên môn cao; có những nội dung không chỉ nói bằng lý thuyết mà phải từ thực tiễn.

“Vì thế, sau chương trình bồi dưỡng, các thầy cô sẽ vận dụng hiệu quả vào quản trị nhân sự trong trường học – nơi mình đang công tác” - GS Phạm Quang Trung nói.

Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục phát biểu tại buổi khai mạc
Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục phát biểu tại buổi khai mạc

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) trao đổi, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT nhấn mạnh đến đổi mới căn bản công tác quản lý, trong đó có để cập đến hai yếu tố quan trọng là: tăng cường tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục. Bản chất chính là hướng tới quản trị của các cơ sở giáo dục phổ thông.

Khẳng định, Chương trình Giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh đến tính tự chủ của các trường phổ thông, trong đó có vai trò quan trọng của hiệu trưởng, hiệu phó các nhà trường; TS Hoàng Đức Minh chia sẻ, cùng với mô- đun 1, mô – đun 2 và các mô - đun khác sẽ trang bị cho hiệu trưởng các năng lực về quản trị.

Những năng lực này nằm trong Tiêu chuẩn “Quản trị nhà trường” được quy định trong Quy định Chuẩn hiệu trưởng trường cơ sở giáo dục phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT). Vì thế, mô – đun 2 là một trong những mô – đun quan trọng nhất của chương trình bồi dưỡng.

Toàn cảnh buổi khai mạc
Toàn cảnh buổi khai mạc

Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục, lý thuyết là một chuyện, nhưng đi vào thực tiễn mới là vấn đề quang trọng. Do đó, sau khóa bồi dưỡng, các thầy, cô cần cụ thể hóa những gì đã được tập huấn, bồi dưỡng thành những hành động, kế hoạch và chiến lược cụ thể.

Ngay sau lễ khai mạc, hơn 200 hiệu trưởng, hiệu phó các trường tiểu học đến từ TP Hà Nội, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Thái Bình chính thức bước vào khóa tập bồi dưỡng với chuyên đề: “Yêu cầu về đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý trong trường tiểu học nhằm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.