Bộ Y tế sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19

GD&TĐ - Khi tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh các tiêu chính đánh giá cấp độ dịch từ kiểm soát tỷ lệ ca mắc mới trong cộng đồng sang kiểm soát tỷ lệ người mắc được phân loại nguy cơ cao và rất cao.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022, Bộ Y tế cho biết, đến ngày 19/1, Việt Nam ghi nhận 2.078.087 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, cả nước đã có 1.786.371 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh và 36.114 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm).

Số ca tử vong đã giảm từ 300-350 ca/ngày thời kỳ đỉnh dịch xuống còn trên 200 ca/ngày; chủ yếu là những người mắc bệnh nền, người già, trong đó trên 70% là người chưa tiêm vắc xin. Số ca bệnh nặng giảm sâu (giảm đến 2/3) so với thời kỳ đỉnh dịch tháng 8, 9/2021.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong năm 2022 là tiếp tục tập trung cao nhất cho việc phòng, chống dịch Covid-19.

Một trong những giải pháp chủ yếu của Bộ Y tế là tiếp tục triển khai các kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 theo 4 cấp độ. Đáng chú ý, khi tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh các tiêu chính đánh giá cấp độ dịch từ kiểm soát tỷ lệ ca mắc mới trong cộng đồng sang kiểm soát tỷ lệ người mắc Covid-19 được phân loại nguy cơ cao và rất cao.

Khi xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, Bộ Y tế yêu cầu phát hiện kịp thời thay đổi về dịch tễ học, độc lực của virus, sau đó thiết lập mạng lưới các phòng xét nghiệm ở Việt Nam có khả năng phát hiện biến chủng mới.

Việt Nam cũng sẽ điều chỉnh các biện pháp y tế và hành chính phù hợp, qua đó theo dõi hiệu quả của các biện pháp can thiệp với biến chủng mới.

Sẽ tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, chủ động vắc xin, thuốc điều trị Covid-19

Bộ Y tế cho biết, thời gian tới vẫn tập trung công tác phòng chống dịch; nâng cao năng lực giảm nguy cơ các ca mắc Covid-19 chuyển nặng và tử vong. Đồng thời, có phương án sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại các địa bàn khi dịch diễn biến phức tạp.

Bộ Y tế cũng nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị; bảo đảm tất cả mọi người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được quản lý, chăm sóc y tế phù hợp, được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh và sớm ngay tại địa bàn.

Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, không để sót người có bệnh nền, tuổi cao; nhất là việc hoàn thành tiêm phủ mũi 3.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đặt mục tiêu trong năm 2022, Việt Nam có vắc xin sản xuất trong nước và đáp ứng ít nhất 50% nhu cầu vắc xin đến cuối năm 2023. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thúc đẩy nhanh nhất việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước, bảo đảm sản xuất được ít nhất một loại thuốc điều trị đặc hiệu trong năm 2022-2023, chủ động nguồn thuốc điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ