Tài liệu cập nhật các kiến thức thực hành cấp cứu nhi khoa, bao gồm các nội dung cấp cứu tai nạn thương tích thường gặp, trong đó có hướng dẫn sơ cứu về đuối nước.
Trẻ thiếu kỹ năng về an toàn môi trường nước
Có nhiều nguyên nhân đuối nước ở trẻ như thiếu kiến thức, kỹ năng an toàn, thiếu kỹ năng để đánh giá, nhận định các nguy cơ đuối nước có thể xảy ra khi các em tham gia các hoạt động sinh hoạt, vui chơi, lao động trong đời sống hàng ngày, trong cộng đồng. Các em chưa nhận biết được vị trí an toàn để vui chơi, bơi lội, đa phần hành động theo ngẫu hứng, chưa có thói quen chấp hành quy định an toàn phòng tránh đuối nước.
Trẻ biết bơi, thậm chí bơi giỏi nhưng thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, hoặc không biết kỹ năng cứu đuối an toàn cũng có thể bị nạn. Bên cạnh đó còn là thiếu sự giám sát của người lớn. Bởi trong nhiều trường hợp vì nhiều lý do khác nhau, trẻ em bị bỏ mặc, hoặc không được trông nom, hoặc thoát ly khỏi sự giám sát của bố mẹ, người lớn, người có trách nhiệm, dẫn đến bị ngã, bị rơi vào vũng nước và bị đuối nước.
Theo thống kê, có khoảng 70% trẻ bị đuối nước được cứu sống nếu được cấp cứu cơ bản tốt ngay tại nơi bị nạn. Nếu không được cấp cứu tốt thì chỉ có 40% trẻ bị đuối nước được cứu sống dù việc hồi sức tim – phổi tại bệnh viện được làm rất tích cực.
Trong số những trường hợp được cứu sống nhờ các biện pháp hồi sức tim – phổi tại bệnh viện, chỉ có 70% hồi phục hoàn toàn, 25% có di chứng thần kinh nhẹ, số còn lại bị tàn phế nặng nề hoặc vĩnh viễn sống thực vật.
Theo đó, tài liệu hướng dẫn chi tiết cho học sinh, nhà trường, phụ huynh, học sinh cách xử trí khi phát hiện người bị đuối nước.
Cần nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp của những người xung quanh khi thấy trẻ bị đuối nước bằng cách hô, gọi. Thực hiện việc cứu trẻ ra khỏi đuối nước phải là người biết bơi, có kỹ năng cứu người bị đuối để tránh những rủi ro khác có thể xảy ra. Có hai phương pháp cứu đuối gián tiếp và cứu đuối trực tiếp.
Cứu đuối gián tiếp: Là sử dụng các dụng cụ cứu đuối sẵn có (phao, dây, gậy, quần áo, các vật có thể nổi trên mặt nước…) để cứu người trẻ đuối nước khi vẫn còn đang tỉnh. Tùy theo tình hình, tính chất của mỗi trường hợp cụ thể mà người cứu đuối lựa chọn phương án cứu để phù hợp, an toàn và hiệu quả.
Cứu đuối trực tiếp: Là xuống nước, bơi đến cứu nạn nhân. Đặc biệt lưu ý là cứu đuối trực tiếp chỉ dành cho đối tượng cứu hộ chuyên nghiệp, được đào tạo và cấp chứng chỉ cứu hộ, có đủ sức khỏe và năng lực ở thời điểm thực hiện.
Trong một số trường hợp, tùy theo mức độ, tính chất cụ thể của từng vụ đuối nước mà người thực hiện cứu đuối có thể thực hiện cứu đuối trực tiếp khi chưa phải là người cứu hộ chuyên nghiệp nhưng vẫn đảm bảo cứu sống nạn nhân và bảo đảm an toàn cho bản thân: Khi thấy trẻ nhỏ ngã trong các chum, lu, vại, xô, chậu đựng nước.
Khi thấy trẻ nhỏ bị rơi xuống bờ ao, bờ mương, giếng, kênh rạch,… mà đang cố gắng bám, víu để cố gắng lên bờ…, nếu ở khoảng cách gần có thể trực tiếp đưa tay ra nắm bắt để kéo người bị đuối lên bờ.
Khi thấy trẻ, người bị đuối nước ở vùng nước nông, mức nước chỉ ở ngang ngực người thực hiện việc cứu đuối trực tiếp (vùng nước mà bản thân người thực hiện cứu đuối hiểu rõ về địa hình như ao trong gia đình, hoặc ao, hố chứa nước gần nhà), có thể lội ra để túm, bắt kéo người bị đuối nước đưa lên bờ.
Tài liệu cũng khuyến cáo trẻ em không được thực hiện việc cứu đuối trực tiếp vì có thể chính các em sẽ là nạn nhân bị đuối nước.
Lưu ý: Bắt đầu hồi sức tim phổi ngay lập tức là điều quan trọng nhất có thể làm để ngăn trẻ tử vong. Nếu chỉ có một mình, hãy làm theo các bước dưới đây trong hai phút trước khi dừng lại để gọi cấp cứu 115. Nếu có những người khác xung quanh, trong khi bạn bắt đầu các bước bên dưới, hãy nhờ ai đó gọi 115 và thông báo cho nhân viên cứu hộ.
Ảnh minh hoạ. |
Các bước xử trí khi nạn nhân đuối nước
Kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không: Đặt tai của bạn gần miệng và mũi trẻ. Bạn có cảm thấy không khí thở ra của trẻ trên má bạn không? Nhìn xem lồng ngực của trẻ có di động không? Trong khi kiểm tra hơi thở, cũng có thể gọi tên của đứa trẻ để xem đứa trẻ có phản ứng không.
Nếu trẻ không thở, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi: Cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa trên một bề mặt chắc chắn và cứng. Nếu nghi ngờ chấn thương cổ hoặc đầu, hãy di chuyển trẻ bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông) với nhau, giữ cho tất cả chúng thẳng hàng.
Nếu không chấn thương cổ: Giữ đầu trẻ ngửa ra sau và nâng cằm để thông đường thở. Nếu nghi ngờ chấn thương cổ, không ngửa đầu, chỉ cần ấn hàm. Đối với em bé, hãy cẩn thận không ngửa đầu ra sau quá nhiều.
Khi thổi ngạt: Với trẻ sơ sinh, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt được kín. Với trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi của trẻ và đưa miệng của bạn qua miệng của đứa trẻ. Thổi vào miệng trẻ trong một giây và ngực của trẻ phồng lên. Lặp lại hơi thở lần thứ hai, sau đó hồi sức tim phổi (CPR) cho trẻ.
Ép tim ngoài lồng ngực: Vị trí ép tim 1/2 dưới xương ức, tỉ lệ ép tim/phổi ngạt là 30:2. Ấn ngực sâu khoảng 1/3 – 1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau. Tốc độ ép tim 100 – 120 lần/phút.
Lưu ý rằng, hạ thân nhiệt thường xảy ra sau khi bị đuối nước, đặc biệt ở trẻ em. Do đó cần phải ủ ấm cho trẻ ngay khi đưa khỏi môi trường nước. Các biện pháp sưởi ấm cơ thể được tóm tắt như sau: Cởi bỏ quần áo ướt, lạnh, đắp chăn ấm, dùng đèn, tấm sưởi để làm ấm.
Tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh do Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids (Chương trình Vận động chính sách y tế toàn cầu) Hoa Kỳ xây dựng.