Cùng con đẩy lùi nỗi lo đuối nước

GD&TĐ - Mùa hè đến cũng là thời điểm nhu cầu vui chơi giải trí tăng cao, đặc biệt hoạt động bơi lội luôn thu hút nhiều trẻ em tham gia. Tuy nhiên, đi đôi với nhu cầu trên là những mối nguy hiểm đe dọa rình rập sức khỏe và tính mạng trẻ nhỏ khi vui chơi trong dịp hè.

Trẻ có thể tự bảo vệ mình khi được trang bị tốt kỹ năng bơi lội
Trẻ có thể tự bảo vệ mình khi được trang bị tốt kỹ năng bơi lội

Báo động về tai nạn đuối nước

Mới mấy ngày vào hè, những vụ đuối nước thương tâm của 4 ông cháu ở H. Tây Sơn (Bình Định), bốn em học sinh ở Gia Lai đang thực sự gióng lên những hồi chuông báo động về tai nạn đuối nước, khiến mọi người lo lắng.

Tai nạn đuối nước ở trẻ em là tai nạn thường gặp nhất trong mùa hè. Giờ đây đuối nước không phải chuyện hiếm gặp và hầu hết nạn nhân của các vụ phần lớn đều rơi vào học sinh, sinh viên.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên, nghĩa là có khoảng 9 trẻ chết do đuối nước mỗi ngày… Một tỷ lệ được đánh giá là cao so với những nước đang phát triển, càng khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ...

Trang bị kỹ năng phòng, chống cho trẻ

Theo TS Vũ Thu Hương, Khoa GD Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội, để phòng tránh khỏi tai nạn đuối nước thương tâm, bên cạnh việc bố trí cho con được học bơi bài bản, các phụ huynh cũng cần trang bị cho con các kỹ năng cần thiết để phòng nguy cơ đuối nước.

Một trong những nguyên tắc đầu tiên đối với trẻ chưa biết bơi là tuyệt đối không chơi gần sát mặt nước. Nếu ở hồ bơi, cần đứng cách mặt nước 2m, nếu ở biển, nhất thiết phải theo sát cha mẹ hoặc người lớn trong gia đình, dù cho bé đã biết bơi. Khi đi bơi, con cần đi cùng với người lớn và phải bơi ở những địa điểm quy định như: Bể bơi, bãi biển (nơi được phép bơi lội)… Lưu ý: Có những bãi tắm tuy có vẻ rất ổn nhưng tiềm chứa nguy hiểm, đội cứu hộ đã cắm cọc báo nguy hiểm thì tuyệt đối phải tránh xa, không được bơi lội ở đó.

Một trong những tình huống thường gặp trong các tai nạn đuối nước ở bể bơi là trẻ cố vớt vật gì đó rơi xuống nước. Hãy tập cho con thói quen thông báo với bố mẹ khi gặp sự cố ở các bể bơi như vậy. Các cha mẹ cũng lưu ý, nếu con đánh rơi đồ vật xuống nước cũng không được mắng con. Vì khi mắng con vì tiếc của, con sẽ hoảng sợ, lần sau có đánh rơi đồ đạc xuống nước, con sẽ lội xuống để lấy và rất dễ gặp tai nạn.

Khi có người bị đuối nước kêu cứu, các con tuyệt đối không nhảy xuống cứu. Việc cần làm là ném cho người dưới nước một tấm gỗ, một tấm xốp lớn để họ bám vào và sau đó đi gọi người lớn đến cứu. Nếu có sợi dây dài, hãy buộc thật chắc sợi dây lên một gốc cây gần đó và ném cho người dưới nước. Con trẻ cũng như người lớn phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định ở bể bơi hay bãi tắm. Tuyệt đối không tự ý làm những việc đã bị cấm tại các khu vực như vậy.

“Dù biết bơi, thậm chí là bơi tốt, trẻ cũng sẽ dễ mất bình tĩnh ở những môi trường nước lạ. Chẳng hạn lần đầu tiên ra biển, hay chẳng may nhảy nhầm xuống khu vực của người lớn trong bể bơi… Hãy đề nghị huấn luyện viên dạy bơi hướng dẫn con cách xử lý trong những tình huống này. Nhưng dù thế nào thì nhất thiết phải thường xuyên để mắt đến trẻ khi đang ở gần nơi có nước” - TS Vũ Thu Hương khuyến cáo.

“Tai nạn đuối nước là một trong những hiểm họa khủng khiếp của trẻ trong mùa hè này. Hi vọng với những lưu ý trên, các trẻ nhỏ sẽ được sống, sinh hoạt, vui chơi an toàn và thoải mái trong mùa hè này” - TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ