Phòng trừ đuối nước: Cha mẹ không thể chủ quan

GD&TĐ - Thời gian qua, các vụ tai nạn đuối nước thường diễn ra nhiều đối với trẻ em các tỉnh miền biển, khu vực nông thôn nơi nhiều sông, ao, hồ. Sự thiếu giám sát, lơ là giáo dục phòng chống đuối nước, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những nơi có mối hiểm họa… đã dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc. 

Cha mẹ cần kiểm soát khi trẻ tham gia các hoạt động bơi lội.
Cha mẹ cần kiểm soát khi trẻ tham gia các hoạt động bơi lội.

Hơn lúc nào hết, việc nâng cao trách nhiệm, ý thức của mỗi gia đình, cha mẹ trong vấn đề trên cần được thúc đẩy gấp rút.

Hiểm họa đến từ muôn phía

Số vụ tai nạn đuối nước của trẻ em hàng năm diễn ra có phần tăng lên về số lượng. Nguyên nhân được chỉ ra bởi nhiều phía khác nhau: đó là sự bất cẩn của người lớn, môi trường sống xung quanh trẻ không an toàn, và đuối nước do trẻ không biết bơi, chưa được rèn các kỹ năng, kiến thức về sự an toàn khi tắm biển, sông, hồ còn hạn chế...

Tuy vậy trách nhiệm của gia đình, của những người làm cha mẹ trong việc giáo dục, định hướng và giám sát con cái để tránh khỏi những tai nạn đuối nước thương tâm vẫn đóng vai trò quan trọng.

Đến nay hầu hết các vụ tai nạn đuối nước đến với trẻ em chủ yếu bởi thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những nơi có mối hiểm họa này chiếm 33% trên tổng số vụ tai nạn.

Đa số, các em học sinh rủ nhau đi tắm biển, sông, hồ mà thiếu sự giám sát của người lớn. Sự thiếu cẩn thận, trong khi vui chơi, hoặc phụ giúp gia đình ra đồng, sông suối mò cua, bắt cá… dễ xảy ra tình trạng trượt chân xuống ao, hồ, sông, suối, hố sâu khiến các em không phòng bị kịp thời để xảy ra tình trạng thương tâm.

Mặt khác, cũng xảy ra trường hợp trẻ bị chết đuối do sự không an toàn của môi trường sống xung quanh. Không ít trẻ nhỏ ở nông thôn bị chết đuối bởi những lý do hết sức đơn giản là đi múc nước ở giếng, ao, mương.. cho các hoạt động sinh hoạt, chăm sóc cây cối ruộng đồng.

Tình trạng trẻ không biết bơi, thiếu các kỹ năng, kiến thức về sự an toàn khi đi tắm ở sông, suối, ao, hồ cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ nông thôn.

Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng: đó là khi các em thấy bạn gặp nạn lao xuống cứu vì chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên. Hiện nay, những nơi có tỉ lệ trẻ đuối nước cao thường ở các địa phương vùng biển, vùng nông thôn nơi có sông hồ nhiều.

Mặc dù các em đều được học bơi từ cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè khi xuống sông, ao, biển tắm, song lại thiếu những kiến thức, kỹ thuật bơi căn bản. Chính vì vậy khi gặp những trường hợp bất ngờ, nguy hiểm, trẻ thường lúng túng, không biết xử lý dẫn đến tình trạng tử vong.

Mặt khác, nhiều gia đình cha mẹ ở nông thôn vì mải lao động hoặc thiếu hiểu biết nên không chú ý tới việc nhắc nhở con em tránh xa các khu vực bãi bồi dễ sụt lún, các khu vực có nước chảy xiết vào từng thời điểm, những nơi có các biển cảnh báo, biển cấm tại các khu vực nguy hiểm, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Phòng chống bắt đầu từ gia đình

Để phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ cần nâng cao nhận thức, sự cam kết trách nhiệm từ chính quyền, các cấp ngành… nhằm chuyển đổi hành vi của cộng đồng theo hướng tích cực về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ.

Về phía các ban ngành đoàn thể, cần đặc biệt quan tâm đến tai nạn đuối nước bằng những hoạt động thiết thực như: phát động phong trào học bơi, dạy bơi an toàn tại địa phương; tổ chức dạy bơi cho trẻ em trong dịp hè; tổ chức tập huấn cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; Rà soát, bổ sung các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn... tại các khu vực có nguy cơ đuối nước cho trẻ em.

Tại các khu vực có hố nước sâu, giếng, ao trong nhà, trong sân cần có rào chắn an toàn hoặc nắp đậy để tránh trường hợp xấu xảy ra với trẻ nhỏ. Đối với các khu vực là biển, sông sâu, hay có sóng to, chính quyền địa phương nên có sự trang bị các biển cấm, hoặc biển cảnh báo nguy hiểm, để tránh tình trạng trẻ bơi vào các khu vực nước xoáy, sâu…

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ đuối nước thời gian qua không thể không nói tới trách nhiệm của mỗi gia đình, phụ huynh. Cách quản lý giáo dục của gia đình còn lỏng lẻo, cha mẹ chưa để mắt nhiều tới con trẻ, không răn đe, cảnh báo cho con trẻ biết việc ra môi trường nước tự nhiên bơi lội là nguy hiểm khi chưa biết bơi. Trong khi đó, ở các nước phát triển, dạy bơi cho trẻ em từ khi mới lọt lòng là việc bắt buộc với các bậc phụ huynh.

Chẳng hạn như ở Úc, quốc gia có nhiều diện tích biển, gần như tất cả trẻ em đều biết bơi sớm. Dạy trẻ nhỏ biết bơi là việc đương nhiên của cha mẹ. Trong khi đó, ở nước ta có đến 3.260 km đường biển, một diện tích biển quá lớn.

Đa phần các tỉnh thành, địa phương đều có biển, hoặc sông hồ lớn. Cộng với bão, lũ lụt là những thiên tai thường xuyên xảy ra ở khu vực miền núi, miền Trung. Như vậy nhận thức về vấn đề đuối nước, việc phải tiếp xúc với nước cũng như các nguy cơ liên quan đến đuối nước cần được gia đình chủ động tích cực trang bị cho trẻ.

Một thực trạng đáng lưu ý, hiện nay trẻ con ở thành phố có xu hướng biết bơi nhiều hơn ở các vùng nông thôn. Một mặt do nhận thức của các bậc cha mẹ ở thành phố, được tiếp cận thông tin, tuyên truyền tốt hơn mặt khác tại các thành phố thường có nhiều bể bơi và vào mỗi kỳ nghỉ hè, phụ huynh chỉ cần đăng ký cho con mình một khóa học bơi với những huấn luyện viên được đào tạo chuyên nghiệp là các con có thể có kỹ năng bơi lội tốt.

Nhưng ở nông thôn mọi việc không đơn giản. Trước đây khi sông hồ chưa bị ô nhiễm nhiều, trẻ em ở làng quê thường tắm sông từ nhỏ, và như một bản năng chúng biết bơi sớm.

Ngày nay, sông hồ bị ô nhiễm nhiều nên sinh hoạt của người dân liên quan đến sông hồ không như trước. Việc dạy bơi ở các vùng nông thôn không được chú trọng. Mặt khác, cha mẹ ở nhiều làng quê có khi phải ra thành phố kiếm sống, trẻ nhỏ phải ở nhà với ông bà, họ hàng.

Cha mẹ không có thời gian dạy bơi cho con. Các lớp học bơi không có, mà nếu có là phải miễn phí, nếu trả tiền thì rất ít gia đình có thể có tiền cho con đi học bơi. Điều đó dẫn đến khi gặp các tình huống nguy hiểm về nước trẻ ở nông thôn thường gặp nạn và không biết cách xử lý.

Tai nạn đuối nước ở trẻ em mà đặc biệt ở vùng nông thôn vẫn xảy ngày một tăng. Bên cạnh giải pháp của các cơ quan chức năng thì cha mẹ, những người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo... cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn trẻ cách phòng ngừa, xử lý tránh nơi nguy hiểm. Chỉ khi nào có sự phòng chống tích cực từ mọi phía thì khi đó mới hạn chế được tối đa tai nạn đuối nước của trẻ.em.

Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng chống đuối nước trẻ em cần triển khai rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt những vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao. Chính quyền các cấp cũng cần siết chặt công tác quản lý, không để các bãi tắm tự phát hoạt động thiếu kiểm soát dẫn tới mất an toàn tính mạng cho mọi người. Phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa gia đình và xã hội trong việc chăm lo nơi vui chơi, cũng như quản lý trẻ em trong những ngày hè.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ