Theo nguồn tin của Báo GD&TĐ, cuộc họp lấy ý kiến của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ GTVT, Bộ LĐTB&XH, Văn phòng Quốc hội do ông Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì. Ngoài ra, với sự có mặt của đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), cùng một số chuyên gia, nhà khoa học.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về tính hợp pháp, hợp hiến và phù hợp với Công ước số 29 về Lao động cưỡng bức của Thông tư 21. Theo đó, đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Có đủ căn cứ để khẳng định quy định mục 3 Phụ lục 10 của Thông tư 21 có những dấu hiệu trái với Bộ Luật lao động cũng như vi phạm tới quyền con người, vi phạm thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến quyền công dân trong Hiến pháp. Cũng có ý kiến bổ sung cho rằng đây là quyền lựa chọn nghề nghiệp và nơi làm việc, đó cũng là quyền cơ bản của công dân được quy định tại Điều 35 Hiến pháp 2013; quyền con người chỉ bị hạn chế theo quy định của Luật vì lý do quốc phòng, an ninh và trật tự quốc gia (Điều 14)”.
Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT, đại diện VNA tiếp tục bảo vệ quan điểm cho rằng quy định tại Thông tư 21 có những điều không thống nhất với Bộ luật lao động về thời hạn phải báo trước. Nhưng Luật Hàng không dân dụng (HKDD) lại quy định giao cho Bộ trưởng Bộ GTVT quy định cụ thể về chế độ lao động và kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.
Ngoài cuộc họp nêu trên, ngày 26/10/2018, Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn số 4514/LĐTBXH-PC gửi Bộ Tư pháp. Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: “Quy định của Thông tư 21 là không phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2012 (Điều 36, Điều 37) và Hiến pháp năm 2013 (Khoản 2 Điều 14)”.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 165 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện việc kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Khoản 3 Điều 166 luật này cũng quy định, trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, có nội dung trái pháp luật không được xử lý thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đó.
Cũng theo quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP thì một trong những yếu tố bắt buộc của kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là xem xét, đánh giá, kết luận tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật.
Như vậy, trách nhiệm kiểm tra và kết luận về tính bất hợp pháp của Thông tư 21 là của Bộ Tư pháp. Dư luận đang chờ đợi Bộ Tư pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đối với vấn đề này, nhất là khi nhiều cơ quan, trong đó có Bộ LĐ-TB&XH đã lên tiếng.
Tại phần 14.169 của văn bản này, có quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày. Ngoài ra khi chuyển đổi nhà khai thác, nhân viên phải: “Đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại theo quy định…”.
Điều mà dư luận đang quan tâm đó là những quy định trong 2 Thông tư này của Bộ GTVT đang trái với Điều 35 của Hiến pháp; trái với Điều 37 Bộ luật Lao động và trái với Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.