Bộ GTVT có đang vi phạm Công ước Quốc tế

GD&TĐ - Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT do Bộ GTVT ban hành thay thế Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT ngoài việc trái với Hiến pháp và Bộ luật Lao động, văn bản này đang còn có dấu hiệu vi phạm Công ước số 29 về Lao động cưỡng bức, 1930 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Phi công của Vietnam Airlines. Ảnh: Zing.vn
Phi công của Vietnam Airlines. Ảnh: Zing.vn

Với việc Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT (Thông tư 21/2017) thay thế cho Thông tư 41/2015/TT-BGTVT (Thông tư 41/2015) của Bộ GTVT ban hành, quy định trong phần 12 và 14 của Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng trong lĩnh vực tàu bay, và khai thác tàu bay đang có dấu hiệu vi phạm Công ước Quốc tế về Lao động cưỡng bức.

Trao đổi với Báo GD&TĐ về vấn đề này, Luật sư Lê Minh Thắng – Giám đốc công ty Luật K và Cộng sự, phân tích: “Khoản 1 Điều 2 Công ước số 29 về Lao động cưỡng bức, 1930 của ILO có định nghĩa cụm từ “lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc” có nghĩa là mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người bị ép buộc phải làm dưới sự đe doạ về bất kỳ hình phạt nào và bản thân người đó không tự nguyện làm”.

Theo Luật sư Lê Minh Thắng, việc Thông tư 21/2017 của Bộ GTVT lạm dụng tính đặc thù quy định “nhân viên hàng không trình độ cao muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày” so với quy định của Bộ luật lao động là phải báo trước 45 ngày, vô hình chung đang ép người lao động phải làm việc một cách không tự nguyện.

Bên cạnh đó, năm 2015, nhiều phi công (nhân viên hàng không trình độ cao) của VNA cũng xin thôi việc vì cho rằng lương mà hãng chi trả thấp. Lúc đó, Bộ Giao thông đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), yêu cầu tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác với lực lượng lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines (VNA). Với công văn này, VNA đã từ chối việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với các phi công nói trên.

Cách làm nêu trên đã buộc các phi công không có sự lựa chọn nào khác, hoặc chỉ còn phải tiếp tục làm việc cho VNA, hoặc phải bồi hoàn cho VNA một khoản tiền phi lý để được làm việc với hãng khác, hoặc là chịu thất nghiệp.

Bình luận về điều này, Luật sư Thắng cũng cho rằng động thái này của Bộ GTVT đã vin vào thời hạn “ít nhất 120 ngày” và các yêu cầu chuyển đổi nhà khai thác nhằm gây khó cho các phi công nếu muốn nghỉ việc hoặc chuyển sang hãng khác làm việc. Ngoài ra, Bộ GTVT vì lợi ích của VNA mà áp đặt, cưỡng bức các phi công phải làm việc cho VNA với mức lương thấp hơn mặt bằng chung là trái với ý muốn của họ. Điều này đã vi phạm Điều 4 Công ước số 29:

“Điều 4.1. Nhà chức trách có thẩm quyền không được áp đặt hoặc cho phép áp đặt việc lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc vì lợi ích của cá nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân.

2. Nếu một hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc vì lợi ích của cá nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân như vậy còn tồn tại tại thời điểm quốc gia thành viên Công ước này đăng ký phê chuẩn Công ước với Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế, thì quốc gia thành viên đó phải bãi bỏ hoàn toàn việc lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc đó, từ ngày Công ước này bắt đầu có hiệu lực đối với quốc gia thành viên đó.”

Đồng quan điểm với Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Luật sư Lê Minh Thắng cũng cho rằng: “Một văn bản có dấu hiệu vi phạm hiến pháp trái luật như vậy cần phải được sửa đổi hủy bỏ ngay lập tức vì đối tượng chịu tác động rất lớn và hậu quả rất nghiêm trọng (toàn bộ nhân viên hàng không trình độ cao) và chúng tôi cũng đã gửi các văn bản đến các cơ quan chức năng có liên quan như: Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Bộ tư Pháp, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Cục quản lý văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Hà Nội (ILO), … để đề nghị các cơ quan vào cuộc xử lý văn bản sai phạm, bảo vệ tính hợp Hiến, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, chúng tôi sẵn sàng bảo vệ quyền lợi cho người lao động đã và đang bị ảnh hưởng bởi các quy định trái pháp luật này (các lao động trình độ cao đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Thông tư 21/2017 TT-BGTVT) ngay khi có đơn yêu cầu.

Văn bản Tổng LĐLĐ Việt Nam phúc đáp Công ty Luật K và Cộng sự.
Văn bản Tổng LĐLĐ Việt Nam phúc đáp Công ty Luật K và Cộng sự. 

Cũng theo Luật sư Lê Minh Thắng, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam mới đây đã có văn bản Số: 1949/TLĐ phúc đáp Đơn kiến nghị của Công ty Luật K và Cộng sự về việc xử lý văn bản vi hiến, trái luật. Theo đó, “Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sẽ tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ”, Luật sư Thắng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…