Đồng thời, tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 88 về đổi mới sách giáo khoa theo lộ trình; thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, trước hết phải giải quyết căn bản tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương rà soát, xây dựng đề án phát triển giáo viên trong 5 năm tới để chủ động nguồn nhân lực sư phạm. Theo đó, rà soát sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên địa bàn đảm bảo hiệu quả. Bộ GDĐT sẵn sàng cùng các địa phương xây dựng, thực hiện có hiệu quả đề án này.
“Rà soát sắp xếp trường lớp tinh gọn nhưng phải đảm bảo chất lượng giáo dục, tránh tình trạng có học sinh nhưng không có giáo viên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong báo cáo văn kiện đại hội Đảng vừa rồi, nhiều địa phương đưa ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội nhưng chưa rõ giải pháp nhân lực thực hiện. Vì thế, các địa phương cần quan tâm hơn vấn đề nguồn nhân lực.
“Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các địa phương tính toán nhu cầu các loại, trình độ nhân lực của địa phương để xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực của địa phương giai đoạn 5 năm tới. Theo đó, rà soát sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo tại địa phương một cách hợp lý, tiến tới sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo trên toàn quốc”, Bộ trưởng nói.
Đối với hoạt động chuyển đổi số đang được ngành giáo dục triển khai rất mạnh, Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT và các Bộ, ngành khác cùng các địa phương đẩy mạnh hoạt động này, trong đó xây dựng chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, kết nối toàn ngành, để đảm bảo thủ tục hành chính trong ngành giáo dục được thực hiện thuận lợi trên môi trường số.