Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm Trưởng Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc

GD&TĐ - Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3043/QĐ-BYT về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Quyết định số 3043/QĐ-BYT về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc do Bộ Y tế ban hành, Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 làm Trưởng ban; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn có 5 Tiểu ban (gồm: Tiểu ban Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin; Tiểu ban Tiêm chủng; Tiểu ban An toàn tiêm chủng; Tiểu ban Giám sát chất lượng vắc xin; Tiểu ban Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và truyền thông) và Văn phòng thường trực.

Riêng Tiểu ban Giám sát chất lượng vắc xin, Tiểu ban An toàn tiêm chủng và Tiểu ban Tiêm chủng có nhiệm vụ phối hợp với các tiểu ban khác giám sát chất lượng vắc xin từ khi tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản cho đến khi triển khai tiêm chủng tại các điểm tiêm trên toàn quốc. 

Ngoài ra, chỉ đạo xây dựng các hướng dẫn về tiêm chủng, xử trí cấp cứu đối với sự cố bất lợi sau tiêm chủng, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn và theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ…

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao… xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay cho người dân từ nay đến hết năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. Ảnh:Trần Minh
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. Ảnh:Trần Minh

Theo tính toán của Bộ Y tế, nếu số lượng vắc xin về đủ, khoảng 110-150 triệu liều vắc xin, trong vòng 3 đến 6 tháng còn lại trong năm nay, ước tính mỗi ngày Việt Nam sẽ tiêm khoảng 300.000-500.000 liều/ngày và đảm bảo hoàn thành chiến dịch tiêm.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2021 và đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng.

Mà muốn có miễn dịch cộng đồng việc quan trọng là phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số. Đây là điều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị cũng như Chính phủ trong vấn đề mua vắc xin và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để làm sao đảm bảo người dân tiếp cận được vắc xin.

Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, an toàn tiêm chủng là vấn đề Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Trong triển khai công tác tiêm chủng thời gian qua ở Việt Nam (không chỉ đối với vắc xin phòng Covid-19 mà còn nhiều vắc xin khác) Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...