Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Không để HS phải nghỉ học vì không có SGK

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Không để HS phải nghỉ học vì không có SGK

PV: Ngành Giáo dục đã bị thiệt hại nặng nề sau hai cơn lũ vừa qua. Vậy, con số thống kê cụ thể về tình hình thiệt hại do mưa lũ của các trường là như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trong những ngày vừa qua, chúng tôi đã thường xuyên cập nhật thông tin từ các tỉnh về tình hình thiệt hại do mưa lũ. Đến ngày 25/10, theo thống kê nhanh từ 3 tỉnh bị lụt, hầu hết các trường học và gia đình học sinh đều bị thiệt hại nặng nề; hầu hết SGK, vở và đồ dùng học tập đều bị nước lũ cuốn trôi.

Riêng tại Hà Tĩnh, có một học sinh THCS bị lũ cuốn; 568 trường học bị ngập; khoảng 170.000 bộ SGK bị mất; 9.000 mét tường rào bị sập đổ; 12.700 bộ bàn ghế bị hỏng; 1.300 căn hộ của giáo viên bị ngập và trên 320 phòng thư viện, thiết bị dạy học, máy tính bị hư hỏng. Tổng thiệt hại lên tới 405 tỷ đồng.

Tại Quảng Bình, con số thiệt hại về SGK các cấp (từ mầm non đến THPT) lên tới khoảng 173.000 bộ; gần 2.900 phòng học bị ngập nước; rất nhiều thiết bị dạy học, thư viện trường học, thiết bị văn phòng bị hư hỏng nặng. Ngoài ra, các công trình xây dựng theo chương trình kiên cố hóa đang thi công, chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng bị hư hại. Cá nhân cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục cũng bị mất mát nhiều tài sản. Tổng thiệt hại của ngành Giáo dục Quảng Bình vào khoảng 212 tỷ đồng.

Tổng thiệt hại của ngành Giáo dục Nghệ An ước khoảng 88 tỷ đồng với 35.000 mét tường rào bị đổ; khoảng 40.000 bộ sách bị mất; rất nhiều thiết bị dạy học, thư viện trường học, thiết bị văn phòng bị hư hỏng nặng. 5 em học sinh ở Nghệ An cũng bị chết đuối vì mưa lũ.

Tổng hợp lại, thiệt hại của ngành giáo dục đào tạo là khoảng 705 tỷ đồng; riêng số lượng SGK bị mất đã lên tới 383.000 bộ, tương đương khoảng 27 tỷ đồng.

SGK đã sẵn sàng giúp học sinh vùng lũ


PV: Trước những thiệt hại lớn như vậy, ngành Giáo dục có biện pháp gì để hỗ trợ cho các trường, cho giáo viên và học sinh vùng lũ thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Ngay sau khi nước lũ bắt đầu rút, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình học sinh thu dọn, làm vệ sinh trường học, cố gắng ổn định tình hình, sớm đưa các em học sinh đến trường.

Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, phát động đợt quyên góp trong toàn ngành, đồng thời làm việc với các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO, Quỹ cứu trợ trẻ em…, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong nước ủng hộ ngành Giáo dục. Đến nay, đã có rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành gửi hỗ trợ về cho các tỉnh bị thiệt hại với tổng số tiền khoảng 3 tỷ đồng (100.000 USD của UNICEF; 250 triệu quyên góp từ tập thể, cá nhân các đơn vị thuộc cơ quan Bộ; 700 triệu do các đơn vị trong ngành giáo dục quyên góp; 100 triệu quyên góp được tại Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục vừa qua).

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức in bổ sung SGK và sẵn sàng cung cấp SGK cho các học sinh, kiên quyết không để các em phải bỏ học vì không có SGK. Đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành việc này và sẵn sàng cung cấp đủ SGK cho các tỉnh.

Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo 3 sở GD&ĐT khẩn trương thống kê cụ thể các thiệt hại. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ thống nhất với các Bộ ngành liên quan để sớm đề xuất với Chính phủ các biện pháp hỗ trợ cần thiết, vì thiệt hại là rất lớn, tài trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành không thể đáp ứng được nhu cầu. Đến nay, đã có báo cáo của Sở GD&ĐT Quảng Bình và Hà Tĩnh.

3 ngày sau đợt lũ lụt đầu tiên xảy ra, Bộ GD&ĐT đã có đoàn công tác do Thứ trưởng Trần Quang Quý dẫn đầu đã đến thăm 3 tỉnh, chuyển 250 triệu quyên góp được từ các đơn vị thuộc Bộ (trong đó có 50 triệu là SGK do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ủng hộ) và chuyển một số lượng học cụ, thiết bị dạy học với tổng trị giá 100.000 USD do Quỹ hỗ trợ khẩn cấp của UNICEF cung cấp (70.000 USD cho Quảng Bình, 30.000 USD cho Hà Tĩnh).

Trong tuần này, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức 1 đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa làm trưởng đoàn đến làm việc trực tiếp với 3 tỉnh để cùng phối hợp bàn biện pháp khắc phục hậu quả cơn lũ, sớm đưa các nhà trường trở lại hoạt động bình thường.

Mục tiêu chung là: Sớm ổn định tình hình, đưa các em học sinh đến trường. Trước mắt cố gắng cung cấp đủ SGK để các em có thể đi học, sau đó sẽ từng bước khắc phục các thiệt hại khác về cơ sở vật chất cho các nhà trường và giúp đỡ gia đình các giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh gặp khó khăn.

Lớp học sau lũ. Ảnh: gdtd.vn
Ngày 25/10, HS vùng rốn lũ Hà Tĩnh bắt đầu đi học trở lại. Ảnh: gdtd.vn

PV: Miền Trung vừa trải qua 2 trận lũ liên tiếp, các em học sinh phải nghỉ học dài ngày, điều này có ảnh hưởng đến kế hoạch năm học và làm thế nào để đảm bảo được chương trình học thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Vũ  Luận: Theo kế hoạch năm học mà Bộ GD&ĐT ban hành đã có khoảng 2 tuần dự trữ, chính là để nhà trường có khả năng điều chỉnh chương trình học tập trong các trường hợp thiên tai địch họa. Việc điều chỉnh chương trình học cho các em học sinh bị lũ lụt là hoàn toàn khả thi. Các Sở GD&ĐT căn cứ tiến độ khắc phục hậu quả cơn lũ sẽ hướng dẫn các nhà trường có điều chỉnh.

PV: Cơn lũ lớn cũng làm cho các giấy tờ, học bạ của học sinh bị cuốn trôi, nhòe ướt. Bộ trưởng có thể cho biết, ngành Giáo dục có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Việc bị mất, thất lạc sổ điểm, học bạ của học sinh là vấn đề khó khăn trong khôi phục. Trên thực tế, cũng đã có nhiều trường hợp tương tự (bão lũ, cháy trường…). Nguyên tắc chung cho sở GD&ĐT và nhà trường là xem xét từng trường hợp cụ thể. Nếu không thể khắc phục được những dữ liệu này thì Hiệu trưởng sẽ xác nhận thực trạng, sở GD&ĐT tổng hợp và báo cáo Bộ GD&ĐT để giải quyết với quan điểm là đảm bảo tối đa quyền lợi cho học sinh.

Nhân dịp này, Bộ GD&ĐT cũng trân trọng kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, tiếp tục giúp đỡ ngành Giáo dục 3 tỉnh bị thiệt hại do lũ lụt vừa qua. Đồng thời, xin đề nghị các đơn vị, các nhà hảo tâm thông báo về Bộ GD&ĐT những khoản trợ giúp của mình đã được chuyển về các tỉnh; phối hợp với Văn phòng Bộ GD&ĐT hoặc sở GD&ĐT các tỉnh để cùng điều phối các khoản hỗ trợ này, tránh tình trạng tập trung quá nhiều hỗ trợ cho một nhà trường, cá nhân nào đó mà bỏ sót đơn vị, cá nhân khác.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi.

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.