Không bỏ lọt tội phạm
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan điều tra Bộ Công an, Công an tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đang điều tra 3 vụ với 16 bị can do gian lận thi cử trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở các địa phương trên. Đến nay, đã đủ căn cứ kết luận hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn và nhiệm vụ được giao để thực hiện hành vi sửa chữa nâng điểm cho thí sinh. Qua đấu tranh, khởi tố đã làm rõ có 214 thí sinh được nâng điểm; trong đó: Hòa Bình có 63 thí sinh, Hà Giang có 107 thí sinh và Sơn La có 44 thí sinh.
Về vấn đề làm rõ vi phạm phụ huynh đưa tiền cho các bị can sửa điểm, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay: Trước mắt để bảo đảm đúng thời hạn, cơ quan điều tra kết luận, truy tố các bị can về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao thực hiện việc can thiệp sửa điểm thi cho thí sinh. Việc đưa nhận tiền nêu trên đang được tiếp tục điều tra củng cố chứng cứ theo quy định của pháp luật.
Về ý kiến cho rằng, Bộ Công an nên vào cuộc điều tra để bảo đảm khách quan không để cho các địa phương làm. Bộ trưởng Tô Lâm lý giải: Do tính chất vụ án nên Bộ Công an luôn theo dõi, giám sát kiểm tra bảo đảm đúng người, đúng tội. Hiện nay, chưa có dấu hiệu nào thể hiện việc cơ quan điều tra địa phương không khách quan, bỏ lọt người, lọt tội.
Liên quan đến vụ việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an nói rõ thêm vì sao giao thẩm quyền điều tra ở các nơi có sự khác nhau. Về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Thẩm quyền điều tra các vụ việc này cơ bản là của cơ quan điều tra địa phương. Tuy nhiên, vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, cơ quan điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra là vì Bộ Công an nhận thấy, đây là một loại tội phạm mới, mới xuất hiện năm 2018, cơ quan điều tra cũng cần có kinh nghiệm. “Trong quá trình điều tra, chúng tôi cũng quan tâm đặc biệt đến loại tội phạm mới này, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát địa phương để có giám sát”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 4/6. Ảnh Quang Khánh |
Giải pháp căn cơ
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) về giải pháp căn cơ để không xảy ra sai phạm như trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ: Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, từ việc tổ chức thi đến chấm thi nhằm bảo đảm an ninh trật tự cho kỳ thi; trong đó có việc phòng chống gian lận thi cử như: Kiểm soát các phương tiện, thiết bị công nghệ cao... “Chúng tôi đều có phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với Bộ GD&ĐT để phòng chống gian lận thi cử và thương mại hóa trong thi cử” – Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ.
Tất cả phải toàn diện, nếu phát hiện vi phạm ở mức nào thì xử lý ở mức đó. Ở mức hành chính thì xử lý hành chính, còn đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự. Không làm oan cũng như không có vùng cấm.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn, làm rõ thêm về xử lý sai phạm thi cử trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an kiểm tra xác minh, nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Bộ Công an đang tiếp tục điều tra xác minh để xử lý sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại một số địa phương. Trong phiên họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2019 bảo đảm trung thực, khách quan, tạo niềm tin cho phụ huynh và HS; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm bảo đảm kỳ thi được tổ chức khách quan, trung thực”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay.
Đi thẳng vào câu hỏi của đại biểu Quốc hội chất vấn về những giải pháp căn cơ để tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia không xảy ra sai phạm như năm 2018, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chia sẻ: Có câu chuyện là, phụ huynh muốn cho con em thi đậu nên có hành động tiêu cực. Cũng có người trong ngành GD tiêu cực, quản lý Nhà nước chưa được chặt chẽ nên để xảy ra sai sót, để một số người lợi dụng dẫn đến hành vi tiêu cực.
Theo Phó Thủ tướng, trước hết là ý thức, trách nhiệm chung của xã hội, trong đó có phụ huynh, HS, cán bộ công chức Nhà nước và trách nhiệm của thầy cô giáo. Vấn đề đặt ra là, cần củng cố nền tảng đạo đức xã hội và nâng cao ý thức, trách nhiệm sống, tôn trọng quyền lợi của người khác, không làm mất đi cơ hội của người khác. Đó là nhận thức chung của xã hội, nhận thức này phải được GD ngay từ trong nhà trường, từ cấp mẫu giáo đến các cấp học khác. “Trong các cơ quan Nhà nước, trong hệ thống chính trị, bộ máy ngành GD, phụ huynh HS cũng phải nhận thức được điều này”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng, một trong những giải pháp quan trọng nữa là, cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ công chức, đạo đức công vụ, trách nhiệm quản lý Nhà nước và điều hành công việc. Đồng thời củng cố quy chế thi cử chặt chẽ và có sự phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng trong tổ chức thi, bảo đảm khách quan, nghiêm minh, đúng pháp luật. Mặt khác, các cơ quan cùng tham gia giám sát và xã hội cùng giám sát.