Bỏ thói quen cũ

GD&TĐ - Thay đổi vai trò, quan niệm về sách giáo khoa là một trong những điểm mới quan trọng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Sự thay đổi này có thể nói ngắn gọn: Sách giáo khoa từ vị trí là “pháp lệnh” chuyển sang vai trò “học liệu”; từ duy nhất bộ sách nay chuyển sang nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006, nội dung sách giáo khoa được coi là “nguồn kiến thức”. Từ dạy học đến kiểm tra, đánh giá, thi cử… nhất nhất phải chuẩn theo sách giáo khoa. Cấp quản lý khi thanh tra, kiểm tra, đánh giá hiệu quả tiết dạy cũng căn cứ vào sách giáo khoa… Sự trói buộc đó khiến cả thầy và trò khó có thể linh hoạt, sáng tạo trong dạy và học.

Thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được biên soạn theo chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa.

Đây là thay đổi lớn và chương trình thống nhất toàn quốc đảm nhiệm vai trò “pháp lệnh”; dạy học, kiểm tra, đánh giá theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình. Sách giáo khoa giờ đây chỉ đóng vai trò là “học liệu”, tài liệu dạy học chính, không phải là nguồn kiến thức duy nhất để tổ chức hoạt động dạy học.

Như tại hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, Bộ GD&ĐT yêu cầu: Đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, năm học, cấp học, giáo viên tránh dùng lại văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn… Một chương trình, nhiều sách giáo khoa được coi là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ “truyền thụ kiến thức” sang dạy học “phát triển năng lực”.

Thay đổi về vai trò của sách giáo khoa tất yếu dẫn đến cách sử dụng, khai thác cũng thay đổi. Sử dụng sách giáo khoa như một “con đường” để đến “đích” là yêu cầu cần đạt của chương trình, nhưng không bị lệ thuộc vào sách, phát huy sự năng động, sáng tạo của cả thầy và trò. Tuy nhiên, làm được điều này đồng thời yêu cầu giáo viên phải nỗ lực để thay đổi quán tính, thói quen cũ; nhất là hiện nay chúng ta vẫn triển khai song song 2 chương trình theo 2 cách tiếp cận khác nhau.

Có khai thác được thế mạnh của nhiều bộ sách hay không, thoát ly được sách giáo khoa hay không, phụ thuộc vào năng lực, sự cố gắng, tâm huyết mỗi thầy cô.

Trong đó, điều tối quan trọng là giáo viên cần nghiên cứu để hiểu sâu về chương trình tổng thể, chương trình môn học mình phụ trách, nắm rõ mục tiêu và khung chương trình giáo dục phổ thông; cùng đó đọc, nghiên cứu các bộ sách giáo khoa ngoài bộ nhà trường chọn để sử dụng. Điều này chắc chắn cần bỏ thời gian, công sức một cách nghiêm túc. Khi hiểu không rõ, giáo viên không thể sáng tạo, không dám dùng ngữ liệu khác hay thay đổi thứ tự, cấu trúc bài học… mà bám sát sách giáo khoa cho “an toàn”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng yêu cầu đội ngũ sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, không lệ thuộc; linh hoạt dùng các bộ sách giáo khoa, ngữ liệu, bài tập khác. Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về sách giáo khoa, nói như Bộ trưởng, chúng ta sẽ không đạt được điểm đổi mới rất quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ