Riêng việc lựa chọn sách, năm đầu tiên được thực hiện theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT, ngày 30/1/2020; và từ năm thứ 2 thực hiện theo Thông tư 25 ngày 26/8/2020.
Đã có 6 nhà xuất bản với đội ngũ nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia biên soạn và trình thẩm định đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm chất lượng, được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
SGK được phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho tổ bộ môn, giáo viên nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK.
Ngày 28/1/2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Quyết định số 438, 441, 442/QĐ-BGDĐT, phê duyệt danh mục SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Với 2 năm kinh nghiệm, các sở GD&ĐT có kế hoạch sớm, chủ động tham mưu UBND tỉnh/thành để triển khai thực hiện tốt quy trình, kế hoạch lựa chọn, giới thiệu SGK; bồi dưỡng giáo viên và cung ứng SGK mới. Ngay cả khó khăn khi chọn thành viên tham gia Hội đồng lựa chọn SGK lớp 10 với môn Âm nhạc, Mĩ thuật cũng được các địa phương tính đến để có giải pháp khắc phục.
Tuy nhiên, đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là vấn đề lớn. Đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội. Do đó, việc lựa chọn SGK tại địa phương làm sao bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật; phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội; đồng thời phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục luôn được dư luận xã hội quan tâm.
Thực hiện việc này, Thông tư 25 cần được triển khai thực hiện hết sức nghiêm túc, đặc biệt là quy trình lựa chọn SGK được quy định tại Điều 8 của Thông tư. Quy trình chọn sách thể hiện sự ưu tiên cho tính phù hợp với chuyên môn và xem trọng ý kiến chuyên môn của giáo viên, nhà trường; từ đó SGK được chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại nhà trường, với học sinh mỗi nhà trường, vùng miền, địa phương… Do đó, việc một địa phương với địa bàn đa dạng nhưng chỉ chọn được duy nhất một đầu sách rất khó lý giải về mặt chuyên môn.
Trong Công văn số 503 do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký ban hành mới đây có một nội dung đáng lưu ý liên quan đến việc này. Đó là giới thiệu khách quan, trung thực, đầy đủ thông tin về danh mục các SGK làm cơ sở để thực hiện quy trình lựa chọn sách phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.
Điều đó cũng có nghĩa, nếu vì một lý do nào đó mà một đầu sách không được giới thiệu tại địa phương cũng có thể khiến dư luận băn khoăn về yếu tố đầu vào không mang tính minh bạch. Văn bản này cũng đưa một số mốc thời gian cần quan tâm, đó là: Hoàn thành giới thiệu SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 tại địa phương trước 31/3; cung ứng SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 trước ngày 15/8.
Bên cạnh đó, lựa chọn SGK có thực sự phù hợp và chất lượng hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giáo viên - những ý kiến mang tính quyết định cho đề xuất lựa chọn sách tại cơ sở giáo dục. Do đó, đội ngũ này cần được tiếp cận với các bản mẫu SGK một cách đầy đủ, kịp thời; cần được tạo điều kiện để có thời gian và cả động lực để đọc, nghiên cứu SGK một cách nghiêm túc, trách nhiệm.
Nhưng quyết định cuối cùng lại thuộc về UBND tỉnh/thành, dựa trên kết quả lựa chọn SGK của các hội đồng do sở GD&ĐT trình. Bởi vậy, việc thận trọng, chặt chẽ trong quy trình làm việc cần được đề cao, tránh chủ quan, đặc biệt ở những khâu cuối cùng, để bảo đảm SGK được lựa chọn là phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học tại từng cơ sở giáo dục và thực tế địa phương.