Quan tâm sức khỏe tâm thần cho học sinh
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và các trường chuyên biệt (thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT).
Việc ban hành Thông tư nêu trên nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ cũng như làm căn cứ để các địa phương triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm, từ đó làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Ngoài các nội dung kế thừa những quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT nhằm giữ ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hiện có, Thông tư có một số điểm mới để phù hợp với điều kiện thực tiễn các vùng miền, phù hợp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trong đó, việc quy định bổ sung vị trí việc làm Tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và trường chuyên biệt là một điểm mới quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Bộ GD&ĐT cũng như sự ủng hộ của Bộ Nội vụ trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh trong trường học và công tác xã hội trường học.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh trong trường học và các vấn đề liên quan đến công tác xã hội trường học, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.
Tại Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn chi tiết nội dung, hình thức thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường học.
Theo đó, các nhà trường được thành lập Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.
Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành).
Từ năm 2017 cho đến nay, Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị, Quyết định liên quan đến nội dung về tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên; đồng thời Bộ GDĐT cũng tăng cường chỉ đạo nhiều văn bản về TVTL trong trường học, trong đó có một số văn bản quan trọng như:
Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/12/2019 về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, trong đó nêu rõ: nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư vấn học đường; từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục.
Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 trong đó chỉ đạo toàn ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng của học sinh bị tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài.
Tại Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập đã có quy định vị trí việc làm tư vấn học đường do giáo viên kiêm nhiệm; về chế độ đối với công tác tư vấn học sinh trong trường học: các trường tùy cấp học và quy mô được sử dụng từ 3-8 tiết/tuần để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.
Học sinh Trường THCS-THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội thuyết trình trong giờ học. |
Chú trọng tăng cường năng lực giáo viên
Năm 2018, Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh (Quyết định số 1876/QĐ-BGDĐT ngày 21/5/2018). Đây là chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ cho giáo viên để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.
Giai đoạn 2019-2021, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, xây dựng các mô-đun bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT 2018; trong đó có mô-đun 5 “Tư vấn và hỗ trợ học sinh tiểu học/THCS/THPT trong hoạt động giáo dục và dạy học” để tăng cường năng lực cho giáo viên các kỹ năng thực hiện nhiệm vụ tư vấn học sinh trong trường học.
Các mô đun bồi dưỡng này áp dụng đối với giáo viên đang giảng dạy ở trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, gồm các nội dung bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng trong cả nước.
Hàng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ nhân viên tư vấn học đường; phối hợp với các tổ chức quốc tế như Unicef, Unesco…biên soạn tài liệu, tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, tập huấn các chuyên đề về tư vấn học đường.
Từ năm 2019 đến nay, Bộ GD&ĐT đã triển khai hoạt động xây dựng “Trường học hạnh phúc”, trang bị kiến thức, kỹ năng cho CBQL và giáo viên về tư vấn tâm lý và xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc để tạo môi trường học tập thân thiện, an toàn cho học sinh.
Cho đến thời điểm hiện nay, tại Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT đã bổ sung vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông công lập và các trường chuyên biệt, thuộc nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành do Bộ GD&ĐT quản lý để thực hiện nhiệm vụ tư vấn học sinh trong trường học.
Cùng với việc xây dựng, ban hành Thông tư, trong thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Dự án Dạy học và Kỹ năng cho trẻ em - Unicef Việt Nam tổ chức khảo sát, tham vấn chuyên gia để nghiên cứu, đề xuất về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các nội dung bồi dưỡng cho vị trí việc làm này.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện các khung pháp lý về vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường học để làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị tổ chức tuyển dụng hoặc hợp đồng, giao kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ.
Thông tư cũng đồng thời làm căn cứ để các cơ sở đào tạo giáo viên cập nhật, điều chỉnh chương trình đào tạo đảm bảo phù hợp và đáp ứng yêu cầu về đội ngũ làm công tác tư vấn học sinh trong trường học.