Ban hành Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm trong trường mầm non công lập

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm trong trường mầm non công lập .

Cô - trò Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên (Hải Phòng). Ảnh: Website trường.
Cô - trò Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên (Hải Phòng). Ảnh: Website trường.

Đó là Thông tư số: 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập (Thông tư số 19).

Theo hướng dẫn của Thông tư, định mức số lượng người làm việc vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý gồm: Hiệu trưởng: Mỗi cơ sở giáo dục mầm non công lập được bố trí 1 hiệu trưởng.

Phó hiệu trưởng: Số lượng phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định về số lượng cấp phó tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại Điều 5 của Thông tư hướng dẫn, định mức số lượng người làm việc vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành như sau:

Thứ nhất về giáo viên mầm non:

Đối với nhóm trẻ: Cứ 15 trẻ em/nhóm trẻ từ 3 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi; 20 trẻ em/nhóm trẻ từ 13 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi; 25 trẻ em/nhóm trẻ từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ;

Đối với lớp mẫu giáo: Cứ 25 trẻ em/lớp từ 3 tuổi đến 4 tuổi; 30 trẻ em/lớp từ 4 tuổi đến 5 tuổi; 35 trẻ em/lớp từ 5 tuổi đến 6 tuổi được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp;

Những cơ sở giáo dục mầm non không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này hoặc sau khi bố trí nhóm trẻ, lớp mẫu giáo theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này còn dư số trẻ thì định mức giáo viên mầm non sẽ tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo như sau: Cứ 6 trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi hoặc 8 trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi hoặc 10 trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi, 11 trẻ từ 3 đến 4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4 đến 5 tuổi hoặc 16 trẻ từ 5 đến 6 tuổi thì được bố trí thêm 1 giáo viên;

Đối với nhóm trẻ ghép, lớp mẫu giáo ghép theo Điều lệ trường mầm non thì được bố trí định mức giáo viên theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này;

Đối với điểm trường chỉ có 1 nhóm trẻ hoặc 1 lớp mẫu giáo không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định điểm a, điểm b khoản 1 Điều này thì được bố trí 2 giáo viên/nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo.

Thứ hai về vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật:

Đối với cơ sở giáo dục mầm non có trẻ khuyết tật học hòa nhập: Cơ sở giáo dục có dưới 20 trẻ khuyết tật học hòa nhập thì được bố trí 1 người; cơ sở giáo dục có từ 20 trẻ khuyết tật học hòa nhập trở lên thì được bố trí tối đa 2 người.

Khi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có 1 trẻ khuyết tật học hòa nhập thì sĩ số của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được tính giảm 5 trẻ. Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo không có quá 2 trẻ khuyết tật học hòa nhập;

Trường hợp không bố trí được biên chế để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật thì bố trí hợp đồng lao động hoặc giáo viên kiêm nhiệm.

Liên quan đến định mức số lượng người làm việc vị trí việc làm chuyên môn dùng chung (kế toán, văn thư, thủ quỹ, thư viện), Thông tư số 19 hướng dẫn, các cơ sở giáo dục mầm non được bố trí 2 người để thực hiện các nhiệm vụ kế toán, văn thư, thủ quỹ, thư viện.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non có từ 5 điểm trường trở lên hoặc có từ 15 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trở lên thì bố trí 3 người để thực hiện nhiệm vụ kế toán, văn thư, thủ quỹ, thư viện.

Những vị trí việc làm không bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm. Các cơ sở giáo dục mầm non căn cứ tính chất, khối lượng công việc và điều kiện thực tế để xác định vị trí việc làm, số lượng người làm việc đối với từng vị trí và nhiệm vụ kiêm nhiệm phù hợp.

Đối với định mức số lượng người làm việc vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ (y tế học đường, bảo vệ, phục vụ, nấu ăn), Điều 7 của Thông tư số 19 quy định: Các cơ sở giáo dục mầm non bố trí tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ y tế học đường, tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ phục vụ.

Căn cứ tính chất, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục mầm non xác định số lượng lao động hợp đồng đối với từng vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bán trú thì được bố trí lao động hợp đồng để thực hiện công việc nấu ăn cho trẻ em. Căn cứ số lượng trẻ em, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục mầm non xác định số lượng lao động hợp đồng phù hợp để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn.

>>>> XEM CHI TIẾT THÔNG TƯ TẠI ĐÂY

Thông tư số 19 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12/2023. Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tin đăng việc làm ngân hàng tại Vieclam24h Đơn hàng Tokutei Bí quyết tìm công việc dài hạn