Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về bình đẳng giới trong hoạt động giáo dục, trong chương trình giáo dục, sách giáo khoa và phương pháp giáo dục trong khi vấn đề bình đẳng giới luôn được quan tâm bởi các tổ chức quốc tế và cũng như các quốc gia.
Hướng sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo bình đẳng giới tại một số Điều luật của Dự thảo như: Điều 7 về chương trình giáo dục, Điều 12 về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, Điều 30 về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa.
Về vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục, tổng hợp ý kiến nhân dân của Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) – Thường trực Ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) - về cơ bản có hai loại ý kiến.
Trong đó, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật, bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo bình đẳng giới tại một số điều của Dự thảo như về chương trình giáo dục, về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa vì Luật Giáo dục hiện hành chưa có quy định cụ thể trong khi vấn đề bình đẳng giới luôn được quan tâm bởi các tổ chức quốc tế và cũng như các quốc gia.
Đồng thời, đề nghị bổ sung cụm từ “giới tính” vào một số điều khoản quy định về yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục; chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, nhằm bảo đảm sự tôn trọng và bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục;
Bên cạnh đó, còn có ý kiến đề nghị không nên bổ sung thêm nội dung đảm bảo quyền bình đẳng giới trong chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa phổ thông vì nội dung này đã có trong chương trình giáo dục ngoại khóa. Hơn nữa trong chương trình các môn học có quá nhiều nội dung tích hợp, quá tải đối với học sinh;
Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số của nhân dân như nêu trên, sửa đổi, bổ sung quy định tại điều về chương trình giáo dục như sau: “Chương trình giáo dục phải bảo đảm tính khoa học và thực tiễn…đáp ứng mục tiêu bình đẳng giới, yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Bổ sung quy định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế”.
Bổ sung quy định về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa như sau: “Nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội. Sách giáo khoa gồm sách in, sách chữ nổi, sách điện tử và học liệu”.
Những nội dung này đảm bảo quy định cụ thể về bình đẳng giới trong giáo dục phù hợp với Luật Bình đẳng giới.