Tại buổi tọa đàm, hầu hết các ý kiến đều nhất trí cao với các quy định, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đồng thời đưa ra các ý kiến trao đổi thẳng thắn, đề xuất những ý kiến, những đề xuất kĩ thuật để giúp Luật phù hợp hơn với thực tế xã hội.
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là cần phải có Luật Nhà giáo, cần đảm bảo đời sống của giáo viên, giúp các thầy cô yên tâm công tác, cần phải thu hút được những người giỏi vào ngành Sư phạm để tăng chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Quy định hiện nay không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm là không hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, do nhu cầu của thị trường lao động đã thay đổi, nhiều sinh viên sư phạm ra trường không được làm đúng ngành, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Do đó, dự thảo Luật đã sửa quy định về chế độ tín dụng sư phạm: Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt trong toàn khóa học..
Đồng tình với chủ trương chỉnh sửa quy định về chế độ tín dụng sư phạm, tuy nhiên, các đại biểu đều cho rằng chế độ tín dụng sư phạm cũng như việc miễn học phí như trước đây đều chỉ là giải pháp “phần ngọn”, mà vấn đề có chính sách tốt hơn đối với giáo viên mới là “phần gốc”.
Các đại biểu phát biểu tại tọa đàm. |
Cô Nguyễn Thị Hạnh – thành viên nhóm nghiên cứu phân tích: Thực tế cũng cho thấy việc miễn học phí không thực sự là lí do để khuyến khích sinh viên vào học ngành sư phạm. Điều kiện, môi trường làm việc, chế độ lương, ưu đãi trong quá trình công tác và lòng yêu nghề, nhiệt huyết đam mê mới thu hút và giữ chân nhà giáo.
Lấy ví dụ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Quỳnh - giảng viên khoa Triết học (ĐHSPHN) nêu quan điểm: Năm 1997, lương của giáo viên được nâng lên đã tạo đột biến chất lượng đầu vào cho các trường sư phạm.
Điển hình nhất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có điểm đầu vào rất cao, điểm chuẩn vào khoa Toán là 27 điểm, khoa thấp nhất cũng lấy 23-24 điểm. Khi có việc làm sau khi ra trường, các sinh viên giỏi sẽ lựa chọn theo học ngành sư phạm.
Còn cô Nguyễn Thu Hạnh- Phòng CTHSSV (ĐHSPHN) bày tỏ ý kiến: Nếu chấp nhận tín dụng cho sinh viên sư phạm thì làm thế nào để sinh viên sử dụng nguồn vay này cho hiệu quả, làm thế nào để chính sách này đến được với những người cần, dùng kĩ thuật nào để xác nhận được việc đó.
Có trường hợp khi vay vốn rồi, học xong 4-5 năm trong trường nhưng không thể xin được việc làm đúng ngành sư phạm thì hướng giải quyết sẽ thế nào để những sinh viên này không phải mang một món nợ lớn.
Hiện nay, không có quy định về phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, mà phải thông qua quá trình tuyển dụng theo Luật Viên chức. Quy định hiện nay của Luật Giáo dục và các luật khác không thu hút được sinh viên giỏi học ngành sư phạm, vì khó tìm được việc làm đúng ngành đào tạo do hiện nay chưa có quy định, cơ chế tuyển dụng/phân công công việc đặc thù riêng cho các sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp.
Thêm vào đó, cơ quan chức năng khi xác định chỉ tiêu biên chế, giảm biên chế và quy trình tuyển dụng vẫn chưa tính đến đặc thù của ngành giáo dục, tình trạng nơi thừa giáo viên, nơi thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều nơi mà Bộ GD&ĐT không có chức năng thẩm quyền giải quyết.
Do đó, Dự thảo Luật nên bổ sung các quy định đặc thù về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng giáo viên cho sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm và các cơ sở giáo dục công lập. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến việc sửa Luật viên chức. Tiếp theo là sửa đổi các quy định về lương và phụ cấp của giáo viên để phù hợp, đảm bảo đời sống cho giáo viên.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đề cập đến nhiều vấn đề được quan tâm như triết lý giáo dục trong dự thảo luật đã được đưa vào trong nội dung dự thảo Luật (mục tiêu, nguyên tắc…), vấn đề bình đẳng giới, chính sách cử tuyển, chính sách học phí, xã hội hóa giáo dục, mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – xã hội…
Về vấn đề này, nhiều ý kiến thảo luận cho rằng Luật Gáo dục cần phải ghi cụ thể hoá trách nhiệm và quyền lợi của gia đình và xã hội trong các hoạt động giáo dục của nhà trường.