Tìm cơ hội cho phụ nữ làm lãnh đạo

GD&TĐ - Sau khi tham gia khóa học ngắn hạn Chương trình Học bổng Chính phủ Australia “Hành trình Hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo”, TS dân tộc Lào Lò Thị Mai Thu – Phó Trưởng khoa Sinh hóa, Trường ĐH Tây Bắc đã tìm hiểu, học hỏi các mô hình của trường ĐH Australia cùng các trường ĐH Việt Nam, ấp ủ triển khai dự án Tăng cường cơ hội cho phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo trong Trường ĐH Tây Bắc.

TS Lò Thị Mai Thu chia sẻ về hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo
TS Lò Thị Mai Thu chia sẻ về hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo

Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Theo chị Mai Thu, cán bộ nữ trong trường chiếm hơn 1/2 so với nam giới nhưng tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo lại thấp hơn rất nhiều. Theo đó, nếu chỉ so sánh về tỷ lệ thì cán bộ, giảng viên nữ cần phải được đảm trách những vị trí quan trọng, có quyền ra quyết định và bênh vực những phụ nữ khác. Chính vì vậy, sau khi được học các kiến thức từ “Hành trình Hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo”, chị Mai Thu quyết định triển khai dự án bằng cách tuyên truyền giúp mọi người hiểu rõ và ủng hộ việc tăng cường cơ hội cho phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo.

TS Mai Thu phát phiếu điều tra, tổng hợp các ý kiến của lãnh đạo, cán bộ, giảng viên xung quanh việc phụ nữ làm lãnh đạo. Sau đó, đăng những bài tuyên truyền trên website và bản tin nội bộ của nhà trường. Ngay trong bài phát biểu trước Đại hội Công đoàn, chị Mai Thu cũng đề cập đến chủ đề này để mọi người nhận thức rõ ràng hơn trong việc ủng hộ cho phụ nữ làm lãnh đạo.

Phiếu điều tra thu được cho kết quả 100% ủng hộ cán bộ, giảng viên nữ trong trường tham gia vào các vị trí lãnh đạo. TS Mai Thu nhận định không chỉ có lãnh đạo ủng hộ thì phụ nữ mới có cơ hội làm lãnh đạo mà những cán bộ công nhân, viên chức bình thường nếu nhiệt tình ủng hộ bằng lá phiếu, bình chọn… thì cơ hội cho phụ nữ phát triển cũng rất cao.

Khó khăn nhất: Nguồn quy hoạch

Trong quá trình thực hiện dự án, TS Mai Thu nhận thấy điều gây khó khăn nhất cho phụ nữ làm lãnh đạo chính là phải nằm trong nguồn quy hoạch, phải có đủ số phiếu bầu. Trên thực tế, có nhiều phụ nữ có đủ các điều kiện để làm lãnh đạo, nhưng lại không có trong danh sách quy hoạch nguồn. Bên cạnh đó, chính những người đã đủ điều kiện làm lãnh đạo lại không đủ tự tin xông pha đứng đầu, muốn dành nhiều thời gian cho gia đình, con cái, cho công việc chuyên môn… Vậy nên số lượng cán bộ, giảng viên nữ nắm giữ vị trí lãnh đạo trong trường lại càng ít.

“Tôi đã đề xuất lên cấp trên đưa vào quy chế, điều lệ nếu đơn vị có từ 50% phụ nữ trở lên thì phụ nữ phải có vị trí trong Ban Chủ nhiệm khoa hoặc trong lãnh đạo tổ/bộ môn… Lãnh đạo nhà trường rất ủng hộ. Tuy nhiên, việc này cần phải có thời gian vì phải có đợt để đưa các cán bộ, giảng viên nữ đủ điều kiện vào quy hoạch, tạo nguồn” – TS Mai Thu chia sẻ.

Hỗ trợ để phụ nữ thể hiện khả năng

“Quá trình thực hiện dự án, tôi thấy rằng nếu để nói thì ai cũng thể hiện ủng hộ. Nhưng ủng hộ như thế nào thì không thể nhìn bề ngoài để đánh giá được. Có những người nắm vị trí không cao, nhưng họ biểu đạt rất rõ quan điểm ủng hộ phụ nữ bằng phiếu bầu”.
TS Lò Thị Mai Thu

Từ khi triển khai dự án, điều TS Mai Thu cảm nhận rõ nhất chính là sự thay đổi của bản thân. Trước đây, chị chỉ chuyên tâm vào chuyên môn, còn hiện tại, chị có thêm nhiều kiến thức về bình đẳng giới, bình đẳng với tất cả mọi người trong cộng đồng… Chị hiểu được rằng không phải cứ “ấn” phụ nữ vào một vị trí lãnh đạo nào đó là giúp đỡ họ mà phải hỗ trợ cho họ có đủ các điều kiện, sẵn sàng về tâm thế để làm lãnh đạo.

Lấp lánh mắt cười, nữ TS hạnh phúc kể về niềm vui khi vừa nhận được món quà tri ân từ học trò đã tốt nghiệp ra trường được gần 6 năm. Đó là một nữ SV người dân tộc thiểu số, bố mất sớm, nhà ở vùng khó khăn của tỉnh Lạng Sơn. Vượt lên hoàn cảnh gia đình, em học rất giỏi. Trong quá trình làm khóa luận tốt nghiệp thì mẹ em mất, để mưu sinh, hàng ngày cô gái đi bẻ ngô thuê mỗi bao 10.000 đồng, cả buổi sáng chỉ được 3 bao. Những lúc cảm thấy bế tắc, nữ SV tâm sự với cô giáo về sự bất lực của em trước hoàn cảnh…

Thương học trò, TS Mai Thu tìm cách giúp đỡ em. Lúc đó có chương trình cho SV đi thực tập hưởng lương tại trong 10 – 11 tháng, nhưng lại không tuyển SV nữ. Chị Mai Thu đã trình bày về hoàn cảnh của SV mình và được BGH ưu tiên sắp xếp cho em đi thực tập ở nước ngoài. Sau 10 tháng, nữ SV trở về, phấn khởi vì có một số vốn nho nhỏ trong tay, trình độ tiếng Anh khá hẳn lên, kiến thức mở mang, có tiền xin du học Đài Loan làm thạc sĩ, được một công ty sản xuất kính ở Đài Loan tuyển dụng…

Khoảnh khắc thấy học trò trưởng thành, TS Mai Thu cảm thấy vô cùng hạnh phúc, thêm quyết tâm theo đuổi những hoạt động bình đẳng giới trong đơn vị công tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ