Hoàng Linh Khánh - học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng cần sửa đổi các hình ảnh trong sách giáo khoa để thực hiện bình đẳng giới. Khánh cho hay: Khi nói về nghề nghiệp, nam giới luôn được xếp vào các ngành bác sĩ, cảnh sát, luật sư, kĩ sư, còn nữ giới được giới thiệu làm nội trợ, nông nghiệp, nhân viên, y tá. Các danh nhân thế giới được đưa vào sách giáo khoa cũng phần nhiều là nam, không phải nữ.
Như trong sách giáo khoa Đạo đức hay Giáo dục công dân, những ví dụ về học sinh nghịch ngợm, chưa ngoan đều là học sinh nam. Trong khi thực tế không phải bạn nam nào cũng nghịch và không phải bạn nữ là sẽ ngoan. Vì vậy theo Khánh, những hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa như vậy cũng chính là gốc rễ dẫn tới việc bất bình đẳng giới.
Bạn cùng lớp với Khánh là Tô Mai Anh, đề cập đến một vấn đề không hiếm hiện nay là học sinh có giới tính thứ ba và cho rằng đây là đối tượng cũng cần được quan tâm. Theo Mai Anh, vấn đề cần sửa đổi trước nhất là thái độ của giáo viên với những học sinh này.
“Con biết có một số giáo viên khi phát hiện học sinh của mình đồng tính thì không cho các bạn ấy có những cơ hội học tập như các bạn khác. Nếu nói về bất bình đẳng giới thì đây cũng sắp sửa trở thành vấn đề lớn” - Mai Anh nói.
Phan Đức Mạnh, sinh viên Trường Đại học Xây dựng cho rằng, sự bình đẳng giới cần thể hiện rõ ở các môn học, đặc biệt là Giáo dục thể chất. Hiện chương trình môn Thể dục ở cấp THPT chỉ dừng lại ở mức bảo đảm thể chất cho học sinh trong quá trình học. Còn với đại học, môn học này trở thành tiêu chí quan trọng để ra được trường.
“Tuy nhiên, đa số nội dung được sắp xếp trong chương trình yêu cầu người học phải có sức khỏe, thể lực tốt. Có những môn như xà kép hay chạy 1.500 mét, các bạn nam có thể qua dễ dàng, nhưng bạn nữ lại rất vất vả. Điều này thể hiện sự bất bình đẳng và cần điều chỉnh để đưa vào nội dung mà cả nam và nữ đều có thể học, Mạnh nhận xét.
Liên quan đến việc tôn trọng sự khác biệt của từng học sinh, Nguyễn Thùy Dương - học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng: Các thầy cô không chỉ đào tạo về mặt chuyên môn mà cả về con người, với những kỹ năng khác. Làm giáo viên thì không chỉ dạy kiến thức mà cần tôn trọng cá tính, suy nghĩ riêng của học trò. Điều này rất nhiều thầy cô giáo chưa làm được.
Dù ở Trường Hà Nội - Amsterdam là môi trường đặc thù nên các thầy cô đã khá tôn trọng cá tính của học trò nhưng bạn bè em ở nhiều trường khác nhau đều “kêu” rất nhiều về việc không được thầy cô tôn trọng cá tính, suy nghĩ riêng của học sinh. “Giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà cần tôn trọng cá tính của học trò. Thầy cô đừng bắt học sinh ở trong khuôn khổ quá lâu khiến các em bị cảm giác kìm kẹp”- Thùy Dương bày tỏ.
Trong khi đó, Trương Văn Anh lại đề cập đến những băn khoăn về sách giáo khoa phổ thông hiện hành. Theo Văn Anh, bộ sách giáo khoa hiện nay có ưu điểm là chứa đựng nhiều kiến thức nhưng lại đang đi sâu vào việc học lý thuyết quá nhiều. Ví dụ đối với môn Hóa đáng lẽ phải thực hành nhiều hơn và học sinh được tự mình trải nghiệm nhưng ở Việt Nam, tất cả những sách Toán, Lý, Hóa lại như “một combo sách” khiến cho học sinh suốt ngày chỉ biết cắm đầu vào sách vở.