Bỏ qua lời bác sĩ, bà mẹ này quyết giữ lại thai nhi dị tật và điều kỳ diệu đã xảy ra

Sau khi nhận kết quả siêu âm thai nhi bị dị tật bẩm sinh không có thận, các bác sĩ kết luận 100% em bé sẽ tử vong.

Bỏ qua lời bác sĩ, bà mẹ này quyết giữ lại thai nhi dị tật và điều kỳ diệu đã xảy ra
3 năm trước, Nghị sĩ Mỹ Jaime Herrera Beutler và chồng cô, Dan Beutler, đón nhận tin tức khủng khiếp từ các bác sĩ. Siêu âm vào tuần thai thứ 20 (tháng 5/2013) cho thấy, con gái đầu lòng của họ không có thận.
Chẩn đoán chết người
Đây là một tình trạng vô cùng hiếm gặp có tên Hội chứng Potter. Thận không phát triển đúng theo tiến trình bé lớn lên trong bụng mẹ .
Trước đó, siêu âm vào tuần thai thứ 10 cho thấy mọi việc đều tiến triển tốt. Chuyên viên thực hiện việc siêu âm cũng là người đã siêu âm lần đầu cho Jaime. Dan nhớ lại: “Anh ấy bật máy lên và bắt đầu thao tác. Đến chỗ lẽ ra anh ấy phải thực sự hào hứng và sôi nổi như vài tuần trước, thì khuôn mặt anh ấy nhăn lại. Nó toát lên vẻ nghiêm trọng và hoàn toàn im ắng”.
Cuối cùng, “anh ấy biểu thị vẻ u ám và nói: ‘Tôi không nhìn thấy thận’”, nữ nghị sĩ bang Washington chia sẻ trên tờ People. “Ngay lúc đó, tôi biết rằng có chuyện tồi tệ đã xảy ra”.
Không có thận
Jaime Herrera Beutler và chồng cô, Dan Beutler cùng con gái sau khi sinh.
Không lâu sau đó, hai bác sĩ khác xác nhận với vợ chồng Jaime rằng, em bé không có thận. “Bác sĩ nói, khả năng tử vong của bé là 100%”, Jamie kể. “Hoặc bé sẽ mất ngay trong bụng mẹ, tôi sẽ bị sảy thai hoặc bé sẽ chết ngạt trên tay tôi ngay sau khi vừa được sinh ra”.
Đúng lúc đó, Jaime cảm thấy em bé đang đạp trong bụng mình. “Khi bác sĩ nói cơ hội sóng sót của con tôi bằng 0, tôi đã nghĩ, mình rõ ràng không hề đồng tình với nhận định đó. Rồi sau đó, tôi rơi vào trạng thái hỗn loạn. Hoàn toàn rối bời. Tôi nhìn Dan, như muốn nói: ‘Có phải chuyện này thực sự xảy ra với chúng ta không?’”.
Họ rời bệnh viện, trong lòng ngổn ngang trăm mối, và không thể đưa ra bất cứ quyết định nào. Về tới nhà, Jaime đã khóc rất nhiều. Chồng cô chỉ biết ôm lấy cô, vỗ về, an ủi. Còn Jaime thì nghĩ, bác sĩ nói con họ không thể sống. Nhưng sự thực là con bé vẫn đang sống trong cô.
Ngày hôm sau, vợ chồng Jaime quyết định không từ bỏ. Họ bay tới Washington để đến khám ở một bệnh viện khác. Nhưng kết quả lần này cũng không có gì thay đổi.
Không có thận
Nhờ dung dịch muối tiêm truyền, cô bé không có thận đã được cứu sống.
Sự can thiệp thần thánh?
Rob Volmer, giám đốc công ty quan hệ công chúng ở Washington, tình cờ đọc được câu chuyện về em bé của Jaime. Bản thân con trai anh cũng mắc hội chứng tương tự. Và dung dịch muối tiêm truyền khi được tiêm vào tử cung vợ anh đã cứu sống em bé.
Volmer bèn tìm cách liên lạc với vợ chồng Jaime. “Anh ấy hỏi: ‘Họ đã làm việc này chưa? Hai bạn có đề nghị họ làm không?”, Jaime kể. “Tôi trả lời: ‘Không. Không hề’. Bởi vì lúc đó, một bác sĩ nói với bạn như vậy, nhiều bác sĩ khác cũng nói như vậy thì bạn có thể đặt câu hỏi cho ai? Chúng tôi không biết nữa. Chúng tôi không phải là bác sĩ”.
Sau đó, Volmer đưa cho vợ chồng Jaime số liên lạc của bác sĩ Jessica Bienstock – chuyên gia sản phụ khoa đối với các trường hợp mang thai gặp biến chứng tại Bệnh viện John Hopkins ở Baltimore – người đã giúp đỡ vợ chồng anh.
Tiền đề của việc tiêm truyền dung dịch muối rất đơn giản: ở các thai kỳ bình thường, thận thai nhi giúp sản sinh ra dịch ối – cần thiết cho sự phát triển toàn diện và đặc biệt thiết yếu cho sự phát triển của phổi. Nếu thai nhi không có thận, phổi của bé không thể phát triển bình thường và bé sẽ không thể thở sau khi chào đời. Tiêm dung dịch muối vào tử cung người mẹ sẽ giúp cung cấp dịch ối bị thiếu đó.
Không có thận
Abigail Beutler 1 tháng sau khi ghép thận.
Bác sĩ Bienstock cuối cùng cũng đồng ý thử một liều tiêm truyền cho Jaime dù tỏ ra không mấy lạc quan sau khi xem siêu âm của cô. “Tôi nhận ra khá nhiều khiếm khuyết về cấu trúc – đầu em bé bị biến dạng, bàn chân bị dị tật bẩm sinh và ngực trông rất nhỏ”, bác sĩ cho biết. “Thành thực mà nói, sau lần tiêm truyền đầu tiên, tôi đã nghĩ có vẻ không có triển vọng gì”.
Nhưng Jaime và Dan vẫn muốn thử tiếp, cho dù có chuyện gì xảy ra. “Sự khác biệt giữa 0% hi vọng và 0,00001% hi vọng là rất lớn”, Dan nhấn mạnh.
1 tuần sau khi Jaime tới hẹn gặp bác sĩ Bienstock, mọi thứ bỗng dưng chuyển biến rất tốt. Đầu thai nhi lại trở về hình dạng thông thường. Ngực trông cũng lớn hơn. Em bé còn bắt đầu di chuyển.
Bà mẹ dũng cảm Jaime thường thức dậy lúc 4 giờ sáng, lái xe tới Baltimore để điều trị và trở về Washington để tiếp tục công việc của một nghị sĩ. Cùng với thời gian, ngực thai nhi ngày càng lớn thêm. “Chúng tôi còn nhìn thấy Abigail đang tập thở trong bụng mẹ”, bác sĩ Bienstock thích thú kể.
Vào 11/7/2013, Jaime trở dạ. Bé Abigail Beutler chào đời tại một bệnh viện ở Portland, ban Oregon, sớm hơn dự sinh 2 tháng. Chỉ nặng hơn 1,2kg, Abigail đến với thế giới bằng một tiếng khóc – minh chứng cho thấy phổi bé hoạt động bình thường. Abigail là em bé đầu tiên bị mắc Hội chứng Potter đã sống sót thành công sau khi chào đời.
Vào vào 8/2/2016, gần 3 năm sau kiên trì lọc máu, cô bé đã đủ lớn được ghép thận – quả thận do chính cha mình hiến tặng.
Cả Jaime lẫn Dan đều phù hợp để hiến tặng thận cho con gái nhưng Dan đã quyết định mình sẽ là người thực hiện trọng trách này. “Tôi muốn giúp con”, Dan, 34 tuổi, thổ lộ. “Tôi muốn làm mọi thứ có thể để giúp cuộc sống của con gái tốt hơn”. 3 năm trước, anh đã tạm hoãn việc theo học tại trường luật để dành toàn bộ thời gian chăm sóc Abigail.
Còn một lý do khác khiến Dan trở thành người hiến thận cho con gái là Jaime đang mang thai em trai của Abigail, bé Ethan. Lần mang thai này không gặp rắc rối nào. Giờ đây, Abigail là một cô bé mạnh khỏe, vui vẻ, tràn đầy sức sống hơn bao giờ hết.
Hiện Jaime và Dan vẫn tiếp tục chia sẻ câu chuyện kỳ diệu của mình để khích lệ những cặp vợ chồng cũng đang phải đối mặt với tiên lượng xấu tương tự hãy thẳng thắn thảo luận về các lựa chọn với bác sĩ, để không bỏ qua, dù là cơ hội mong manh nhất cứu sống thai nhi.
Theo afamily.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ