Quản lý thuận lợi, giáo viên phấn khởi
Từ khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 08) sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, việc triển khai công tác xét nâng hạng, xếp lương cho đội ngũ giáo viên diễn ra thuận lợi hơn.
Huyện Kiên Hải (Kiên Giang) đã triển khai việc nâng hạng, xếp lương thuận lợi cho đội ngũ giáo viên theo quy định hoàn thành theo hướng dẫn của Thông tư 08 từ tháng 8/2023. Ông Võ Hồng Phú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Thông tư 08 đã quy định rõ hơn việc xếp lương thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 01, Thông tư 02, Thông tư 03 được ban hành trước đó.
Thông tư 08 quy định cụ thể thời gian, điều kiện để chuyển tiếp lương, từ đó tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn. Thông tư này còn tạo khung pháp lý góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện đảm bảo chính sách cho đội ngũ giáo viên, khích lệ thầy cô cống hiến, gắn bó với ngành, thuận lợi cho công tác quản lý và nâng lương đúng quy định.
“Thông tư 08 đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về chế độ chính sách và giúp nâng mức thu nhập cho đội ngũ nhà giáo”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kiên Hải nhấn mạnh.
Quy định rõ ràng của Thông tư 08 giúp giáo viên có cơ hội bổ nhiệm, nâng hạng xếp lương, cải thiện đời sống hằng tháng để nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến. Giáo viên Trường THPT Tân Long (Hậu Giang) rất vui mừng khi được địa phương thực hiện bổ nhiệm và chuyển xếp lương sớm với yêu cầu tính chất công việc được phân công, nhưng một số ít địa phương quyền lợi chưa đảm bảo là một sự thiệt thòi...
Chia sẻ của thầy Huỳnh Ngọc Huy Tùng - Trường THPT Tân Long: Thực tế có giáo viên đủ điều kiện nhưng vì lý do nào đó nên chưa được tiến hành bổ nhiệm, nâng hạng xếp lương. Với Thông tư 08, mong chính quyền địa phương có cơ chế và giải pháp nguồn ngân sách phù hợp cho giáo viên được truy lĩnh lại từ ngày thông tư có hiệu lực. Nếu chậm trễ thực hiện Thông tư 08, nhiều người bị thiệt thòi, nhất là giáo viên tiêu biểu ở các trường.
Theo thầy Tùng, giáo viên thường phải nỗ lực nhiều năm nếu muốn được xếp lương theo hạng với hệ số mới cao hơn; nếu muốn nâng lương trước thời hạn thêm hệ số 0,33 thì phải phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền.
Do đó, nếu có tình trạng chậm trễ trong việc bổ nhiệm và xếp lương giáo viên, gây thiệt thòi lớn, khiến nhiều nhà giáo mất một nguồn thu nhập chính đáng dù đã hoàn toàn đủ điều kiện. Điều này khiến các giáo viên giỏi tâm huyết, lãnh đạo quản lý tiêu biểu luôn làm việc của giáo viên hạng I, II nhưng chỉ được nhận lương hạng III hay thấp hơn.
“Tôi và nhiều giáo viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục hy vọng việc bổ nhiệm và chuyển xếp lương sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Nếu trễ so với quy định, giáo viên sẽ được truy lĩnh lại tiền chênh lệch kể từ ngày Thông tư 08 có hiệu lực để mang tính công bằng giữa các địa phương trong cả nước.
Từ đó giúp ổn định công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên an tâm công tác, tập trung triển khai Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả cao. Để làm tốt vấn đề nêu trên các địa phương cần khẩn trương nghiên cứu các quy định điều chỉnh và hoàn thành việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập sớm nhất”, thầy Huy Tùng nói.
Vẫn còn vướng mắc
Theo Sở GD&ĐT Hậu Giang, tỉnh có hơn 10 nghìn hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, xếp lương mới của giáo viên. Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT kết hợp cùng sở Nội vụ, phòng Nội vụ tiếp nhận và thẩm định; ban hành quyết định bổ nhiệm, xếp lương mới cho giáo viên. Trong quá trình thực hiện, sở đã bám sát hướng dẫn của Thông tư 08 để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho giáo viên.
Bên cạnh những địa phương triển khai bổ nhiệm, xếp lương mới cho giáo viên vẫn còn một số nơi chưa tiến hành do giáo viên chưa được đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ hạng.
Một giáo viên công tác trên địa bàn TP Mỹ Tho (Tiền Giang) phản ánh: “Tôi là giáo viên THCS hạng II, mã ngạch V.07.04.11. Đầu tháng 9/2023, hiệu trưởng đã tổng hợp danh sách giáo viên chuyển mã số ngạch chức danh nghề nghiệp.
Giáo viên hạng II như tôi và những giáo viên khác đã nộp tất cả bằng cấp, bằng khen, chứng chỉ... theo hướng dẫn để chuẩn bị làm hồ sơ chuyển sang mã số, chức danh nghề nghiệp mới: Giáo viên hạng II - mã số V.07.04.31 theo Thông tư 08”.
Giữa tháng 11/2023, Phòng GD&ĐT thành phố Mỹ Tho yêu cầu các trường rà soát giáo viên có tên trong danh sách kiểm tra lại lần nữa để gửi lên phòng ký chuyển đi. Tuy nhiên, Thông tư 08 đã có hiệu lực nhưng giáo viên hạng II vẫn giữ mã ngạch cũ.
Do đó, trong cùng 1 trường mà tồn tại 2 mã ngạch giáo viên: Giáo viên hạng III - mã số V.07.04.32 theo thông tư mới và Giáo viên hạng II - mã số V.07.04.11 theo thông tư cũ.
“Tôi thắc mắc là đợi đến khi nào để thực hiện việc bổ nhiệm, chuyển xếp lương giáo viên theo Thông tư 08 đúng quy định của Bộ GD&ĐT và việc hoàn tiền truy lĩnh cho những giáo viên hạng II đã bị chậm chuyển mã ngạch theo thông tư”, giáo viên này băn khoăn.
Theo chia sẻ của nhiều cán bộ quản lý và giáo viên, việc xác định tổng thời gian giữ hạng để làm căn cứ bổ nhiệm, chuyển xếp từ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II cũ sang chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II mới còn chưa thực hiện thống nhất ở một số nơi. Một số địa phương yêu cầu 9 năm tính từ khi giáo viên đạt trình độ đại học.